Ảnh Internet

Ảnh Internet

Còn dư địa để Quảng Ninh đạt 25.000 doanh nghiệp vào năm 2020

Với quy định tại Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 10/10/2018, Quảng Ninh kỳ vọng sẽ đạt được chỉ tiêu 25.000 doanh nghiệp vào năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra.

Dư địa các hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp

Cuối tháng 12/2016, khi làm việc với các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra cho tỉnh này nhiệm vụ đến năm 2020 phải đạt mốc 25.000 doanh nghiệp. Song theo tổng kết của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, lũy kế đến ngày 30/9/2018, Quảng Ninh mới có 17.026 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, bằng 68,1% so với chỉ tiêu mà Thủ tướng đã giao. 

Như vậy, trong hơn 2 năm tới, Quảng Ninh cần phải có thêm gần 8.000 doanh nghiệp nữa. Đây được coi là thách thức với tỉnh này, bởi 2 năm trước đó, số doanh nghiệp được thành lập mới chưa vượt qua con số 3.000 doanh nghiệp/năm.

Theo kết quả tổng hợp nhanh Tổng điều tra kinh tế tỉnh Quảng Ninh năm 2017 của Cục Thống kê tỉnh, tính đến ngày 12/1/2018, có 26.390/79.530 đơn vị sản xuất - kinh doanh cá thể có đăng ký và hoạt động theo mô hình hộ kinh doanh. Trong đó, theo số liệu của cơ quan thuế, chỉ có 18.000 hộ có phát sinh thuế. Đây là dư địa để Quảng Ninh có thêm các doanh nghiệp mới được thành lập nhờ chuyển đổi từ hộ kinh doanh như quy định tại Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 10/10/2018.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, việc vận động các hộ kinh doanh chuyển qua mô hình doanh nghiệp chưa có kết quả cao. Nguyên nhân là việc duy trì mô hình hộ kinh doanh vẫn đang có lợi thế về quản lý và thực hiện các nghĩa vụ tài chính so với mô hình doanh nghiệp. 

Lý giải thêm, ông Hồ Quang Huy, Phó chủ tịch UBND TP. Hạ Long (địa phương có nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh cá thể nhất của Quảng Ninh) nhấn mạnh, hồ sơ, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh thuận lợi; hệ thống sổ sách kế toán, quản lý thuế quá dễ dàng, dẫn đến người dân lựa chọn hình thức thành lập hộ kinh doanh thay vì thành lập doanh nghiệp. 

Theo Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên mới phải nộp thuế khoán. Hơn nữa, việc kê khai doanh thu rất khó kiểm soát vì hộ kinh doanh không phải lập hóa đơn chứng từ, sổ sách kế toán. “Việc này dẫn đến tình trạng cùng hộ khẩu, các cá nhân vừa tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp, vừa thành lập hộ kinh doanh, dễ dàng “chuyển doanh thu” giữa các chủ thể kinh doanh, dẫn đến thất thu thuế cho ngân sách nhà nước, các cơ quan quản lý khó kiểm tra, kiểm soát. Cơ quan chức năng không được kiểm tra quá 1 lần/năm, trừ khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng”, ông Huy nói. 

Quảng Ninh rất kỳ vọng, sau ngày 10/10, sẽ có nhiều hộ kinh doanh trong số 18.000 hộ đang có đóng thuế sẽ chuyển đổi thành doanh nghiệp.
- Ông Phạm Xuân Đài, Phó giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư    

Chính sách ưu đãi thôi là chưa đủ

Theo Nghị định 108/2018/NĐ-CP, hộ kinh doanh đủ điều kiện theo quy định của khoản 1, Điều 16, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ nhận được nhiều ưu đãi khi chuyển đổi thành doanh nghiệp. “Vì vậy, Quảng Ninh rất kỳ vọng, sau ngày 10/10, sẽ có nhiều hộ kinh doanh trong số 18.000 hộ đang có đóng thuế sẽ chuyển đổi thành doanh nghiệp”, ông Phạm Xuân Đài, Phó giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco, những ưu đãi khi trở thành doanh nghiệp không thể bằng những nghĩa vụ mà các hộ kinh doanh “trốn” được. “Cần phải có văn bản quy phạm pháp luật riêng để quản lý hộ kinh doanh như với mô hình doanh nghiệp. Bên cạnh quy định hiện hành là hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp, cần có chế tài xử phạt với hộ kinh doanh không tuân thủ. Điều này sẽ góp phần tạo sự công bằng trong việc thực hiện các nghĩa vụ giữa hộ kinh doanh với doanh nghiệp”, ông Phong nhấn mạnh. 

Ở góc độ địa phương quản lý trực tiếp các hộ kinh doanh, ông Huy còn đưa thêm các giải pháp như có biện pháp đảm bảo một hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh; có hướng dẫn tiêu chí đánh giá đối với hộ kinh doanh có thu nhập thấp để ngăn chặn tình trạng lách, trốn thuế... 

Ngoài các hộ kinh doanh, nhóm khởi nghiệp ở mức độ nhỏ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng là dư địa để Quảng Ninh hoàn thành chỉ tiêu 25.000 doanh nghiệp vào năm 2020. Ông Đài cho biết, Sở đang xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tăng số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động mới. Các ưu đãi này tập trung vào việc hỗ trợ chi phí ban đầu để thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp, chi phí xúc tiến thương mại, hỗ trợ vay vốn phát triển sản phẩm…

Tin bài liên quan