Ông Nguyễn Thành Long

Ông Nguyễn Thành Long

Còn khoảng cách giữa quy định pháp luật và thực thi trong thu hồi nợ

(ĐTCK) “Để nâng cao vai trò của hệ thống các NHTM trong việc huy động vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thì việc thiết lập một hệ thống pháp luật có hiệu lực, hiệu quả trên thực tế để bảo đảm, hỗ trợ các NHTM thu hồi nợ một cách nhanh chóng, kịp thời sẽ là rất cần thiết”. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thành Long, Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối pháp chế, tuân thủ VPBank với ĐTCK.

Sau vụ “xiết nợ” gặp nhiều ý kiến trái chiều tại Hà Nội của VPBank, hiện công tác tự xử lý nợ của Ngân hàng được thực hiện thế nào với các khoản không trả được nợ, thưa ông?

Trước hết, phải khẳng định VPBank luôn tuân thủ pháp luật trong công tác cho vay cũng như thu hồi nợ. Theo quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm, đã được sửa đổi, bổ sung Nghị định số 11/2012/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm và cam kết tại hợp đồng thế chấp tài sản, VPBank có quyền “thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý”. Đây là một trong những quyền của ngân hàng nói chung, VPBank nói riêng được quy định bởi pháp luật, hoàn toàn không phải là “xiết nợ” như một số ý kiến đã hiểu lầm.

Cũng như tất cả các ngân hàng, VPBank luôn xác định công tác xử lý, thu hồi nợ là một nhiệm vụ trọng tâm đi cùng với hoạt động kinh doanh, cấp tín dụng. Khi khách hàng gặp khó khăn có khả năng không trả được nợ, nếu do nguyên nhân khách quan, tạm thời, có thể khắc phục được, Ngân hàng có thể phối hợp với khách hàng để tìm các giải pháp tháo gỡ, dần thu hồi nợ. Trường hợp khách hàng vi phạm hợp đồng tín dụng nghiêm trọng (sử dụng vốn sai mục đích...) hoặc không thể có biện pháp khắc phục, phục hồi kinh doanh, Ngân hàng sẽ trao đổi, thảo luận rõ với khách hàng để xác định rõ tính chất, tình hình và từ đó thuyết phục khách hàng có biện pháp trả nợ càng sớm càng tốt, tránh các thiệt hại phát sinh thêm.

Thực tế, thu hồi nợ cũng có không ít trường hợp khách hàng nhận thức không đầy đủ trách nhiệm trả nợ, hoặc cố tìm cách níu kéo, trì hoãn…, dẫn đến quá trình xử lý nợ, thu hồi tài sản của ngân hàng gặp khó khăn, buộc ngân hàng phải áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo quy định pháp luật như thu giữ tài sản bảo đảm hoặc khởi kiện đề nghị tòa án, cơ quan thi hành án xử lý để thu hồi nợ.    

Qua câu chuyện trên, ông đánh giá thế nào về các quy định pháp luật về xử lý nợ của ngân hàng?

Các quy định pháp luật về hợp đồng, giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm của Việt Nam đã có những thay đổi và cải thiện rất đáng kể, góp phần rất lớn vào bảo đảm sự an toàn, thúc đẩy phát triển các quan hệ, giao dịch kinh tế, thương mại và tín dụng. Tuy nhiên, giữa quy định pháp luật và thực thi trên thực tế còn có khoảng cách khá xa, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thu hồi nợ của ngân hàng.

Chẳng hạn, hợp đồng thế chấp có quy định rõ quyền của ngân hàng (bên nhận thế chấp) được thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nợ, nhưng lại chưa có biện pháp bảo đảm thực thi, dẫn đến khó khăn/hạn chế thực hiện trên thực tế.

Không ít trường hợp, ngân hàng đã không thể thực hiện được quyền này khi bên thế chấp (chủ tài sản) chống đối/ không bàn giao tài sản…, bởi lẽ chưa có quy định rõ ràng về nghĩa vụ của cơ quan chức năng như UBND, công an tại địa phương nơi có tài sản, hỗ trợ ngân hàng thu giữ tài sản bảo đảm. Trong khi đó, việc khởi kiện khách hàng để thu hồi nợ cũng không phải dễ dàng khi vướng mắc về các thủ tục tố tụng. Nhiều trường hợp khách hàng vay bỏ trốn, doanh nghiệp chuyển trụ sở mà không thông báo cho ngân hàng…, do đó, đơn khởi kiện của ngân hàng bị tòa án từ chối với lý do “ngân hàng không cung cấp được địa chỉ nơi cư trú của bị đơn”. 

Vậy theo ông, có nên trao thêm quyền cho ngân hàng hoặc cải thiện hệ thống pháp luật trong xử lý nợ không?

Trước hết phải thấy rằng, với vai trò là tổ chức trung gian tài chính, ngân hàng thực hiện vai trò huy động vốn nhàn rỗi từ người gửi tiền, thực hiện cho vay, thu hồi nợ và hoàn trả cho người gửi tiền (gốc, lãi). Đây là tiến trình thường xuyên, liên tục và tất yếu của các NHTM, bất kỳ một khâu nào trong tiến trình trên bị gián đoạn đều có thể ảnh hưởng đến vai trò “trung gian tài chính” của các NHTM. Theo đó, nếu không huy động vốn thì sẽ không thể có vốn để cho vay; nếu không/khó thu hồi được nợ thì sẽ gia tăng dự phòng rủi ro, chi phí ngân hàng tăng và làm cho lãi suất cho vay tăng…

Để nâng cao vai trò của hệ thống các NHTM trong việc huy động vốn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, việc thiết lập một hệ thống pháp luật, có hiệu lực, hiệu quả trên thực tế để bảo đảm, hỗ trợ các NHTM thu hồi nợ một cách nhanh chóng, kịp thời sẽ là rất cần thiết. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, văn hóa của bên vay vốn, bên bảo đảm trong việc trả nợ, thực hiện đúng các cam kết tại hợp đồng cũng cần phải tăng cường hơn nữa.

Theo đó, bên cạnh việc trao quyền, pháp luật về hợp đồng, giao dịch bảo đảm cần có quy định rõ để các cơ quan nhà nước có sự hỗ trợ các ngân hàng trong việc thực hiện các quyền được pháp luật quy định; pháp luật tố tụng dân sự, cơ quan xét xử cần có sự thay đổi để xử lý nhanh chóng các vụ kiện liên quan đến xử lý nợ của ngân hàng, góp phần thúc đẩy thu hồi nợ nhanh chóng, bảo đảm sự tôn trọng pháp luật của các bên trong giao dịch; thay đổi văn hóa, nhận thức của bên vay vốn, bên bảo đảm, cũng như cộng đồng trong việc thực thi trách nhiệm trả nợ vay ngân hàng, tạo trào lưu xã hội phê phán, không chấp nhận các hình thức chây ỳ trả nợ…

Tin bài liên quan