Công ty chứng khoán yếu "thích ra gió"

Công ty chứng khoán yếu "thích ra gió"

(ĐTCK) Những CTCK ít vốn lại thường dùng vốn và giá để cạnh tranh, như cho tỷ lệ margin cao, lãi suất margin thấp, phí giao dịch thấp…

Nhiều công ty chứng khoản bỏ cuộc chơi

 

20 là đủ

Khi nói về việc tinh lọc nhân sự tại công ty của mình, ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) cho biết: “Nếu như chiến lược trước đây là phát triển theo số lượng, thì nay chúng tôi phát triển theo chất lượng. Chúng tôi áp dụng nguyên tắc 80:20, tức 20% nhân viên tạo ra 80% doanh thu”.

Chuyện nội bộ của HSC rất giống với tình hình chung của các CTCK hiện nay, khi mà thị trường có cả trăm CTCK, nhưng chỉ có 20 CTCK tạo ra hơn 80% doanh thu và lợi nhuận toàn ngành.

Công ty chứng khoán yếu "thích ra gió" ảnh 1

Cụ thể, tổng số CTCK đã từng có mặt trên thị trường là 105. Trong số này, 17 CTCK thuộc các trường hợp: đang trong quá trình giải thể, bị tạm ngừng hoạt động, bị chấm dứt hoạt động để thực hiện việc thu hồi giấy phép, bị kiểm soát đặc biệt, không còn là thành viên của các Sở GDCK, đang tiến hành thủ tục hợp nhất… Còn lại 88 CTCK báo cáo doanh thu môi giới 9 tháng đầu năm 2013 tổng cộng là 960 tỷ đồng, trong đó 20 CTCK có doanh thu lớn nhất chiếm 81%. Con số này đối với doanh thu tư vấn còn cao hơn nhiều, đến 93,76% (xem bảng).

Trong số 88 CTCK nêu trên, 51 CTCK có lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2013 là số dương. Nếu như 51 CTCK này tạo ra tổng cộng hơn 2.000 tỷ đồng tiền lãi, thì chỉ 10 CTCK đã đóng góp 75,4%, còn nếu là 20 CTCK thì tỷ lệ đóng góp lên đến 94,2%.

Ông Đinh Quang Hoàn, Phó tổng giám đốc CTCK Bản Việt (VCSC) cho rằng, với quy mô TTCK Việt Nam như hiện nay thì chỉ cần khoảng 20 CTCK là đủ.

 

Tố chất của người dẫn đầu

Điểm dễ nhận thấy nhất ở các CTCK hàng đầu đó là họ có mục tiêu cụ thể, chiến lược và kế hoạch kinh doanh được xây dựng bài bản.

Một số người cho rằng, môi trường kinh doanh của CTCK rất khắc nghiệt, quá ít đất để dụng võ, vì quanh đi quẩn lại cũng chỉ có 3 hoạt động chính là môi giới, tư vấn và tự doanh. Cả 3 mảng hoạt động này đều gắn với nhịp đập của thị trường; thị trường đi lên thì hầu như mảng nào cũng tạo ra tiền, nhưng khi thị trường đi xuống thì “chạy trời không khỏi nắng”.

Tuy nhiên, những người đi tiên phong không nghĩ như thế. Đồng ý rằng, CTCK chỉ có 3 mảng kinh doanh chính là môi giới, tư vấn và tự doanh, nhưng bản thân từng mảng kinh doanh đó có nhiều nghiệp vụ, sản phẩm, công cụ…, mà không phải CTCK nào cũng nhìn thấy hay khai thác được.

“HSC đã chứng kiến sự phát triển của thị trường từ những bước sơ khai và hình dung được khi nó trưởng thành thì hình hài nó ra làm sao, từ đó xác định những sản phẩm nào cần ra đời, những dịch vụ nào cần có. Thị trường sau này đâu phải chỉ có cổ phiếu, trái phiếu, mà còn có các sản phẩm phái sinh, sản phẩm tương lai, các giao dịch ETF... Đi tiên phong tức là phải chuẩn bị trước mọi thứ ngay từ hôm nay”, ông Johan Nyvene nói.

Đối với nhiều CTCK, môi giới chẳng là gì khác ngoài việc lôi kéo khách hàng về mở tài khoản và đặt lệnh. Chính vì thế, nhu cầu giao dịch cổ phiếu ngoài biên độ hay những cổ phiếu hết “room” thì thường chỉ có những CTCK uy tín mới có thể đáp ứng được. Uy tín được thể hiện qua các mối quan hệ rộng rãi, biết ai cần bán và ai cần mua; chất lượng phục vụ của nhân viên; hệ thống công nghệ hiện đại; kiến thức và kinh nghiệm…

Tương tự, hoạt động tư vấn ở nhiều CTCK vẫn đơn thuần là làm hồ sơ và xin giấy phép phát hành, niêm yết. Thực tế, tư vấn còn bao gồm thu xếp vốn, tái cấu trúc doanh nghiệp, tư vấn M&A… Những thương vụ phức tạp này đòi hỏi nhà tư vấn, bên cạnh uy tín và kiến thức chuyên môn, phải có khả năng thương thuyết.

Đối với một số CTCK, ví dụ CTCK Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), thị trường thậm chí không chỉ bó hẹp ở phạm vi trong nước, mà Công ty đang từng bước vươn ra các thị trường khu vực, cụ thể là Campuchia, Lào và Myanmar. Vừa qua, VPBS đã tư vấn thành công cho một nhóm nhà đầu tư Hàn Quốc tại Lào bán cổ phần cho một quỹ đầu tư châu Âu. Dự kiến, cuối năm nay, VPBS sẽ mở văn phòng đại diện đầu tiên ở nước ngoài tại Myanmar. Tháng 1/2014, các báo cáo phân tích về kinh tế, thị trường và tiềm năng đầu tư vào Myanmar sẽ chính thức được phát hành.

>> "Cửa tử" chờ các công ty chứng khoán

>>Kết quả kinh doanh CTCK: Những cái tên dẫn đầu bất ngờ

>>CTCK đang sợ… chứng khoán

Trái với những CTCK thuộc tốp đầu, số đông còn lại chưa có mục tiêu, chiến lược và kế hoạch thực hiện rõ ràng, căn cứ vào nội dung trong báo cáo thường niên và trên website của các CTCK này, dù một số công ty đề ra mục tiêu rất hoành tráng như: “đặt mục tiêu trở thành một trong những CTCK hàng đầu tại Việt Nam kể cả về quy mô và chất lượng dịch vụ”, hay “tiếp tục theo đuổi chiến lược phát triển đến năm 2015 trở thành CTCK hàng đầu Việt Nam”.

Thực tế, trong số 17 CTCK được đề cập ở trên, ngoại trừ CTCK MB (MBS) và CTCK VIT (VITS) đang trong quá trình hợp nhất với nhau, phần lớn còn lại đều đã hoặc gần như “bỏ cuộc” như Âu Việt, Sao Việt, Chợ Lớn, Tràng An, Hà Nội, Trường Sơn, Delta, SME, Golden Bridge Việt Nam, CIMB-Vinashin…

Theo quy định tại Điều 71, Nghị định 58/2012/NĐ-CP, để thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ, một CTCK cần phải có vốn pháp định là 300 tỷ đồng (môi giới: 25 tỷ đồng, tự doanh: 100 tỷ đồng, bảo lãnh phát hành: 165 tỷ đồng và tư vấn đầu tư chứng khoán: 10 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong danh sách 88 CTCK còn lại, có đến 46 CTCK có vốn điều lệ dưới 300 tỷ đồng.

Công ty chứng khoán yếu "thích ra gió" ảnh 3

37 CTCK thua lỗ bị lỗ trong 9 tháng đầu năm, đa phần rơi vào số 46 CTCK có vốn điều lệ dưới 300 tỷ đồng. Thực tế, nhiều CTCK trong số này không chỉ bị lỗ 9 tháng đầu năm nay, mà lỗ đã trở thành căn bệnh kinh niên, ăn mòn cả vốn chủ sở hữu. Doanh thu và lợi nhuận của những CTCK này trồi sụt thất thường, lúc có lúc không…

Đáng chú ý, những CTCK ít vốn lại thường dùng vốn và giá để cạnh tranh, như cho tỷ lệ margin cao, lãi suất margin thấp, phí giao dịch thấp… Sản phẩm, dịch vụ thì nghèo nàn, nên cách làm theo kiểu “yếu mà ra gió” như thế đã không mang lại hiệu quả.

Tất nhiên, không thể “vơ đũa cả nắm”, vì không phải toàn bộ số đông còn lại đều yếu kém. Ví dụ, CTCK Nhật Bản (JSI) có vốn điều lệ 41 tỷ đồng, nhưng doanh thu môi giới và lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2013 lần lượt là 7,8 tỷ đồng và 1,5 tỷ đồng. Các con số này cùng kỳ năm ngoái là 10 tỷ đồng và 3,6 tỷ đồng. Năm 2010 và 2011, doanh thu môi giới và lợi nhuận cũng xoay quanh những con số này. Những kết quả này thậm chí còn tốt hơn so với một số CTCK có vốn điều lệ lớn hơn nhiều lần. Tuy nhiên, những trường hợp như JSI không nhiều.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận thấy số lượng CTCK hiện nay là quá nhiều so với quy mô thị trường và đã có những chính sách theo hướng giảm về lượng và tăng về chất khối DN này. Bản thân nhiều CTCK sau một thời gian phung phí nguồn lực, đến nay cũng đã thấm mệt, dù chưa muốn bỏ cuộc nhưng đang đối mặt với quy luật đào thải của thị trường.