Công nghiệp bán dẫn - động lực phát triển mới của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam xác định rõ tầm nhìn và quyết tâm cao trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, cũng như xây dựng hệ sinh thái cho ngành công nghiệp này.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Công nghiệp bán dẫn là một động lực phát triển mới.

- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Việt Nam xác định công nghiệp bán dẫn là một động lực phát triển mới và sẽ đầu tư để tham gia vào cả 3 công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn, gồm thiết kế, chế tạo và đóng gói. Đồng thời, tiếp tục tập trung phát triển nền tảng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và sẽ có chính sách ưu đãi phù hợp.

Để phát triển các lĩnh vực trên, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, gồm hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện thể chế để tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, người dân.

Việt Nam xác định rõ tầm nhìn và quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và xây dựng hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó, Việt Nam sẽ sớm ban hành Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án Đào tạo 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Việt Nam sẵn sàng đón làn sóng đầu tư vào ngành bán dẫn.

- Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Chính phủ đã giao các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai nhiều công việc, thể hiện sự sẵn sàng cho việc đón nhận làn sóng đầu tư mới trong ngành bán dẫn tại Việt Nam.

Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chiến lược Phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030. Theo như tôi biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện giai đoạn cuối việc xây dựng Chiến lược và sẽ sớm trình Chính phủ thông qua.

Đồng thời, Chính phủ và Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030, với mục tiêu rất cụ thể là đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn.

Bên cạnh đó, dù đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành công nghệ cao, nhưng tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng một nghị định, theo đó sẽ thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho các ngành công nghệ cao, trong đó có ngành bán dẫn.

Tiếp theo, về hạ tầng, các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng.

Như vậy, các yếu tố như hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, cơ chế - chính sách, nghiên cứu - phát triển, chiến lược và đặc biệt là nguồn nhân lực đều thể hiện rằng, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là rất đúng đắn, kịp thời để chúng ta có thể làm chủ và sẵn sàng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị trong ngành bán dẫn toàn cầu.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia.

- Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Năm 2024 là năm đầu tiên chúng ta thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Đây là ngành công nghiệp nền tảng và trọng yếu của quốc gia trong 30-50 năm tới. Một khi loài người còn phát triển dựa trên thông tin, dựa trên dữ liệu như một yếu tố đầu vào của sản xuất, thì việc xử lý dữ liệu, tức là chip bán dẫn, sẽ tiếp tục là trọng yếu.

Lợi thế căn bản nhất của chúng ta là người Việt Nam có gene về STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học). Mà STEM là căn bản của công nghệ bán dẫn, của thiết kế chip. Trong các lợi thế thì lợi thế gene quan trọng nhất. Từ lợi thế nhân lực sẽ ra các lợi thế khác. Từ trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn sẽ dẫn tới trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.

Chúng ta phát triển công nghiệp bán dẫn, thì nên nhìn nó trong một ngữ cảnh lớn hơn, một bức tranh lớn hơn. Nếu thị trường thiết kế chip bán dẫn chỉ có 60 tỷ USD mỗi năm, cả ngành công nghiệp bán dẫn là 600 tỷ USD, thì công nghiệp điện tử trên 3.000 tỷ USD và ngành công nghiệp chuyển đổi số lên tới 20.000 tỷ USD - tức là lớn hơn 30 lần so với ngành công nghiệp bán dẫn.

Phát triển công nghiệp bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà (như thiết bị điện tử - viễn thông, thiết bị điện tử tiêu dùng, thiết bị điện tử y tế, thiết bị điện tử công nghiệp...), nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử trí tuệ nhân tạo (AI), thiết bị Internet vạn vật (IoT).

Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp chuyển đổi số. Công nghiệp chuyển đổi số là thị trường lớn nhất của chip bán dẫn. Việt Nam, với 100 triệu dân, là một thị trường lớn, lại đang ở giai đoạn phát triển nhanh, công nghiệp hóa nhanh, chuyển đổi số nhanh, tiêu dùng điện tử nhiều. Đây là bối cảnh thuận lợi cho công nghiệp bán dẫn.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Việt Nam sẵn sàng cung cấp nhân lực bán dẫn.

- Ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Việt Nam có lực lượng học sinh, sinh viên rất đông, mỗi năm có tới gần 500.000 người nhập học các trường đại học. Các trường đại học Việt Nam có thế mạnh về đào tạo công nghệ thông tin, AI và chất lượng đào tạo tốt. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành này đang làm việc tại các nước, các doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Về lĩnh vực vi mạch bán dẫn, các trường đại học đang khẩn trương xây dựng chương trình, bồi dưỡng giảng viên, mời chuyên gia quốc tế để tổ chức đào tạo. Ngay năm 2024, nhiều trường sẽ tuyển sinh khoảng 1.000 sinh viên và số lượng này sẽ tăng nhanh chóng trong các năm kế tiếp.

Chính phủ Việt Nam ưu tiên đầu tư cho các trường đại học và nhóm trường công nghệ - kỹ thuật đang liên kết trong một đề án lớn để thúc đẩy ngành bán dẫn.

Việc hợp tác quốc tế, sự vào cuộc và hỗ trợ của các doanh nghiệp sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng phát triển đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn cũng như nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn khác. Chúng ta sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu cung cấp nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào Việt Nam.

GS. Albert P. Pisano, Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Jacobs, Đại học California (Hoa Kỳ)

GS. Albert P. Pisano, Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Jacobs, Đại học California (Hoa Kỳ)

Thời điểm phù hợp để Việt Nam tham gia chuỗi bán dẫn toàn cầu.

- GS. Albert P. Pisano, Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Jacobs, Đại học California (Hoa Kỳ)

Các quốc gia đang rất chờ đợi và hy vọng Việt Nam sẽ tham gia cuộc chơi của ngành bán dẫn toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam cũng có thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo. Tuy nhiên, chúng ta thấy, có rất nhiều công nghệ tiên tiến, vượt trội của thế giới, như chip mini, hay nanomet…, song đó có thể không phải là điểm mà Việt Nam bước vào ngay. Chúng ta phải xem đâu là những sản phẩm mà Việt Nam đã và đang làm tốt… Đó là tiền đề.

Ví dụ, có thể sản xuất tai nghe không dây ở Việt Nam. Đó là sự kết hợp của rất nhiều ngành, như ngành nhựa, ngành thẩm âm, rồi công nghệ không dây… Việt Nam đã chứng minh được khả năng làm tốt các sản phẩm như vậy, nên có thể khởi đầu từ đó.

Thế giới hoàn toàn tin rằng, Việt Nam sẽ làm tốt, bởi Việt Nam đã chứng minh khả năng làm được và hiện là thời điểm phù hợp nhất để bước vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Tin bài liên quan