Công ty mua bán nợ quốc gia: Được và mất

Công ty mua bán nợ quốc gia: Được và mất

Cái mất lớn nhất mà hệ thống ngân hàng phải chấp nhận nhằm tạo sức mạnh cho một công ty mua bán nợ quốc gia có thể hành động hiệu quả là phải minh bạch và rõ ràng mọi số liệu.

Ngày 15/11 tới đây, đề án thành lập công ty mua bán nợ quốc gia sẽ được Ngân hàng Nhà nước trình lên Chính phủ và Bộ Chính trị. Sự trở lại của đề án này sau một thời gian im hơi lặng tiếng dường như là sự chín muồi của thời gian và thời điểm?

 

Một trong những chuyên gia ủng hộ nhiều nhất cho ý tưởng thành lập công ty mua bán nợ quốc giangay từ khi ý tưởng này được đưa ra là TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.

 

Một thành viên khác cũng của Hội đồng tư vấn tiền tệ Chính phủ TS Trần Du Lịch cho rằng, chính việc bàn ra tán vào nhiều quá nên đề xuất này chưa kịp thành hình đã “chết yểu”. Mới đây, tại phiên thảo luận Tổ của kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, TS Trần Du Lịch cũng đưa ra quan điểm nên thành lập Ủy ban tái cơ cấu kinh tế do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, để xử lý mọi vấn đề liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có vấn đề nợ xấu.

 

Còn theo ý kiến của TS.Trần Hoàng Ngân, cũng là một thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ Chính phủ, “để giải quyết tận gốc nợ xấu hiện nay, cần thành lập Ủy ban giải quyết nợ xấu. Trong đó có đại điện của Ngân hàng Nhà nước vì liên quan đến ngân hàng; có đại diện của Bộ Tài chính vì liên quan đến các dư nợ của các tập đoàn kinh tế; có sự có mặt của Bộ xây dựng vì liên quan tới đất đai, có đại điện cho Bộ Công an vì có những dự án liên quan tới vấn đề lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ủy ban giải quyết nợ xấu đó phải có một ban kiểm soát, gồm đại diện của Quốc hội, cụ thể là Ủy ban kinh tế, Ủy ban tài chính-ngân sách giám sát độc lập. Và ban này cần hình thành lập một công ty mua bán nợ”.

 

Như vậy, đề án thành lập công ty mua bán nợ quốc gia, chưa biết sẽ có các nội dung cụ thể ra sao, nhưng về cơ bản đã nhận được ủng hộ và đồng thuận của đông đảo giới chuyên gia, những người đang vừa là đại biểu Quốc hội, vừa là thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ Chính phủ. Đây là cái được lớn nhất và có thể là tiền đề vững chãi để một đề án ra đời thuận lợi, phù hợp, đúng thời điểm “nước sôi lửa bỏng” và nhu cầu cần phải xử lý dứt điểm nợ xấu cho hệ thống ngân hàng phục hồi, mạnh khỏe đã đi đến chín muồi.

 

Dẫu là được sự đồng thuận lớn như vậy, nhưng không thể không nói đến những vấn đề như: nếu có một công ty mua bán nợ quốc gia ra đời và nhanh chóng xử lý dứt điểm nợ xấu, thì ngoài yếu tố nguồn vốn “mồi” của công ty này sẽ được lấy từ đâu câu hỏi muôn thuở mà nhiều chuyên gia đã đặt ra, điều quan trọng nhất là phải nhận diện căn nguyên nợ xấu, cũng như bức tranh thực sự của nợ xấu tại thời điểm hiện nay, thì sẽ được các cơ quan, các nhà hữu trách liên quan thực thi ra sao?

 

Liên quan đến những vấn đề này, có thể lật lại số liệu thống kê nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước công bố thời gian gần đây: theo Ngân hàng Nhà nước, sau hàng loạt giải pháp xử lý, đến nay, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đã giảm được 36.000 tỷ đồng trong tổng nợ xấu được thống kê theo chuẩn của Ngân hàng Nhà nước là khoảng 202.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu hiện nay, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, vẫn ở mức 8 -10% tổng dư nợ tín dụng. Như vậy, nợ xấu còn trong hệ thống hiện tại ước khoảng 166.000 tỷ đồng. Cần lưu ý số nợ xấu 202.000 tỷ đồng là con số mà Ngân hàng Nhà nước công bố cách đây ba tháng, vào ngày 11/7. Trong 3 tháng đó, 36.000 tỷ đồng nợ xấu được giảm trừ chỉ là con số được tính trên số nợ xấu theo chuẩn đã thống kê. Trong ba tháng vừa qua, hệ thống tín dụng đều đạt giảm trừ nợ xấu (khoảng 15%) mà không phát sinh thêm món nợ xấu nào hay không, là điều chưa có đáp án số liệu trả lời.

 

Nhưng nếu căn cứ theo báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Quốc hội tháng 6, thì số doanh nghiệp giải thể tính đến hết tháng 5 là 21.800 doanh nghiệp, so sánh với con số cập nhập của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến hết quý III/2012 là 40.200 doanh nghiệp đã giải thể, thì số doanh nghiệp khó khăn đã tăng lên gần 1/2 chỉ trong vòng 1 quý. Kết quả này cũng tương ứng với khảo sát động thái doanh nghiệp quý III của VCCI, cho thấy, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý III xấu đi nhiều so với quý II và dự báo tiếp tục khó khăn hơn trong quý IV. Khi tình hình kinh doanh ngày càng xấu và số doanh nghiệp phá sản ngày càng nhiều hơn thì nợ xấu liệu có “đứng yên một chỗ”? Còn nếu ngược lại, thì số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước rõ ràng đã chưa có sự cập nhập và nhìn nhận một cách thẳng thắn vào bức tranh nợ xấu ảm đạm của hệ thống. Một đề án được xây trên số liệu chưa rõ ràng như vậy, sẽ triển khai như thế nào tới đây?

 

Ở một khía cạnh khác, cũng Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, 85% số nợ xấu nói trên đều có tài sản đảm bảo và số tài sản đảm bảo này có giá trị tương đương 135% tổng nợ xấu. Trong khi đó, bản thân các ngân hàng cũng đã trích lập dự phòng rủi ro trên dưới 70.000 tỷ đồng. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải sử dụng khoản trích lập dự phòng rủi ro đã lập để xóa nợ, tức nợ xấu trên toàn hệ thống chỉ còn trên dưới 100.000 tỷ đồng, đúng tương đương quy mô tối đa mà công ty mua bán nợ quốc giadự kiến được lập? (202.000 -36.000 – 70.000 = 96.000 tỷ đồng). Một chuyên gia cho rằng nếu thực sự nợ xấu chỉ còn 96.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,3% tổng dư nợ tín dụng (tính đến tháng 7/2012) và với tỷ lệ nợ xấu có bảo đảm là bất động sản lớn như đã nêu, thì câu chuyện nợ xấu sẽ không còn là vấn đề đáng quan ngại. Theo đó, Công ty mua bán nợ quốc giakhông còn vai trò quan trọng?!

 

Có thể nói, cái được của một công ty mua bán nợ quốc gia, nếu ra đời, sẽ là một hướng đi rõ ràng hơn trong tiến trình xử lý nợ xấu ngân hàng, là tổ chức cụ thể hóa, hành động hóa những chủ trương của một Ủy ban tái cơ cấu kinh tế, hay một Ủy ban xử lý nợ, hay thấp hơn là một Ban thanh toán công nợ như chúng ta đã từng có của những năm 1990. Dù sao, đây vẫn mới chỉ là những dự phóng của thì tương lai, căn cứ trên các đề xuất vốn đã nhận được nhiều đồng thuận, cũng như căn cứ trên các số liệu chồng chéo khá phức tạp và đang có phần mờ ảo về nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

 

Theo đó, cái “mất” lớn nhất mà hệ thống ngân hàng phải chấp nhận lúc này, nhằm tạo sức mạnh cho một công ty mua bán nợ quốc gia có thể hành động hiệu quả, vẫn là phải minh bạch và rõ ràng mọi số liệu. Tương tự, khối doanh nghiệp Nhà nước cũng như toàn bộ nền kinh tế cũng cần phải có sự minh bạch, rõ ràng trong các số liệu dư nợ tín dụng, nợ xấu tín dụng, thậm chí là phải là tường minh các mối quan hệ sở hữu chéo ở quy mô doanh nghiệp Nhà nước với ngân hàng, ngân hàng với ngân hàng hay ngân hàng với doanh nghiệp . Khi chấp nhận những mù mờ số liệu cần thiết phải tường minh, cái “được” của những đề xuất hôm nay sẽ không chỉ còn nằm trên giấy.

 

Một bức tranh khác phức tạp hơn được TS. Đinh Tuấn Minh, nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học quốc gia Hà Nội phác thảo qua các tính toán tại một hội thảo trong tháng 9 cho thấy riêng nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước đã lên tới 200.000 tỷ đồng, chiếm 70% tổng nợ xấu. Tức, nợ xấu của toàn hệ thống phải là 260.000 tỷ đồng?

 

Và câu hỏi tiếp theo sẽ là công ty mua bán nợ quốc gia sẽ xử lý nợ xấu, phần lớn là nợ của các doanh nghiệp Nhà nước ra sao, khi muốn giải quyết nợ xấu tại khu vực này bằng phương thức bán tài sản hoặc cổ phần nhà nước theo giá thị trường? Cả 2 phương thức đều gặp khó không chỉ bởi thị trường suy thoái và hoạt động cổ phần hóa theo giá thị trường đang chậm lại, mà còn bởi việc định giá tài sản và kêu gọi nhà đầu tư tham gia vào mua vốn, mua nợ, mua tài sản của doanh nghiệp Nhà nước đều sẽ bị vướng các rào cản, quy định pháp lý về tỷ lệ góp vốn, sở hữu..., các quy định dành cho nhà đầu tư, tổ chức đầu tư nước ngoài-một đối tượng được kỳ vọng sẽ là một trong những “khách hàng chính” của công ty mua bán nợ quốc giatrong tương lai.