Hiện tại, hoạt động tự doanh tại HSC đã giảm xuống đến mức tối thiểu - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Hiện tại, hoạt động tự doanh tại HSC đã giảm xuống đến mức tối thiểu - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Công ty chứng khoán đang thay đổi chiến lược

(ĐTCK-online) Vài tháng trước, website của CTCK Mê Kông chỉ thuần một ngôn ngữ duy nhất là Tiếng Anh. Giờ đây, dù vẫn mang giao diện cũ, nhưng webiste đã thể hiện bằng hai ngôn ngữ Anh - Việt song song. Một thay đổi nhỏ nhưng thể hiện bước ngoặt mới trong chiến lược phát triển của Mê Kông: Thay vì hướng trọng tâm môi giới vào khối NĐT tổ chức, sắp tới Công ty chú trọng nhiều hơn vào phân khúc khách hàng cá nhân.

Sự chuyển hướng của  Mê Kông có lý do lịch sử.  Mê Kông là CTCK nơi quỹ Indochina Capital (ICV) góp 49% vốn. Sau quyết định giải thể quỹ đầu tư chứng khoán này năm ngoái, tài khoản của nhiều NĐT tổ chức được chuyển đi, ICV chuyển giao sở hữu cho đối tác Đông Âu và sau đó, quá trình tái cấu trúc diễn ra.

Hiện tại, Mê Kông đã và đang tích cực thực hiện một loạt các sự kiện "marketing" thương hiệu: tổ chức roadshow giao lưu cho DN niêm yết, hội thảo với NĐT nhận định xu hướng thị trường, ra mắt ấn phẩm Mekong Tide phục vụ các NĐT cá nhân…

Một lãnh đạo của CTCK  Mê Kông nói với ĐTCK, tham vọng của Công ty trong năm tới là sẽ chiếm lĩnh khoảng 5% thị phần môi giới - tương đương với Top 5 hiện tại. Khả năng thành công của  Mê Kông vẫn là ẩn số, nhưng bộ khung nhân sự với nhiều gương mặt người nước ngoài có kinh nghiệm về quản lý, phân tích và hơn hết có sự hậu thuẫn mạnh mẽ về tài chính của đối tác Đông Âu là lợi thế của Công ty so với nhiều đối thủ cạnh tranh.

Hiện nay, TTCK Việt Nam có hơn 100 CTCK và mỗi công ty đang tự tìm hướng đi riêng để tồn tại và phát triển sau một thời gian thăng trầm cùng thị trường. Sau "làn sóng" các CTCK ra đời cách đây 3 năm, thị trường đang chứng kiến một loạt các vụ chuyển nhượng vốn quy mô: CTCP Đại Dương tăng sở hữu tại CTCK Đại Dương lên 75%, CTCK Gia Quyền (EPS) bán 49% cổ phần cho CTCK Korea Investment & Securities (KIS) của Hàn Quốc, CTCK Biển Việt bán cổ phần cho Công ty TNHH Đầu tư chứng khoán Woori và đổi tên thành CTCK Woori CBV… Cùng với tái cấu trúc về chủ sở hữu, các CTCK cũng tiến hành tái cấu trúc hoạt động và hoạch định các mục tiêu chiến lược mới.

Nếu việc tái cấu trúc tại nhiều CTCK là tất yếu sau "phép thử" vài năm hoạt động thì sự trầm lắng của thị trường năm 2010 đã khiến một số CTCK nhìn nhận lại tính hiệu quả của mảng tự doanh. Các CTCK hoạt động theo mô hình "công ty đầu tư" chỉ đạt lợi nhuận tốt trong điều kiện thị trường tăng trưởng mạnh, giai đoạn thị trường đi ngang hay suy thoái chỉ đạt lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ. Một trong các CTCK có sự chuyển hướng kịp thời là CTCK HSC. Trước các đánh giá về điều kiện thị trường không thuận lợi cho hoạt động tự doanh trong năm 2010, HSC đã điều chỉnh lại hoạt động theo hướng thu hẹp để tập trung phát triển mảng môi giới và các nghiệp vụ ngân quỹ liên quan. Một lãnh đạo cao cấp của HSC cho biết, hiện tại, hoạt động tự doanh tại HSC đã giảm xuống đến mức tối thiểu. Trong kịch bản xấu, cuối năm VN-Index xuống dưới 400 điểm thì HSC cũng chỉ phải trích lập thêm vài tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán, không ảnh hưởng nhiều đến kết quả hoạt động cả năm. Lãnh đạo của HSC nhận xét, việc tự doanh theo kiểu "lướt sóng" trên sàn hiện tại đã không mang lại hiệu quả do sự cạnh tranh với các CTCK khác và cả các NĐT cá nhân. Thời gian tới, hoạt động tự doanh của HSC sẽ gắn chặt với hoạt động tư vấn tài chính DN, tư vấn niêm yết; mua tại thị trường OTC và thanh lý khi cổ phiếu lên sàn.

Trong mảng môi giới, nếu các CTCK lớn như Thăng Long, SSI, HSC, Sacombank đã tạo lập được vị thế đáng kể thì các CTCK hạng trung vẫn đang cố gắng tạo ra sự khác biệt lớn nhất có thể trong dịch vụ. Nếu như việc cho phép sử dụng đòn bẩy vẫn là chiêu số một để các CTCK thu hút khách hàng VIP thì hoạt động tư vấn môi giới diễn ra muôn màu muôn vẻ ở nhóm CTCK tốp sau. Chẳng hạn, mới đây, CTCK SME đã có sáng kiến lập ra một diễn đàn riêng dành cho các khách hàng của SME. Theo cách này, thay vì việc gửi email nhận định thị trường tới các khách hàng, SME sẽ đưa trực tiếp lên diễn đàn để khách hàng quan tâm tự tìm đọc và tiếp cận một cách tự nguyện. Các nhận định thị trường, khuyến nghị mua bán cũng được đưa ra kịp thời ngay trong phiên giao dịch theo hình thức online nhanh và hiệu quả hơn việc gửi bản tin ngày cho các NĐT. Ngược lại, khách hàng cũng có thể nhận tham vấn việc mua bán từ đội ngũ tư vấn của SME túc trực trong giờ giao dịch. Hiệu quả của cách làm mới chưa rõ, nhưng nhiều broker của CTCK khác đã lấy các nhận định từ diễn đàn của SME gửi cho các khách hàng tham khảo.

Giải thích về hoạt động gần đây có phần trầm lắng, một lãnh đạo CTCK Vincom cho biết, thực chất Vincom có sự điều chỉnh nhỏ trong chiến lược phát triển. Thay vì phát triển môi giới theo bề rộng như giai đoạn mới thành lập, hiện tại Công ty chú trọng nhiều hơn đến tính hiệu quả. Lĩnh vực tư vấn tài chính doanh nghiệp được đẩy mạnh nhằm tạo ra sự cân đối với hoạt động môi giới. Hoạt động môi giới cũng được tiến hành theo cách mới. Theo đó, thay vì gửi bản tin khuyến nghị mua bán cổ phiếu như các CTCK khác đang làm- bị các NĐT và VAFI "chê" là đôi khi diễn ra sự xung đột lợi ích, thiếu khách quan, Vincom thực hiện tư vấn trực tiếp từ broker tới khách hàng dựa theo nghiên cứu yếu tố tâm lý: Các NĐT Việt Nam vẫn thích tiếp nhận các thông tin truyền miệng, rỉ tai hơn là việc đọc báo cáo được viết công phu mang tính hàn lâm học thuật. Bởi vậy, các chuyến viếng thăm DN của Vincom sẽ xuất hiện cả các nhân viên môi giới bên cạnh các nhân viên tư vấn tài chính DN, để nắm thông tin và có thể tư vấn cho khách hàng một cách tốt nhất.

Sự biến động của thị trường trong hai năm qua, sức cạnh tranh giữa các CTCK diễn ra gay gắt khiến nhiều CTCK đang có sự điều chỉnh về chiến lược trong quá trình phát triển. Một mặt, sự thay đổi này sẽ khiến NĐT trên thị trường tiếp nhận các dịch vụ tốt hơn, mặt khác, sẽ khiến sự phân tốp giữa các CTCK diễn ra nhanh hơn. Những công ty có định hướng phát triển đúng, quản lý rủi ro tốt sẽ phát triển và ngược lại.