COP27: Đức cam kết tăng đóng góp cho quỹ khí hậu quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
Đức là một trong số các quốc gia đóng góp tích cực cho quỹ khí hậu quốc tế. Năm ngoái, Đức đã tăng đóng góp cho quỹ thêm 50 triệu euro, nâng tổng mức đóng góp của nước này lên 440 triệu euro.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra ở thành phố Sharm el Sheikh (Ai Cập), Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết nước này sẽ tăng khoản đóng góp cho quỹ thích ứng khí hậu quốc tế.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn các số liệu từ Chính phủ Đức cho biết, từ năm 2010 đến nay, quỹ thích ứng khí hậu quốc tế đã thực hiện khoảng 127 dự án khả thi tại gần 100 quốc gia để hỗ trợ các nước nghèo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Đức là một trong số các quốc gia đóng góp tích cực cho quỹ này. Năm ngoái, Đức đã tăng đóng góp cho quỹ thêm 50 triệu euro (51,7 triệu USD), nâng tổng mức đóng góp của nước này lên 440 triệu euro. Theo Ngoại trưởng Baerbock, Berlin sẽ đóng góp thêm 60 triệu euro cho quỹ này.

Ngoại trưởng Đức cũng kêu gọi tất cả các quốc gia giảm đáng kể lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính trước khi kết thúc thập kỷ này. Bà nhấn mạnh các nước cần đặt ra mục tiêu đầy tham vọng hơn nữa về giảm phát thải nhằm tránh những thiệt hại ngày càng lớn hơn do sự nóng lên của Trái Đất, đồng thời cho rằng mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt của Trái Đất ở 1,5 độ C chỉ có thể thực hiện được khi các quốc gia tích cực giảm lượng phát thải ngay từ bây giờ.

Bà nêu rõ: "Nếu thế giới không có biện pháp quản lý để giảm đáng kể lượng phát thải trước năm 2030, thì không thể đạt được mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt của Trái Đất ở 1,5 độ C. Sau đó, thế giới sẽ không thể có đủ tiền để trang trải tất cả các chi phí và thiệt hại liên quan đến biến đổi khí hậu."

Theo Ngoại trưởng Đức, đây là lý do khiến các mục tiêu phát thải đầy tham vọng trở nên rất quan trọng. Bà khẳng định việc thúc đẩy quan hệ đối tác khí hậu, chẳng hạn như những mối quan hệ mà Đức đã ký kết với Nam Phi hay một số quốc gia công nghiệp khác ký kết với Indonesia, là một cách thức quan trọng để giảm lượng khí thải.

Tin bài liên quan