Sức mạnh sẽ được cộng hưởng, nhưng để thu hút đầu tư, các địa phương sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Ảnh: Lê Toàn

Sức mạnh sẽ được cộng hưởng, nhưng để thu hút đầu tư, các địa phương sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Ảnh: Lê Toàn

Cộng hưởng sức mạnh để hút vốn FDI

0:00 / 0:00
0:00
Sau sáp nhập tỉnh, nhiều địa phương sẽ cộng hưởng được tiềm năng, lợi thế để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho phát triển kinh tế - xã hội.

“Đọ” sức mạnh thu hút FDI

Hôm qua (30/6), các địa phương chính thức công bố các nghị quyết, quyết định về việc sáp nhập các đơn vị hành chính. Theo đó, cả nước sẽ còn 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Một cuộc sáp nhập được coi không chỉ là một cuộc cải cách hành chính đơn thuần, mà còn là đòn bẩy mạnh mẽ để kiến tạo các đơn vị hành chính có quy mô đủ lớn, đủ tầm phát triển và kết nối. Các cực tăng trưởng mới trên bản đồ phát triển vùng có thể sẽ được thiết lập. Và đó cũng là nền tảng để nhiều địa phương có thể tăng tốc thu hút FDI.

Nhìn lại “bảng tổng sắp” thu hút FDI hiện tại, TP.HCM đang đứng đầu với hơn 59,723 tỷ USD vốn đăng ký, tính lũy kế đến hết tháng 5/2025. Ngoài TP.HCM giữ “ngôi vương”, trong top 10 còn có Hà Nội (45,372 tỷ USD); Bình Dương (42,854 tỷ USD); Đồng Nai (38,858 tỷ USD); Bà Rịa - Vũng Tàu (38,187 tỷ USD); Hải Phòng (32,958 tỷ USD); Bắc Ninh (32,26 tỷ USD); Quảng Ninh (16,435 tỷ USD); Thanh Hóa (15,768 tỷ USD) và Long An (14,556 tỷ USD).

Trong khi đó, nếu tính trong 5 tháng đầu năm, Hà Nội mới là địa phương dẫn đầu, tiếp đó là Bắc Ninh, TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam, Hải Phòng, Hưng Yên, Long An, Tây Ninh.

Tuy vậy, sau cột mốc ngày 30/6, khi các địa phương được sáp nhập, “bảng tổng sắp” sẽ có thay đổi đáng kể, dù vị trí thứ nhất chắc chắn vẫn thuộc về đầu tàu kinh tế của cả nước - TP.HCM. Sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM có thêm khoản đầu tư 42,854 tỷ USD của Bình Dương và 38,187 tỷ USD của Bà Rịa - Vũng Tàu. Như vậy, chỉ riêng TP.HCM mới đã “nắm trong tay” tổng cộng 143,282 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng vốn FDI đăng ký còn hiệu lực ở Việt Nam.

Với cuộc sáp nhập vĩ đại này, TP.HCM có thêm tiềm lực, lợi thế cạnh tranh nổi trội để tiếp tục thu hút FDI. Cùng với TP.HCM, cuộc sáp nhập lịch sử cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các địa phương khác. Bắc Ninh và Bắc Giang là ví dụ điển hình.

Hiện nay, tính lũy kế, Bắc Ninh đứng vị trí thứ 7 trong các địa phương thu hút được FDI nhiều nhất. Bắc Giang, với hơn 13,8 tỷ USD, chỉ đứng ở vị trí thứ 11. Nhưng khi Bắc Ninh và Bắc Giang sáp nhập, số vốn FDI mà Bắc Giang “mới” thu hút được sẽ lên tới hơn 46 tỷ USD, vượt Quảng Ninh (không sáp nhập, hiện thu hút được 16,435 tỷ USD, đứng vị trí thứ 8, sau Bắc Ninh); Thanh Hóa và Long An.

Trong khi đó, Hải Phòng có thêm khoản vốn của Hải Dương (11,525 tỷ USD), để nâng tổng vốn thu hút được lên 44,483 tỷ USD, tiến sát Hà Nội, chắc chắn giữ vị trí cao trong top 10.

Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính đã mở ra không gian mới cho nhiều vùng, nhiều địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài. Đồ họa: Đan Nguyễn

Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính đã mở ra không gian mới cho nhiều vùng, nhiều địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài. Đồ họa: Đan Nguyễn

Hợp lực để thu hút FDI

Không chỉ là con số và cũng không chỉ là thứ hạng, điều quan trọng là sau sáp nhập, nhiều địa phương trong cả nước sẽ cộng hưởng được tiềm năng, lợi thế để thu hút vốn FDI cho phát triển kinh tế - xã hội. Bắc Ninh và Bắc Giang có thể là câu chuyện điển hình.

Nếu Bắc Ninh từ lâu đã là “thủ phủ” của các nhà đầu tư nước ngoài lớn như Samsung, Canon, Foxconn, Goertek…, thì Bắc Giang mới chỉ nổi lên trong những năm gần đây. Tuy vậy, sự bứt phá của Bắc Giang là điều rất đáng ghi nhận. Sự nỗ lực của lãnh đạo địa phương trong chỉ đạo, điều hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đi đầu trong xây dựng quy hoạch cấp tỉnh đã đưa Bắc Giang trở thành “thỏi nam châm” thu hút đầu tư của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, từ HanaMicron, đến Foxconn, Luxshare…

Không chỉ là con số và cũng không chỉ là thứ hạng, điều quan trọng là sau sáp nhập, nhiều địa phương trong cả nước sẽ cộng hưởng được tiềm năng, lợi thế để thu hút vốn FDI cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Hội nghị lần thứ 26, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang khóa XIX mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu đã chỉ đạo, phải chuẩn bị tốt các điều kiện cho lễ công bố các nghị quyết, quyết định về sáp nhập đơn vị hành chính. Đây là một trong những tiền đề cho việc hậu sáp nhập, Bắc Ninh mới nhanh chóng tập trung thực hiện các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng GRDP và thu hút đầu tư.

Trong 6 tháng đầu năm, Bắc Giang đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 14,04%, thuộc diện cao nhất cả nước. Trong khi đó, tăng trưởng GDRP 6 tháng của Bắc Ninh là 9,18%. Cộng hưởng các tiềm năng, lợi thế và đặc biệt là sự năng động của lãnh đạo địa phương sẽ giúp Bắc Ninh “mới” ghi điểm. Vùng đất này sẽ sớm trở thành “thủ phủ” của các ngành công nghiệp điện tử, bán dẫn ở khu vực phía Bắc.

Hưng Yên có thể sẽ nổi lên là một điểm đến thu hút đầu tư mới. Tỉnh này đang được nhắc đến nhiều với dự án tỷ USD của Tập đoàn Trump Organization, trước đó là hàng loạt dự án trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là các dự án trong Khu công nghiệp Thăng Long II của Tập đoàn Sumitomo.

Địa phương sáp nhập với Hưng Yên là Thái Bình cũng đang là “điểm đến mới” của các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2023, Tập đoàn Compal - đối tác sản xuất của Apple - đã quyết định đầu tư 260 triệu USD vào tỉnh này,

Tương tự, Phú Thọ - đang từng bước vượt lên khỏi vùng trũng trong thu hút đầu tư thông qua một số dự án lớn, như dự án của Tập đoàn BYD, sẽ có thêm lợi thế từ Vĩnh Phúc, một địa điểm đầu tư được ưa chuộng của Honda, Toyota, Piaggio… Hợp lực sức mạnh của hai địa phương, Phú Thọ mới hứa hẹn sẽ là một điểm đến đầu tư giàu sức cạnh tranh.

Ở phía Nam, ngoài sức mạnh cực lớn của TP.HCM sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, thì Đồng Nai - sau sáp nhập với Bình Phước, hay Tây Ninh sau sáp nhập với Long An… cũng sẽ là một “thỏi nam châm” thu hút đầu tư mới.

Sức mạnh sẽ được cộng hưởng, nhưng để thu hút đầu tư, theo các chuyên gia, các địa phương sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như sẵn sàng các yếu tố về hạ tầng, đất đai, nhân lực… Hơn nữa, sau sáp nhập, công tác quy hoạch cần được đẩy nhanh, tạo căn cứ thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực FDI.

Tin bài liên quan