CTCK tự ý bán chứng khoán cầm cố của NĐT thì sẽ phải bồi thường cho NĐT như thế nào?

Tôi đã đọc bài "Sân chơi thiếu trọng tài" trên Báo ĐTCK số 122 và có một thắc mắc như sau: trong mối quan hệ vay và cho vay cầm cố chứng khoán giữa 3 bên gồm ngân hàng, công ty chứng khoán (CTCK) và nhà đầu tư (NĐT), nếu CTCK tự ý bán chứng khoán cầm cố của NĐT thì sẽ phải bồi thường cho NĐT như thế nào? Trường hợp CTCK bán chứng khoán cầm cố theo chỉ thị của ngân hàng cho vay trong thời hạn mà ngân hàng cho phép NĐT được bổ sung tài sản bảo đảm (trong bài báo nói là 7 ngày) thì trách nhiệm liên đới của 2 đơn vị này được quy định như thế nào? Nguyễn Sơn Đông, Kim Mã Thượng, Hà Nội.

* "Sần chơi" thiếu trọng tài

Trả lời:

- Nếu CTCK bán chứng khoán mà không có chỉ thị (hay yêu cầu bằng văn bản của ngân hàng) thì CTCK đã làm trái với thỏa thuận ba bên giữa khách hàng - ngân hàng - CTCK về việc CTCK chỉ được bán chứng khoán theo yêu cầu của ngân hàng. Nếu việc tự ý bán chứng khoán của CTCK gây thiệt hại cho khách hàng thì khách hàng có quyền yêu cầu CTCK phải bồi thường thiệt hại cho mình hoặc có thể kiện CTCK ra tòa án có thẩm quyền, yêu cầu CTCK bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

- Nếu CTCK bán chứng khoán theo chỉ thị của ngân hàng thì có thể coi là trường hợp lỗi hỗn hợp, cả CTCK và ngân hàng đều có lỗi và đều chịu trách nhiệm liên đới nếu gây ra thiệt hại cho khách hàng. Vì về nguyên tắc, chứng khoán là tài sản của khách hàng, nếu CTCK muốn bán chứng khoán thì phải có ý kiến đồng ý của khách hàng hoặc theo thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì trách nhiệm chính vẫn sẽ thuộc về ngân hàng. Bởi lẽ, trong công văn của ngân hàng đã đồng ý gia hạn thêm và ấn định cho khách hàng được thực hiện nghĩa vụ sau 7 ngày, kể từ ngày thông báo. Nếu chưa hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà ngân hàng đã chỉ thị cho CTCK bán chứng khoán để thu hồi nợ, gây thiệt hại cho khách hàng, thì ngân hàng đã làm trái với các cam kết và sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới với CTCK trước khách hàng.