Với các công ty chứng khoán nội Top đầu như SSI luôn đón nhận thách thức cạnh tranh hàng ngày đến từ các công ty chứng khoán khác.

Với các công ty chứng khoán nội Top đầu như SSI luôn đón nhận thách thức cạnh tranh hàng ngày đến từ các công ty chứng khoán khác.

Công ty chứng khoán nội đã trưởng thành

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Sau giai đoạn tái cơ cấu ngành chứng khoán, các công ty chứng khoán nội đã có sự trưởng thành vượt bậc. Tuy nhiên, các công ty phải đối mặt với thách thức lớn nhất chính là thu hút và chinh phục thế hệ nhà đầu tư mới.

Với nền kinh tế mở, không có sự phân biệt về công ty chứng khoán nội hay ngoại. Sự góp mặt và thế mạnh riêng của từng công ty chứng khoán trên thị trường đã góp phần tạo cho bức tranh về ngành ngày càng thêm thú vị và đầy tính cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển tích cực.

Các định chế trung gian như công ty chứng khoán càng nhiều và lớn mạnh, khẳng định tương lai thị trường chứng khoán Việt Nam được nhìn nhận đầy tiềm năng.

Việc các công ty chứng khoán có vốn ngoại chọn Việt Nam càng chứng tỏ tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương quan so sánh với các nước xung quanh.

Dù muốn hay không, khối công ty chứng khoán nội cũng cần chủ động để chuẩn bị cho một sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn khi thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng lớn hơn và thu hút nhiều hơn sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua động thái rót vốn mạnh mẽ của nhiều công ty chứng khoán Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc trong thời gian qua. Sự xuất hiện ngày càng nhiều định chế trung gian như công ty chứng khoán nước ngoài là điều có thể dự đoán.

Ðứng trên bình diện chung của toàn thị trường, đây là một điều tốt và khối các công ty chứng khoán nội cần chuẩn bị sẵn sàng cho một sự cạnh tranh sòng phẳng.

Các công ty chứng khoán đã trưởng thành hơn

Một cách tổng quan nhất, để đánh giá sự trưởng thành của các công ty chứng khoán, thông thường sẽ tập trung ở 4 khía cạnh cơ bản.

Thứ nhất, năng lực phát triển tài chính “tự lực” để thấy được quy mô của các công ty chứng khoán và sự phát triển quy mô ấy xuất phát từ hiệu quả của quá trình hoạt động.

Thứ hai, năng lực cạnh tranh thông qua đánh giá thị phần, đặc biệt là đối với hoạt động môi giới chứng khoán. Thông qua đánh giá điều này, chúng ta sẽ nhận thấy được cách thức thể hiện sự linh hoạt của việc điều hành cạnh tranh ở từng công ty chứng khoán.

Thứ ba, năng lực phát triển nhân sự và khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ mới của thị trường. Ðiều này cũng rất quan trọng, vì tất cả chúng ta đều nhìn nhận Thị trường chứng khoán Việt Nam là một thị trường có độ mở khá lớn trong tương lai.

Chính vì thế, việc cho phép triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới với độ phức tạp ngày càng cao trên thị trường trong thời gian tới sẽ khá mạnh mẽ.

Ðiều này đòi hỏi các công ty chứng khoán phải chuẩn bị một đội ngũ nhân sự có khả năng tiếp cận và triển khai các sản phẩm, dịch vụ này.

Thứ tư, năng lực tiếp cận và triển khai công nghệ trong hoạt động. Xu thế ứng dụng công nghệ trong việc thu hút thế hệ nhà đầu tư mới, áp dụng công nghệ trong cả việc phân tích dữ liệu, hỗ trợ cho quá trình tư vấn và đưa ra quyết định đầu tư vốn trước đây chỉ được xem là hoạt động của riêng các chuyên gia tư vấn đầu tư.

Khía cạnh này cực kỳ quan trọng, thậm chí có thể ảnh hưởng đến chiến lược cạnh tranh của các công ty chứng khoán trong thời đại mới.

Với góc nhìn như thế, cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta có thể lạc quan về sự trưởng thành của khối các công ty chứng khoán nội trong 3 khía cạnh cơ bản đầu tiên. Ðiều này có thể dễ dàng nhìn nhận trên thực tế.

Cụ thể, trong 25 công ty chứng khoán có vốn điều lệ dẫn đầu (trên tổng số 74 công ty chứng khoán) chiếm khoảng 72% trên tổng số vốn điều lệ trên toàn thị trường, chỉ có 4 công ty chứng khoán có nguồn vốn ngoại chi phối trên 99% (đa phần đến từ Hàn Quốc và Ðài Loan) và phần lớn đều được các tập đoàn mẹ ở nước ngoài đẩy mạnh tăng vốn trong khoảng 2 năm gần đây.

Trong khi đó, các công ty chứng khoán nội Top đầu rất tích cực thu hút nguồn vốn đầu tư từ các cổ đông chiến lược, là các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có tiềm lực, uy tín và kinh nghiệm đến từ các thị trường phát triển.

Ðiều này không chỉ nhằm thúc đẩy năng lực tài chính, mà còn góp phần nâng cao hình ảnh, năng lực quản trị điều hành và cả mô hình hoạt động bền vững đã được minh chứng trên thế giới.

Bên cạnh đó, phải nhìn nhận một cách thực tế rằng, hiện các công ty chứng khoán nội cũng đang chiếm ưu thế về thị phần trên các mảng hoạt động.

Ðặc biệt, đối với mảng hoạt động môi giới, thị phần chi phối trên các sàn giao dịch vẫn đến từ các công ty chứng khoán nội.

Dù việc cạnh tranh thị phần môi giới sẽ càng ngày càng khốc liệt, nhưng khả năng linh hoạt và am hiểu nhà đầu tư nội địa vẫn đang là một ưu thế đối với các công ty chứng khoán nội.

Hơn nữa, với kinh nghiệm tiếp cận và phục vụ, tư vấn cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài từ các thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…, của các công ty chứng khoán nội hàng đầu như SSI, đã phần nào khẳng định được khả năng tiếp cận các chuẩn mực thế giới và tự tin trong quá trình phát triển và cạnh tranh tương lai.

Tất nhiên, chiến lược tìm kiếm và thu hút nhân sự giỏi, có kiến thức và kinh nghiệm hiện cũng đang được các công ty chứng khoán nội Top đầu đẩy mạnh nhằm góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ.

Ðiều quan trọng hơn là sẽ nhanh chóng tiếp cận và chuẩn bị cho việc triển khai các sản phẩm, nghiệp vụ mới ngày càng phức tạp trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian không xa sắp tới.

Nói như vậy, để nhận thấy một điều rằng, hầu hết các công ty chứng khoán nội đã và đang chuẩn bị một tư thế đón đầu khá chủ động. Chính điều này đã thể hiện một sự trưởng thành rất quan trọng.

Nếu cần có một sự so sánh nào đó đối với khía cạnh thứ 4, khía cạnh ứng dụng công nghệ, thì đây vẫn đang là một ẩn số. Với kinh nghiệm tiếp cận công nghệ và năng lực triển khai, việc ứng dụng công nghệ của các công ty chứng khoán ngoại từ các thị trường phát triển luôn được đánh giá cao.

Thông tin quan sát từ việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tiếp cận nhà đầu tư, hỗ trợ giao dịch, tư vấn từ các thị trường phát triển đã cũng cố suy nghĩ này.

Chính vì thế, bản thân các công ty chứng khoán nội, đặc biệt Top các công ty dẫn đầu trong thời gian qua cũng cho thấy một sự quan tâm và đầu tư khá mạnh cho mảng này.

Tất nhiên, xác định tư duy công nghệ là một chuyện, nhưng làm sao để đầu tư mạnh, triển khai nhanh mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh doanh vẫn là một bài toán không đơn giản. Ðây là một trong những thách thức trong tương lai sắp tới.

Thách thức lớn nhất phía trước

Với các công ty chứng khoán nội Top đầu như SSI luôn đón nhận thách thức cạnh tranh hàng ngày đến từ các công ty chứng khoán khác và luôn nhận thức phải tự tin phát triển chính mình để duy trì vị thế dẫn đầu tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều nhìn thấy một điều rằng, dư địa phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam đang còn rất lớn.

Với một đất nước có độ mở nền kinh tế cao, quá trình cổ phần hóa đang trên đà được đẩy mạnh như Việt Nam, tiềm năng phát triển của thị trường chứng khoán trong tương lai là không thể bàn cãi.

Vấn đề là làm sao đẩy nhanh quá trình tiếp cận và thu hút được sự quan tâm ngày càng nhiều của các nhà đầu tư mới với kênh đầu tư chứng khoán mới. Ðây cũng là thách thức lớn nhất mà các công ty chứng khoán tại Việt Nam cần chinh phục trong tương lai tới.

Hiện tại, nếu thách thức cạnh tranh chỉ là vấn đề kỹ thuật, thì thách thức tiếp cận và chinh phục thế hệ nhà đầu tư mới tham gia thị trường đòi hỏi phải đầu tư khá toàn diện và bền bỉ, từ đào tạo thay đổi nhận thức, phát triển sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu chuyển đổi đến công nghệ ứng dụng...

Xác định rất rõ về thử thách lớn này, cùng vị thế dẫn đầu, các công ty chứng khoán lớn sẽ cùng đồng hành với các công ty chứng khoán khác để chinh phục điều ấy. Chúng tôi hy vọng, mục tiêu 5% dân số tham gia đầu tư chứng khoán đến năm 2025 (theo định hướng của Chính phủ) sẽ nhanh chóng đạt được.

(*) Phó giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng cá nhân - CTCK SSI

Tin bài liên quan