Con đường phục hồi của Đông Nam Á

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước khi đại dịch COVID-19 nổ ra, Đông Nam Á là một câu chuyện thành công toàn cầu trong việc thúc đẩy tăng trưởng và giảm nghèo.
Con đường phục hồi của Đông Nam Á

Đại dịch đã đột ngột đảo ngược những thành tựu đó, đẩy thêm 4,7 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2021 và dẫn tới giảm 9,3 triệu việc làm mới trong cùng năm, so với kịch bản không có COVID. Trong khi những dấu hiệu phục hồi đầu tiên bắt đầu xuất hiện, tổng sản lượng của khu vực trong năm nay dự kiến ​​vẫn sẽ thấp hơn ít nhất 10% so với ​​trong trường hợp không có COVID-19.

Ông Ramesh Subramaniam, Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển Châu Á.

Ông Ramesh Subramaniam, Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển Châu Á.

Tại thời điểm then chốt này, các quốc gia bắt buộc phải giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập đang gia tăng và bảo đảm xu hướng này không trở thành “bình thường mới” của khu vực. Bất bình đẳng gia tăng là yếu tố cản trở tăng trưởng và làm xói mòn xương sống của xã hội. Nó làm mất đi động lực của những lao động có kỹ năng thấp hơn và làm giảm năng suất lao động. Nó cản trở việc giáo dục và phát triển kỹ năng cho những người không có đủ thu nhập hoặc sự tín nhiệm. Bất bình đẳng gia tăng cũng làm suy giảm tính cố kết xã hội.

Khi khu vực tiếp tục đặt nền móng cho công cuộc phục hồi, một nghiên cứu mới của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với nhan đề "Đông Nam Á trỗi dậy từ đại dịch (Southeast Asia: Rising from the Pandemic)" khuyến nghị các nhà lãnh đạo áp dụng một loạt những biện pháp chính sách quan trọng mà có thể thúc đẩy việc phục hồi, bảo đảm chắc chắn hơn rằng sự trở lại của Đông Nam Á sau đại dịch COVID-19 mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Các quốc gia cần tăng cường đầu tư đáng kể cho các hệ thống y tế quốc gia để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cốt lõi, cải thiện giám sát, bảo đảm tiếp tục có đủ nguồn cung cấp y tế và tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

Nghiên cứu của ADB cho thấy, việc tăng đầu tư y tế của các quốc gia lên khoảng 4,8% tổng sản phẩm quốc nội, cao hơn so với mức trung bình 3% GDP năm 2021, sẽ giúp tăng trưởng kinh tế cao hơn 1,5%. Đầu tư mạnh hơn cho việc chăm sóc sức khỏe sẽ làm giảm gánh nặng bệnh tật, dẫn đến tỷ lệ tham gia lao động cao hơn và nâng cao năng suất tại nơi làm việc. Các quốc gia cũng nên xem xét áp dụng những quy định chăm sóc sức khỏe toàn dân để bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại phía sau.

Song song với đó, các quốc gia cần tích cực theo đuổi những cải cách cơ cấu để có thể nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh, bao gồm tăng cường đầu tư vào vốn con người. Trong bối cảnh đại dịch, việc tăng tốc số hóa, tái phân bổ việc làm trên diện rộng giữa các lĩnh vực, và số lượng ngày càng tăng các công việc đòi hỏi người lao động có kỹ năng kỹ thuật đã dẫn tới các khoảng trống kỹ năng lớn.

Một nghiên cứu gần đây của APEC về khoảng cách kỹ năng số cho thấy 75% người sử dụng lao động đang nhận thấy sự không phù hợp về kỹ năng đáng kể của những người tham gia lực lượng lao động.

Cần có những khoản đầu tư lớn hơn nhằm tạo ra một lực lượng lao động tương lai được trang bị tốt hơn để hỗ trợ một nền kinh tế hiện đại. Điều này bao gồm những cải tiến đáng kể trong hệ thống giáo dục, các chương trình hỗ trợ học việc và đào tạo tại nơi làm việc, và những cơ chế khuyến khích việc đào tạo lại và nâng cao kỹ năng

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các quốc gia có thể gỡ bỏ những rào cản thương mại để cải thiện hiệu quả và năng suất, giảm thiểu thủ tục hành chính quan liêu, cải thiện hậu cần và hỗ trợ hiện đại hóa các doanh nghiệp nhỏ thông qua ươm tạo và ứng dụng công nghệ.

Các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cũng cần tăng cường những nguyên tắc cơ bản của kinh tế vĩ mô và duy trì sự thận trọng về tài khóa trong việc quản lý nợ khi tài trợ cho quá trình phục hồi. Các gói hỗ trợ ứng phó COVID-19 lớn đã làm gia tăng đáng kể thâm hụt tài chính và mức nợ ở châu Á.

Năm 2020, tổng ngân sách ứng phó với đại dịch ở châu Á đang phát triển lên tới 3.800 tỷ USD, với tỷ lệ thâm hụt tài chính trên GDP của khu vực tăng gần gấp đôi, từ 5,0% năm 2019 lên 9,8% năm 2020. Khi Đông Nam Á thoát khỏi đại dịch, các quốc gia cần điều chỉnh sự mất cân bằng về kinh tế - tài chính hiện thời, đồng thời giúp giảm bớt những cú sốc có thể xảy ra trong tương lai bằng cách duy trì đủ nguồn dự trữ quốc tế và không gian chính sách.

Cuối cùng, khi các quốc gia tập trung vào việc tăng tốc phục hồi kinh tế, điều quan trọng là họ không chỉ đơn giản quay trở lại quỹ đạo thông thường. Cuộc khủng hoảng này tạo cơ hội để mở rộng đầu tư xanh và tạo nền tảng cho một nền kinh tế xanh hơn. Cần thiết kế lại các chính sách để bảo vệ sông ngòi và đại dương, cũng như hỗ trợ các quốc gia chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn.

Khu vực nhà nước và tư nhân nên hợp tác chặt chẽ hơn trong việc giảm thiểu tác động môi trường của các ngành công nghiệp thông qua việc tái chế và tái sử dụng vật liệu tích cực hơn. Các chính sách thuế nên khuyến khích giảm phát thải các-bon. Các kế hoạch phục hồi cũng nên thúc đẩy đầu tư cho cơ sở hạ tầng xanh – những khoản đầu tư có lợi cho môi trường và là yếu tố quan trọng tạo ra tăng trưởng và việc làm. Để hỗ trợ các mục tiêu khí hậu của khu vực, ADB đang làm việc với các đối tác khu vực và quốc tế để cắt giảm điện than thông qua sáng kiến Cơ chế chuyển đổi năng lượng và Nền tảng Phục hồi xanh.

Song song với đó, cách tiếp cận phục hồi lấy con người làm trung tâm này có thể giúp tạo ra nhiều việc làm năng suất hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như vận tải, khách sạn và du lịch. Nó có thể giúp khôi phục các xu hướng năng suất ở Đông Nam Á, vốn đã bị đảo ngược do COVID-19.

Hai năm sau đại dịch, Đông Nam Á đang bắt đầu phục hồi với tốc độ tăng trưởng mạnh hơn, còn các quốc gia đang tăng cường thúc đẩy công cuộc tái thiết tốt hơn. Dù sóng gió lớn vẫn còn, song vẫn có lý do để hy vọng. Nếu các quốc gia tăng cường đầu tư vào y tế, cải cách cơ cấu và nền kinh tế xanh, đồng thời duy trì sự thận trọng về tài khóa, họ có thể đưa Đông Nam Á trở lại thịnh vượng và mở ra một kỷ nguyên hồi sinh mới cho khu vực.

Hội nghị chuyên đề Phát triển Đông Nam Á (SEADS), sự kiện chia sẻ tri thức thường niên hàng đầu của ADB ở Đông Nam Á, quy tụ các nhà lãnh đạo từ khu vực chính phủ, công nghiệp, giới hàn lâm và các lĩnh vực khác để khám phá những giải pháp sáng tạo cho các vấn đề phát triển then chốt như biến đổi khí hậu và phát triển công nghệ.

Sự kiện năm nay, với chủ đề “Các giải pháp bền vững cho công cuộc phục hồi của Đông Nam Á”, sẽ tập trung vào cách thức để khu vực có thể thúc đẩy phục hồi sau đại dịch COVID bằng cách giải quyết những nút thắt của chuỗi cung ứng, phục hồi du lịch và tăng tốc chuyển đổi số. Sự kiện trực tuyến kéo dài hai ngày 16 - 17/3/2022, dự kiến thu hút khoảng 5.000 đại biểu tham dự.

Tin bài liên quan