Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (SCD): Bấp bênh tài chính, nhân sự

Lãnh đạo Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương - Cdbeco (mã SCD, sàn HoSE) vừa trả lời Báo Đầu tư về các vấn đề liên quan đến biến động nhân sự đầu năm 2019. Đây cũng là vấn đề được lưu ý trong năm tài chính 2018 vì các hoạt động tài chính liên quan đến nhân sự có thể làm thay đổi lợi nhuận của Cdbeco.

Không áp dụng chuẩn mực kế toán

Báo Đầu tư số 56, ra ngày 10/5/2019 đã phản ánh về ý kiến nhấn mạnh của kiểm toán viên lưu ý người đọc tới Thuyết minh số 03 tại Báo cáo tài chính của Cdbeco. Theo đó, việc Cdbeco áp dụng Thông tư 180/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính có sự khác nhau với Chuẩn mực kế toán Việt Nam về các khoản dự phòng, tài sản và nợ tiềm tàng. 

Cụ thể, Thuyết minh số 03 - Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 của Cdbeco có đề cập một số vấn đề đáng lưu ý về việc áp dụng các quy định về tài chính kế toán liên quan đến chính sách đối với người lao động đã nghỉ việc tại doanh nghiệp này.

Theo Bộ luật Lao động, khi nhân viên làm việc từ 12 tháng trở lên tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động, thì bên sử dụng lao động phải thanh toán tiền trợ cấp thôi việc. Dự phòng trợ cấp thôi việc được lập trên cơ sở số năm nhân viên làm việc cho Công ty và mức lương bình quân của họ trong vòng 6 tháng trước ngày kết thúc kỳ kế toán.

Trong trường hợp cụ thể đối với Cdbeco, Công ty đã áp dụng Thông tư 180/2012/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 24/10/2012 quy định doanh nghiệp không phải trích lập dự phòng trợ cấp thôi việc cho các nhân viên đủ điều kiện.

Quy định tại Thông tư 180 có sự khác nhau với Chuẩn mực kế toán Việt Nam. Cụ thể, Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 18 (nội dung về các khoản dự phòng, tài sản và nợ tiềm tàng) yêu cầu các khoản dự phòng phải được ghi nhận do kết quả của một sự kiện trong quá khứ. Trong đó, Công ty phải có nghĩa vụ pháp lý hiện tại hoặc liên đới, trong đó các con số có thể được ước tính một cách đáng tin cậy. Các nghĩa vụ này khi phải thực hiện chắc chắn sẽ làm giảm sút các lợi ích kinh tế trong tương lai.

Nếu trích lập, lợi nhuận sẽ giảm

Với những tính chất đã nêu ở trên, nếu Cdbeco thực hiện trích lập dự phòng theo quy định của Chuẩn mực kế toán Việt Nam thì lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty sẽ phải ghi giảm để chuyển sang khoản mục nợ phải trả.

Theo đó, Thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 có ghi nhận các khoản ước tính dự phòng trợ cấp thôi việc cần phải lập theo Chuẩn mực kế toán tại ngày 31/12/2018 là hơn 9,3 tỷ đồng. Tại Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018, Cdbeco đạt lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 3,55 tỷ đồng (nhỏ hơn con số 9,3 tỷ đồng). Như vậy, trường hợp Cdbeco thực hiện trích lập dự phòng trợ cấp thôi việc theo Chuẩn mực kế toán số 18 thì lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty này tại ngày 31/12/2018 sẽ phải ghi nhận chuyển từ dương sang âm.

Đó là câu chuyện của năm trước. Sang đầu năm 2019, tình hình nhân sự của Cdbeco cũng vẫn tiếp tục có một số biến động. Trả lời Báo Đầu tư, ông Neo Hock Tai Schubert, Tổng giám đốc Công ty chỉ “bật mí” đôi chút khi cho biết: “Sự thay đổi nhân sự thường xảy ra trong dịp đầu năm”.

Theo dõi các thông tin trong Báo cáo tài chính quý I/2019, Cdbeco ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý I/2019 là hơn 4,7 tỷ đồng trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Bảng cân đối kế toán phần “dự phòng các khoản phải trả dài hạn” bỏ trống, nhưng tại mục V.23 phần Thuyết minh báo cáo tài chính, Công ty có ghi nhận khoản dự phòng trợ cấp nghỉ việc cho nhân viên trong quý I/2019 là hơn 3,2 tỷ đồng.

Cdbeco tuân thủ pháp luật lao động

Theo ông Neo Hock Tai Schubert, Tổng giám đốc Cdbeco, về giờ làm việc và phúc lợi của nhân viên, Cdbeco thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật Lao động. Sự thay đổi nhân sự thường xảy ra trong những dịp đầu năm do thời điểm đó, các thế hệ trẻ đang tìm kiếm cho bản thân những cơ hội mới và một số nhân sự hết tuổi lao động chuẩn bị cho việc nghỉ hưu. Phần đông các cán bộ, nhân viên đều mong muốn đóng góp cho Cdbeco để Công ty phát triển và có thu nhập tốt hơn.

Tin bài liên quan