CTCK thứ 5 bị rút hoạt động lưu ký

CTCK thứ 5 bị rút hoạt động lưu ký

Ngày 2/5/2013, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), ông Dương Văn Thanh ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký của CTCK CIMB-Vinashin.

CIMB-Vinashin bị rút lưu ký khiến nhiều người bất ngờ, bởi đây là CTCK chưa “va đập” gì với thị trường và cũng chưa từng bị nhắc nhở, cảnh báo bởi cơ quan quản lý, ngoài việc dư luận biết CTCK này đang phải mang theo mình những khoản phải thu khá lớn của một số DN họ “Vinashin”.

CTCK thứ 5 bị rút hoạt động lưu ký ảnh 1 

CIMB-Vinashin đang chuẩn bị các thủ tục để xin VSD cấp lại giấy phép lưu ký

 

CTCK khi nào sẽ bị rút hoạt động lưu ký?

Theo quy định pháp lý hiện hành (Quyết định 87/2007/QĐ-BTC) thì có 8 trường hợp thành viên (CTCK) bị thu hồi giấy phép. Thứ nhất là thành viên tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên và được VSD chấp thuận; thứ hai là hết thời hạn tạm đình chỉ hoạt động mà thành viên không khắc phục được các vi phạm theo yêu cầu của UBCK và VSD. Thứ ba là bị thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động. Thứ tư là trong quá trình hoạt động không duy trì được các điều kiện đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán quy định tại Luật Chứng khoán. Thứ năm là khi CTCK chia tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi, giải thể, phá sản. Thứ sáu là khi thành viên đã làm thủ tục đăng ký thành viên lưu ký tại VSD mà không tiến hành hoạt động theo quy định. Thứ bảy là thành viên vi phạm các quy định về thành viên của VSD, bao gồm các vi phạm theo quy định trong hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa VSD và thành viên dẫn đến chấm dứt tư cách thành viên. Và thứ tám là bị UBCK thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán quy định tại Khoản 2 Điều 51 của Luật Chứng khoán.

Ngoài 8 trường hợp trên, Thông tư 43/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính đã bổ sung thêm 1 trường hợp nữa khiến CTCK bị thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký, đó là khi CTCK đó bị UBCK rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán. Thực tế, đã có 2 CTCK (CTCK Tràng An và CTCK SME bị VSD thu hồi giấy chứng nhận thành viên lưu ký theo quyết định của UBCK.

 

Lý do của CTCK thứ 5

Ngoài 4 cái tên CTCK quen thuộc là CTCK Tràng An, CTCK Hà Nội, CTCK SME, CTCK Đông Dương đã bị rút giấy chứng nhận thành viên lưu ký, CTCK thứ 5, CIMB-Vinashin là một cái tên mới với thị trường. Tìm hiểu của ĐTCK được biết, CIMB -Vinashin bị thu hồi giấy chứng nhận thành viên lưu ký cũng vì một lý do rất mới, khác với tất cả các CTCK khác: đó là CIMB-Vinashin chưa kết nối và sử dụng dịch vụ lưu ký của VSD!

Theo quy định hiện hành, sau khi đăng ký làm thành viên VSD, CTCK phải tiến hành các hoạt động nghiệp vụ trong thời hạn 1 năm kể từ ngày được cấp phép. Tuy nhiên, CIMB-Vinashin đã để quá thời hạn này mà không kết nối và thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến lưu ký và đây là lý do khiến Công ty bị rút giấy phép. Trao đổi với ĐTCK, đại diện CIMB-Vinashin cho biết, Công ty đang chuẩn bị các thủ tục để xin VSD cấp lại giấy phép này trong một vài tuần tới.

CIMB-Vinashin có vốn điều lệ 333,34 tỷ đồng, được sáng sáng lập bởi Công ty Tài chính TNHH Công nghiệp tàu thuỷ và Ngân hàng CIMB Investment Bank Berhard, Ngân hàng hàng đầu của Malaysia . Kể từ khi ra đời (năm 2010), duy nhất 1 lần CIMB-Vinashin bị UBCK xử phạt vi phạm hành chính, vì lý do không thực hiện báo cáo UBCK về báo cáo tài chính kiểm toán 2011. Ngoài ra, hoạt động công bố thông tin của CIMB-Vinashin được thực hiện khá nghiêm túc và cập nhật công khai ra thị trường. Bên cạnh đó, báo cáo về tỷ lệ an toàn tài chính của CIMB-Vinashin tại cuối năm 2012 là 162,5%, tuy chưa đạt mức an toàn theo đúng quy định pháp lý (180%), nhưng Công ty cũng không rơi vào diện bị kiểm soát.

Tuy nhiên, do sinh ra từ Vinashin, nên CIMB-Vinashin hiện mang bên mình một số khoản phải thu lớn từ khối DN cùng dòng họ. Theo báo cáo kiểm toán 2012 do KPMG thực hiện, tại thời điểm 31/12/2012, CIMB-Vinashin nắm giữ 115 tỷ đồng giá trị ghi sổ trái phiếu của Tập đoàn Vinashin và có các khoản phải thu từ Tập đoàn là gần 21 tỷ đồng. Ngoài ra, CIMB-Vinashin còn có khoản ủy thác vốn tại Công ty TNHH một thành viên Tài chính công nghiệp tàu thủy (VFC) cùng lãi phải thu là 137 tỷ đồng; các khoản tiền gửi cùng lãi phải thu tại Công ty TNHH Một thành viên Cho thuê tàu thủy (VFL) là 59 tỷ đồng... Theo KPMG, dù Tập đoàn Vinashin nói chung, VFC, VFL nới riêng đang trong quá trình tái cơ cấu, nhưng những điều kiện đó chỉ ra cơ sở không chắc chắn về khả năng tiếp tục hoạt động liên tục của Công ty.

Với hiện trạng tài chính như hiện nay, dù có sự góp sức của cổ đông chiến lược là Ngân hàng CIMB Investment Bank Berhard, thì việc CIMB-Vinashin liệu có thu hồi được nợ và bật lên hay không, vẫn là một dấu hỏi lớn. Chỉ có điều CIMB-Vinashin gặp khó không phải vì thị trường, hay lỗi nghiệp vụ như các CTCK khác, mà từ chính sự nhập nhèm, lạm dụng vốn của các DN sinh ra CTCK này, mang họ “Vinashin”.