Cơ chế COVAX-19. Ảnh minh họa: ABC News.

Cơ chế COVAX-19. Ảnh minh họa: ABC News.

COVAX đặt mục tiêu triển khai vaccine Covid-19 tại hơn 100 nước trong vài tuần tới

0:00 / 0:00
0:00
Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) hi vọng số quốc gia được triển khai vaccine ngừa Covid-19 sẽ tăng từ 84 hiện nay lên hơn 100 trong vài tuần tới.

Đây là tuyên bố đưa ra ngày 4/4 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong bối cảnh sự thiếu hụt nguồn cung vaccine, cũng như hạn chế về khả năng tiếp cận đang gây cản trở các nỗ lực tiêm chủng ngừa Covid-19 trên khắp thế giới.

Ông Seth Berkley, giám đốc điều hành của Liên minh Gavi, một đối tác trong cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu cho biết, một trong những mục tiêu lớn nhất hiện nay là có thể tiếp cận được với các cơ sở sản xuất lớn để có thể đáp ứng được nhu cầu vaccine Covid-19 ở những nước nghèo: “Thách thức lớn hiện nay là sự bất bình đẳng về tiếp cận vaccine giữa những nước phát triển với những nước đang phát triển. Chúng ta chỉ an toàn nếu mọi người đều an toàn và điều này càng trở nên rõ ràng khi ngày càng có nhiều biến thể mới xuất hiện. Nếu chúng ta có một quần thể lớn không được tiêm chủng thì nguy cơ cao chúng ta sẽ chứng kiến các biến thể mới xuất hiện và tiếp tục lây lan trên toàn thế giới”.

Trong khi Mỹ và một số nước phát triển đã sẵn sàng để cung cấp vaccine cho những người trưởng thành trong thời gian sắp tới, thì hàng chục quốc gia nghèo nhất vẫn chưa thể tiêm chủng cho người dân, trong đó có phần lớn các quốc gia châu Phi.

COVAX, chương trình tiêm chủng toàn cầu lớn nhất trong lịch sử đã đặt hàng hơn 2 tỷ mũi tiêm. Tuy nhiên, hầu hết sẽ chỉ có thể được đáp ứng vào cuối năm nay.

Theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus, một trong những lý do của sự chậm trễ này là sự bất bình đẳng về tiếp cận vaccine giữa các nước phát triển và đang phát triển hay sâu xa hơn chính là “chủ nghĩa dân tộc vaccine”:

“COVAX đã đã cung cấp 35 triệu liều vaccine cho hơn 78 quốc gia. Tuy nhiên, g vẫn còn một thách thức nghiêm trọng về tính công bằng và tính sẵn có của vaccine. Tuần trước, tôi đã yêu cầu các quốc gia có vaccine phải đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO để chia sẻ 10 triệu liều ngay lập tức với COVAX. 10 triệu liều bổ sung này sẽ giúp 20 quốc gia đã sẵn sàng nhưng lại chưa có đủ nguồn cung cấp cần thiết để bắt đầu tiêm chủng cho nhân viên y tế và những người lớn tuổi”, ông Ghebreyesus nói

Tại Mỹ, hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thống Biden đã yêu cầu phải có đủ vaccine để tất cả người trưởng thành tại Mỹ đều nhận được đủ 2 liều. Mỹ, với 4% dân số thế giới, đến nay đã tiêm khoảng 1/4 số mũi tiêm Covid-19 của thế giới.

Trước áp lực phải cung cấp nhiều vaccine hơn cho các quốc gia nghèo, chính quyền ông Biden đang xem xét việc sử dụng lại hay phân phối 70 triệu liều vaccine trên toàn thế giới.

Tại châu Âu, các ca mắc Covid-19 gia tăng và chiến dịch tiêm chủng chậm chạp cũng đã thúc đẩy nhiều biện pháp kiểm soát xuất khẩu vaccine hơn.

Trong khi đó, khoảng 90 triệu liều vaccine dự kiến ​​được phân phối thông qua chương trình COVAX cũng đã bị trì hoãn do đợt bùng dịch ở Ấn Độ.

2 trong số những đề xuất được nhắc tới nhiều nhất hiện nay là “thay đổi luật sở hữu trí tuệ trong thời kỳ đại dịch” và “chia sẻ năng lực tiếp cận sản xuất” để giải quyết sự chênh lệch giàu nghèo trong việc tiêm chủng.

Theo Giám đốc điều hành Gavi Seth Berkley, hiện có quá ít nơi sản xuất ngoài Mỹ và châu Âu. Vì thế sẽ là lý tưởng một khi các nhu cầu tại Mỹ hay các quốc gia phát triển khác được đáp ứng và những cơ sở sản xuất tại những nước này thực sự có thể được sử dụng để kết nối cho phần còn lại của thế giới. Điều này có thể giúp ngăn chặn một đại dịch nghiêm trọng.

Tin bài liên quan