Cư dân tại Chung cư Westa (quận Hà Đông, Hà Nội) do CIG làm chủ đầu tư nhận bàn giao căn hộ từ năm 2014 đến nay vẫn chưa được cấp sổ hồng.

Cư dân tại Chung cư Westa (quận Hà Đông, Hà Nội) do CIG làm chủ đầu tư nhận bàn giao căn hộ từ năm 2014 đến nay vẫn chưa được cấp sổ hồng.

COMA 18 (CIG): Kỳ vọng mong manh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá cổ phiếu CIG của Công ty cổ phần COMA 18 hiện đã tăng gấp 3 so với đầu năm, dù doanh nghiệp có lỗ lũy kế đến thời điểm cuối năm ngoái gần bằng vốn điều lệ và ngập trong nợ nần.

Tài chính khó khăn kéo dài

Năm 2020, CIG lỗ 27,5 tỷ đồng (năm 2019 lãi vỏn vẹn 125 triệu đồng), nâng lỗ lũy kế lên con số gần 300 tỷ đồng, gần bằng vốn điều lệ (315,4 tỷ đồng).

Tại thời điểm cuối năm 2020, CIG có tổng tài sản 691,5 tỷ đồng, trong đó, 76,8% là các khoản nợ phải trả (531,3 tỷ đồng), khoản mục vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, dài hạn lần lượt là 83,4 tỷ đồng và 93,3 tỷ đồng.

CIG đang trong quá trình đàm phán trả nợ với ngân hàng và các nhà thầu. Trong đó, nợ ngân hàng vào khoảng 250 tỷ đồng, Công ty muốn được giãn nợ, miễn giảm lãi… Đáng chú ý, do nợ thuế nên CIG bị phong tỏa tài khoản hóa đơn, hiện doanh nghiệp đang làm việc với cục thuế để cơ cấu, trả bớt một phần nợ và xin tiếp tục xuất hóa đơn.

Theo CIG, tình hình tài chính khó khăn kéo dài một phần bởi doanh nghiệp có khoản thu khó đòi tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Nhiệt điện Hải Phòng, Xi măng Bút Sơn, Formosa…

Kỳ vọng dự án mới

Ngày 15/3/2021, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Kim Thành tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

Dự án có quy mô sử dụng đất 164,98 ha (giai đoạn 1 là 65 ha, giai đoạn 2 là 99,98 ha), tổng vốn đầu tư 1.160,72 tỷ đồng, trong đó vốn góp của CIG là 174,11 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư.

Việt Nam đã khẳng định được uy tín trên thế giới trong việc kiểm soát dịch bệnh, tạo môi trường đầu tư an toàn, bền vững nên đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn quốc tế, trong đó có sự dịch chuyển cơ sở sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

Không ít doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp đã được hưởng lợi từ xu hướng này như Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc…

Do vậy, với thông tin được chấp thuận về chủ trương tham gia đầu tư dự án Khu công nghiệp Kim Thành, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, “ánh sáng” đã xuất hiện với CIG. Hai phiên giao dịch cuối tuần qua, giá cổ phiếu CIG tăng trần, đạt 5.860 đồng/cổ phiếu, gấp 3 lần mức giá ngày 4/1/2021.

Vốn đâu để góp?

Khoản lỗ lũy kế hiện nay của CIG chủ yếu là do năm 2015 thua lỗ lớn, đến từ nhiều yếu tố, bao gồm hoạt động sản xuất - kinh doanh kém hiệu quả trong các mảng đầu tư bất động sản, đầu tư xây dựng, thi công, xây lắp, điện…

Giữa năm 2016, CIG lên kế hoạch tái cơ cấu toàn diện, với lộ trình 3 - 5 năm (2017 - 2022), chia làm 3 giai đoạn: tái cấu trúc nhân sự, tái cấu trúc ngành nghề và tái cấu trúc tài chính.

Theo đại diện CIG, đến nay, Công ty đã hoàn thành giai đoạn 1 là tinh giản bộ máy nhân sự. Với giai đoạn tái cấu trúc ngành nghề, Công ty đang tập trung vào 3 lĩnh vực: quản lý sau đầu tư, đầu tư khu công nghiệp và thi công.

Về tái cấu trúc tài chính, bài toán xoá lỗ luỹ kế vẫn là thách thức lớn, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 gây ra không ít trở ngại trong hoạt động kinh doanh.

CIG đang loay hoay trong việc thu xếp dòng tiền để trả nợ thuế, nợ ngân hàng và nhà thầu, nên bài toán nguồn vốn cho dự án Khu công nghiệp Kim Thành không dễ giải quyết, chưa kể giải phóng mặt bằng rất gian nan. Mặt khác, với tỷ lệ góp vốn 15%, thì khi dự án hoàn thành, đưa vào khai thác, miếng bánh lợi nhuận được chia cũng nhỏ, khó có thể kỳ vọng vào sự đột phá trong tương lai gần của Công ty.

Trong cơ cấu cổ đông hiện nay của CIG, Công ty cổ phần Ðầu tư Fidel sở hữu 57,39% cổ phần, còn lại là các nhà đầu tư cá nhân.

Tin bài liên quan