Cư dân Vinaconex 2 Xuân Đỉnh “kêu” mãi chưa được “cứu”

Cư dân Vinaconex 2 Xuân Đỉnh “kêu” mãi chưa được “cứu”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà để xe, ki ốt kinh doanh, lối thoát hiểm biến thành căn hộ để bán, ở, kinh doanh sai mục đích, bể chứa nước sinh hoạt bị ngấm nước bẩn, ô nhiễm nghiêm trọng… là những bức xúc được cư dân dự án nhà B Vinaconex 2 Xuân Đỉnh phản ánh.

Cố tình sai phạm?

Dự án nhà ở để bán Xuân Đỉnh nói chung được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tổ chức trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (nay là phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) tại Quyết định số 320/QĐ-UBND ngày 14/01/2004. Công ty cổ phần xây dựng số 2 (Vinaconex2) được giao làm chủ đầu tư thực hiện dự án nêu trên.

Công trình đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận phương án kiến trúc tại Công văn số 1021/QHKT-P1 ngày 26/5/2004 và số 1336/QHKT-P1 ngày 7/7/2004. Công trình nhà B được khởi công xây dựng từ tháng 6/2004. Chung cư được phép xây dựng 5 tầng, diện tích đất xây dựng là 1.503,2 m2, tổng diện tích sàn xây dựng là 4.308,1 m2. Đến tháng 12/2005, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, theo đơn thư phản ánh của cư dân tòa nhà, Vinaconex 2 đã xây dựng trái phép, sai thiết kế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể, theo như thiết kế được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép, tòa nhà B Xuân Đỉnh có mặt bằng tầng 1 gồm 4 phòng để xe (B101, B104, B106, B108 là của cư dân theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 101, Luật nhà ở), 4 cửa hàng (B102, B103, B105, B107) và 2 sảnh cầu thang thoát hiểm. Tuy nhiên, bên mặt 4 cửa hàng đã bị chủ đầu tư xây dựng trái phép thành 2 căn hộ để ở (B109, B110). Đồng thời, xây bịt hành lang của tầng 1 nằm ở giữa 2 phòng để xe (B104, B106) với 2 cửa hàng (B103, B105) thành diện tích sử dụng của các phòng kể trên và chủ đầu tư đã bán trái phép thu tiền một lần.

Chưa dừng lại ở đó, thông qua hợp đồng mua bán, Vinaconex 2 đã cho thuê 3 phòng để xe của cư dân (B101, B106, B108), 4 cửa hàng (B102, B103, B105, B107), 2 phòng (B109, B110) thu tiền một lần, giá trị gần 6 tỷ đồng từ năm 2006. Theo đơn thư, với số tiền gần 6 tỷ đồng nếu gửi tiết kiệm tại ngân hàng với lãi suất bình quân là 7%/năm từ năm 2006 cho đến nay là: 1 năm có lãi suất tiền gửi (420 triệu x 14) = 5,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư Vinaconex 2 không duy tu, sửa chữa, bảo trì tòa nhà, gây ra hậu quả bể nước ngầm sinh hoạt của cư dân bị ngấm nước bẩn, ô nhiễm nghiêm trọng, không thể dùng sinh hoạt và nhiều hệ lụy khác ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt thường ngày.

Phản ánh đến Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Văn Cầm, Ủy viên Ban quản trị tòa nhà cho biết, mặc dù tòa nhà đã bầu Ban quản trị, nhưng trên thực tế thì Vinaconex 2 vẫn đang vận hành. Vì trong quá trình bàn giao, cư dân phát hiện ra các sai phạm nêu trên và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn không hợp tác thực hiện, do đó, việc bàn giao này chưa diễn ra.

Cư dân Vinaconex 2 Xuân Đỉnh “kêu” mãi chưa được “cứu” ảnh 1

Lối thoát hiểm tòa nhà đã biến thành căn hộ

“Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh những bức xúc của cư dân tại tòa nhà, nhưng không được Vinaconex 2 xử lý. Ngay cả bể nước sinh hoạt của cư dân bị rò, ngấm nước bể phốt được chúng tôi phát hiện từ tháng 7 vừa rồi, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn không phối hợp bảo dưỡng, duy tu, khắc phục sự cố”, ông Cầm bức xúc.

Mang những bức xúc của cư dân phản ánh với lãnh đạo Vinaconex 2 cuối tuần qua, ông Nguyễn Đăng Gô Ganh, Phó tổng giám đốc Công ty cho biết, hiện nay thời gian bảo hành tòa nhà đã hết hạn. Chủ đầu tư đã hết vai trò ở tòa nhà này.

“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phối hợp với Ban quản trị để khắc phục các sự cố. Việc xây dựng sai thiết kế 2 căn hộ là do tiền nhiệm để lại, đã 5 đời lãnh đạo Công ty. Hơn nữa, các hộ dân sử dụng lại có hoàn cảnh khó khăn và đập đi cũng không bên nào có lợi”, ông Gô Ganh trần tình.

Trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư Bất động sản về xung quanh những sai phạm của chủ đầu tư và quyền hạn của cư dân, luật sư Nguyễn Thế Mừng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: “Chủ đầu tư Vinaconex 2 xây dựng trái phép, sai thiết kế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đây là hành vi cố tình vi phạm, có tổ chức ngay từ đầu. Vì các thiết kế bịt lỗ thoát hiểm được khớp nối kỹ thuật liền khối với tòa nhà ngay từ khi tiến hành xây dựng. Bên cạnh đó, việc chiếm giữ trái phép tài sản của cư dân (lãi tiền gửi ngân hàng)”.

Phạt để đó

Trên thực tế, cơ quan quản lý nhà ở TP. Hà Nội đã biết vấn đề này từ lâu. Bằng chứng là từ ngày 29/11/2018, Sở Xây dựng TP. Hà Nội đã có văn bản số 370/BC-SXD (TTr) về việc quản lý, sử dụng chung cư nhà B Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Tư Liêm.

Công văn nêu rõ, đối với việc vi phạm của chủ đầu tư: Ngày 17/5/2018, Thanh tra Sở Xây dựng đã lập biên bản vi phạm hành chính số: 010/04/BB-VPHC, ngày 18/5/2018 ban hành quyết định xử phạt số: 69/QĐ-XPVPHC đối với VInaconex 2 về hành vi: Lấn chiếm các phần thuộc sở hữu chung của chung cư nhà B Xuân Đỉnh với mức phạt 45 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả, buộc Vinaconex 2 phải khôi phục lại tình trạng ban đầu chung cư nhà B Xuân Đỉnh; thời gian thực hiện biện pháp khắc phục là 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định.

Đồng thời, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội giao UBND quận Bắc Từ Liêm chỉ đạo UBND phường Xuân Đỉnh phối hợp với các đơn vị chức năng của quận thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định (nếu chủ đầu tư không thực hiện).

Với diện tích nhà để xe, theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt tại tầng 1 tòa nhà được bố trí 4 nhà để xe đạp, xe máy. Nhưng trên thực tế, chủ đầu tư chỉ bố trí 1 nhà để xe, còn 3 nhà để xe đã được bán sử dụng sai mục đích. Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư bàn giao ngay cho Ban quản trị tòa nhà các diện tích theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt là nhà để xe để sử dụng đúng công năng đã được phê duyệt, phục vụ nhu cầu để xe cho cư dân.

Bên cạnh đó, theo hồ sơ thiết kế, tầng 1 tòa nhà được bố trí 2 cầu sảnh căn hộ, cầu thang thoát hiểm. Nhưng thực tế, chủ đầu tư đã xây dựng thành phòng, bán cho hai hộ để ở (P.109 và 110). Biện pháp khắc phục, Sở Xây dựng đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm chỉ đạo UBND phường Xuân Đỉnh phối hợp với các đơn vị chức năng của quận thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định, trả lại nguyên trạng ban đầu.

Tuy nhiên, Vinaconex 2 đã không thực hiện khắc phục hoàn trả hiện trạng ban đầu theo yêu cầu của Sở Xây dựng Hà Nội.

Theo đó, ngày 6/11/2019, Thanh tra Sở Xây dựng có Quyết định số: 399/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Quyết định nêu rõ, buộc Vinaconex 2 khôi phục lại tình trạng ban đầu của các phần diện tích sử dụng chung tại tầng 1 chung cư nhà B theo đúng hồ sơ thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định này, Vinaconex 2 có trách nhiệm thực hiện quyết định. Nếu quá thời hạn nêu trên mà chủ đầu tư không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề này, UBND quận Bắc Từ Liêm cũng văn bản số 4345/UBND-QLĐT ngày 28/11/2019 giao Công an quận Bắc Từ Liêm thực hiện tiếp nhận, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật về việc: Mua, bán, ký hợp đồng và sử dụng 3 nhà để xe đạp, xe máy tại tầng trệt tòa nhà và việc mua, bán, sử dụng diện tích sảnh căn hộ tại tầng trệt tòa nhà làm căn hộ để ở không đúng quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của cư dân tòa nhà, chắn lối thoát hiểm, tiềm ẩn nguy cơ lớn xảy ra, dẫn đến mất ổn định tình hình, an ninh trật tự khu dân cư.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Vinaconex 2 đã nộp phạt, nhưng vẫn chưa khắc phục hậu quả. Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản và phản ảnh của cư dân, các sai phạm đã nêu trên hiện nay vẫn tồn tại.

Điều này một mặt cho thấy sự chây ỳ của của chủ đầu tư. Mặt khác, thể hiện tính hiệu lực, hiệu quả của các văn bản, quyết định của cơ quan quản lý nhà ở và thị trường bất động sản tại Hà Nội và chính quyền địa phương là rất thấp.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan