ANI là công ty đại chúng niêm yết nhiều năm qua/

ANI là công ty đại chúng niêm yết nhiều năm qua/

CTCP ANI (SIC) hủy niêm yết: Có đúng luật?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với lý do cơ cấu cổ đông không đủ điều kiện là công ty đại chúng, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ANI (mã chứng khoán SIC) đã trình Đại hội cổ đông bất thường diễn ra tháng trước, thông qua việc hủy tư cách công ty đại chúng, hủy niêm yết trên sàn HNX.

Lý do hủy niêm yết có đúng luật?

Trong tờ trình Đại hội cổ đông bất thường, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ANI dẫn quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 32, Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14, “công ty đại chúng là công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ”… Có 7 cổ đông cá nhân và tổ chức sở hữu hơn 90,3% vốn cổ phần, trong khi hơn 500 cổ đông khác chỉ sở hữu 9,7% vốn cổ phần nên “Công ty đã không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng”.

“Để đảm bảo công tác quản lý, điều hành Công ty được chủ động và phù hợp với tình hình thực tế, Hội đồng quản trị thống nhất trình Đại hội cổ đông thông qua việc hủy tư cách công ty đại chúng, hủy đăng ký niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX)…” là nội dung tờ trình đã được thông qua.

Điều 32, Luật Chứng khoán 2019 quy định về công ty đại chúng như sau: “Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp: Trường hợp a) như nêu trên và b) Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1, Điều 16 của luật này.

ANI là công ty đại chúng niêm yết nhiều năm qua, đã thực hiện nhiều đợt phát hành trả cổ tức bằng cổ phiếu, trả cổ phiếu thưởng. Năm 2007, ANI phát hành cổ phiếu mới huy động vốn theo tỷ lệ 44:17, tức cổ đông sở hữu 44 cổ phiếu được mua thêm 17 cổ phần mới với giá 10.000 đồng/cổ phần, quyền mua được quyền chuyển nhượng. Như vậy, ANI đã thực hiện phát hành cổ phiếu nhiều lần nên phải chiếu theo khoản b, Điều 32 Luật Chứng khoán khi xét tiêu chí công ty đại chúng.

Theo Công ty Luật Dương Gia tại Hà Nội, công ty đại chúng được hiểu là công ty cổ phần có quy mô và độ phổ biến “đủ lớn” để đạt được tính “đại chúng”. “Đủ lớn” ở đây được hiểu trên hai khía cạnh: vốn điều lệ thực góp và số lượng cổ đông. Do đó, khi một công ty cổ phần đạt đủ cả hai điều kiện nói trên thì chính thức được xem là công ty đại chúng.

Xét trường hợp của ANI, với vốn điều lệ 240 tỷ đồng và hơn 500 cổ đông nhỏ ngoài nhóm cổ đông lớn thì không thể nói Công ty không phải là công ty đại chúng, xét về bản chất.

Theo lập luận của Hội đồng quản trị ANI, khi Công ty không đủ điều kiện là công ty đại chúng thì hủy tư cách công ty đại chúng, hủy niêm yết chứng khoán và với việc trình Đại hội cổ đông thông qua một tờ trình chung cho các nội dung này, Hội đồng quản trị ANI dường như muốn chủ động thực hiện các thủ tục hủy niêm yết, thuộc diện hủy niêm yết tự nguyện?

Nhưng theo quy định, điều kiện hủy niêm yết tự nguyện là trên 50% số phiếu biểu quyết của các cổ đông không phải là cổ đông lớn thông qua. Trong khi Đại hội cổ đông bất thường ANI tổ chức ngày 9/7/2022, dù số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội lên tới 94,453% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, nhưng thực tế chỉ có 29/513 cổ đông tham dự. Nghĩa là, số cổ đông tham dự bao gồm các cổ đông lớn và rất ít cổ đông nhỏ, không đáp ứng quy định về quyền biểu quyết thông qua quyết định hủy niêm yết tự nguyện.

Cổ đông lớn “ôm hết”

Một nhóm cổ đông nhỏ của ANI, mua vào cổ phiếu này khi nhận thấy tiềm năng của Công ty trong tương lai, tỏ ý bất bình khi các cổ đông lớn tăng sở hữu và muốn hủy niêm yết cổ phiếu với lý do cơ cấu cổ đông không đáp ứng điều kiện công ty đại chúng.

“Chúng tôi là nhà đầu tư tìm kiếm công ty tiềm năng định giá thấp, mua nắm giữ chờ đến ngày hái quả. Nhưng việc cổ đông lớn mua vào ở mức giá thấp rồi hủy niêm yết sẽ khiến cổ phiếu mất thanh khoản, buộc cổ đông nhỏ lẻ phải bán ra ở mức giá thấp. Cổ đông lớn muốn thu hoạch hết”, nhóm cổ đông nhỏ chia sẻ.

Lo ngại của nhóm cổ đông nhỏ này có cơ sở khi nhìn vào lý do ANI nêu ra để xin hủy tư cách công ty đại chúng.

Tháng 9/2021, Công ty cổ phần Anza, cổ đông lớn của ANI đã mua vào hơn 500.000 cổ phiếu, tăng tỷ lệ sở hữu lên 50,87%. Bà Nguyễn Thị Hương, vợ Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Quang Đạt đã mua vào gần 200.000 cổ phiếu, nâng sở hữu tại doanh nghiệp này lên hơn 5%. Con trai ông Đạt là Đặng Minh Huệ cũng mua hơn 800.000 cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu tại ANI. Bà Nguyễn Thị Minh Thu cũng nâng tỷ lệ sở hữu tại ANI vượt 5% bằng việc mua thêm cổ phần. Sau các động thái mua này, cuối tháng 9/2021, ANI công bố không đủ điều kiện làm công ty đại chúng khi 7 cổ đông sở hữu 90,3% vốn cổ phần của Công ty (xem bảng) và dự kiến sẽ hủy tư cách công ty đại chúng.

Giá cổ phiếu SIC khi đó chỉ giao dịch sát mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần - mức giá hấp dẫn cho một công ty có vốn điều lệ 240 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là 326 tỷ đồng, theo báo cáo quý III/2021 và tiếp tục tăng cao đến thời điểm này. Đặc biệt, ANI đang triển khai các dự án bất động sản căn hộ, dự án du lịch nghỉ dưỡng có giá trị lớn hơn nhiều. Đến đầu năm 2022, tài liệu Đại hội đồng cổ đông 2022 cho thấy, các dự án của ANI đã triển khai gần đến thời điểm có thể ghi nhận doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, ANI dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác kinh doanh Dự án Khu du lịch sinh thái Thác Ba Giọt, tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai; Dự án Chung cư Osimi Phú Mỹ với hơn 600 căn hộ hoàn thành bàn giao nhà cho khách hàng trong tháng 7/2022.

Về đầu tư, ANI góp vốn vào Công ty cổ phần Ani Power bằng nhận chuyển nhượng từ cổ đông hiện hữu với số tiền là 333,7 tỷ đồng, nâng tỷ lệ sở hữu lên 100% vốn điều lệ tại Ani Power. Công ty cũng đầu tư góp vốn vào Công ty cổ phần Năng lượng sạch Eco Bazot với hình thức nhận chuyển nhượng cổ phần từ cổ đông hiện hữu và thực hiện tăng vốn điều lệ từ 68 tỷ đồng lên 228 tỷ đồng.

Ngoài ra, ANI kinh doanh thương mại tấm pin năng lượng mặt trời mái nhà với doanh thu đạt 146,144 tỷ đồng, chiếm 75,1% doanh thu năm 2021.

Một công ty với các dự án đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đã được giao dịch với giá cực kỳ hấp dẫn, các cổ đông lớn đã gom mua phần lớn cổ phần và thể hiện ý chí muốn hủy niêm yết. Trong khi nếu vẫn ở trên sàn, việc minh bạch thông tin sẽ giúp giá cổ phiếu phản ánh đúng giá trị công ty hiện tại và trong tương lai.

Tại Đại hội cổ đông bất thường, khi cổ đông Đặng Văn Tơ hỏi về các phương án đảm bảo quyền lợi cho cổ đông nhỏ, do sau khi hủy niêm yết, thanh khoản của cổ phiếu sẽ giảm nhiều, chủ tọa đại hội đã trả lời: “Cơ cấu cổ đông tại thời thời điểm này không đáp ứng điều kiện của công ty đại chúng theo Luật Chứng khoán mới, do vậy, cần hủy tư cách công ty đại chúng, hủy niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và hủy lưu ký chứng khoán. Hội đồng quản trị sẽ thông báo tới các cổ đông về kế hoạch hoàn tất thủ tục hủy tư cách công ty đại chúng, hủy niêm yết cổ phiếu cũng như quy trình chuyển nhượng cổ phiếu sau khi hủy tư cách công ty đại chúng nhằm đảm bảo quyền lợi cho tất cả các cổ đông của công ty”. Nhưng câu hỏi nhiều cổ đông nhỏ lẻ đặt ra là các cổ đông lớn của ANI đồng thời cũng là thành viên Hội đồng quản trị nắm quyền quản trị điều hành có thể thực hiện các biện pháp gì để cổ đông có thể bán cổ phiếu với mức giá hợp lý khi cổ phiếu hủy niêm yết, các thông tin về công ty không còn được công khai minh bạch theo các quy định của công ty niêm yết?

Trong khi đó, tháng 6 và 7 vừa qua, Công ty TNHH Năng lượng Ban Mê, tổ chức liên quan đến thành viên Hội đồng quản trị ANI, đang nắm giữ 1.446.600 cổ phiếu, tương ứng 6,03% vẫn đăng ký mua 53.400 cổ phiếu SIC để làm tròn số cổ phần đang nắm giữ. Mức giá SIC giao dịch thời điểm này từ 25.000 - 30.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu SIC gần như mất thanh khoản trong những phiên gần đây.

Có lẽ việc ANI có thể hủy tư cách công ty đại chúng, hủy niêm yết hay không, câu trả lời trước tiên nằm ở việc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội có công nhận một công ty niêm yết nhiều năm, phát hành cổ phiếu nhiều lần, có 500 cổ đông nhỏ lẻ không phải là công ty đại chúng hay không.

Tin bài liên quan