Thông tư 52 về 
công bố thông tin sẽ được sửa đổi trong thời gian tới

Thông tư 52 về công bố thông tin sẽ được sửa đổi trong thời gian tới

Công bố thông tin: Doanh nghiệp “kêu” khó và… ngại

(ĐTCK) Tại buổi tập huấn nằm trong kế hoạch tuyên truyền và phổ biến quy định về chứng khoán và TTCK của Sở GDCK TP. HCM (HOSE) tổ chức ngày 22/8 tại Hà Nội, nhiều DN niêm yết chia sẻ, dù đã cố gắng để tuân thủ quy định về công bố thông tin (CBTT), song trong quá trình thực hiện vẫn có nhiều va vấp, cần sửa đổi một số quy định pháp luật.

Bà Trần Thị Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE cho biết, số lượng DN vi phạm quy định về CBTT giảm đáng kể trong hơn một năm qua, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2014. Theo bà Đào, đối với những DN ít vi phạm, thậm chí là chưa bao giờ vi phạm, họ vẫn duy trì được “phong độ” chấp hành quy định về CBTT, trong khi những DN nằm trong nhóm thường xuyên bị nhắc nhở thì vẫn thường xuyên “tái phạm”. Ví dụ, khi DN chậm nộp báo cáo tài chính quý thì báo cáo bán niên, báo cáo hợp nhất… cũng chậm.

Một trong những sai sót xảy ra nhiều nhất khiến nhiều DN bị xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian qua liên quan đến việc vi phạm CBTT của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn và người liên quan.

Tại hội nghị tập huấn, đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã BID) cho biết, hiện tại, chỉ riêng đội ngũ lãnh đạo và Ban kiểm soát của BIDV đã xấp xỉ 20 người, tính cả những người liên quan đến đến các cổ đông này thì số lượng lên đến 200 người. Do đó, vậy việc kiểm soát giao dịch của tất cả cổ đông này để không xảy ra sai sót, chậm trễ trong CBTT là cả một vấn đề. Cần phải “định nghĩa” lại khái niệm người liên quan đến cổ đông nội bộ để DN tránh xảy ra sai sót trong CBTT.

Liên quan đến giao dịch của cổ đông nội bộ và người liên quan, đại diện Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã CTG) đề xuất, cần có quy định giao dịch tối thiểu của cổ đông nội bộ và người liên quan. Nhiều cổ đông chỉ giao dịch một vài nghìn cổ phiếu mà vẫn phải CBTT thì rất mất thời gian.

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho hay, trong lần sửa đổi Thông tư 52/2012/TT-BTC tới đây, UBCK sẽ làm rõ khái niệm người liên quan để các DN niêm yết nắm bắt cụ thể hơn và cũng là để hạn chế sai sót xảy ra. 

Thực tế, cổ đông nội bộ hay người liên quan là người nắm rõ tình hình hoạt động của DN nên hoạt động mua bán cổ phiếu của những cổ đông này thưởng ảnh hưởng đến tâm lý của các cổ đông nhỏ lẻ. Chính vì vậy, quy định về việc các cổ đông nội bộ và người liên quan phải CBTT trước 3 ngày kể từ ngày thực hiện giao dịch là để công bằng hơn đối với mọi cổ đông. Hơn nữa, rất khó để quy định số lượng giao dịch tối thiểu bao nhiêu thì mới phải CBTT, vì các cổ đông hoàn toàn có thể “xé lẻ” để giao dịch.

Nhiều DN niêm yết chia sẻ, việc CBTT bằng hệ thống điện tử thay cho phương thức thông thường đã giúp DN thuận lợi hơn trong CBTT. Mặc dù vậy, hiện nay, hệ thống phần mềm thông tin điện tử giữa UBCK và HOSE vẫn có độ “vênh” nhất định. Vì thế, cùng một thông tin DN gửi nhưng đôi khi UBCK nhận được còn HOSE không nhận được và ngược lại.

Vấn đề này, đại diện UBCK cho biết, hệ thống CBTT điện tử của UBCK và các Sở là do các đơn vị tài trợ, lắp đặt phần mềm khác nhau, trong một số trường hợp chưa thực sự đồng nhất. UBCK đang nghiên cứu để trong thời gian tới sẽ tích hợp hệ thống CBTT điện tử giữa UBCK và các Sở nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN niêm yết.

Trao đổi với ĐTCK bên lề hội nghị, một số DN cho rằng, TTCK đang ngày một minh bạch và chuyên nghiệp hơn nên “sức ép” CBTT đối với các DN ngày một tăng. Tuy nhiên, đôi khi, chính sự minh bạch trong CBTT lại là điểm bất lợi đối với DN, bởi các đối thủ có thể nắm được các yếu điểm của DN. Làm thế nào để vừa chấp hành đầy đủ quy định pháp luật, vừa bảo mật được những thông tin thuộc dạng “bí mật kinh doanh” trước đối thủ là điều nhiều DN quan tâm. Thậm chí, có DN đang tính đến việc xin hủy niêm yết để giảm bớt nghĩa vụ CBTT. Theo tìm hiểu của ĐTCK, tại một số DN, do ngại CBTT, nhiều cổ đông lớn đang tìm cách gom cổ phiếu để số cổ đông giảm xuống dưới 100 người nhằm hủy niêm yết vì không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng.

Làm tế nào để các DN “đổi mới tư duy” về việc cần phải minh bạch thông tin ra công chúng một cách tự nguyện hơn là sự thúc ép đang là vấn đề đặt ra cho cơ quan quản lý.         

Tin bài liên quan