Cú sốc TTCK Trung Quốc: bài học nào cho Việt Nam?

Cú sốc TTCK Trung Quốc: bài học nào cho Việt Nam?

(ĐTCK) Rất nhiều biện pháp đã được Trung Quốc đưa ra nhằm chặn đà giảm chóng mặt của TTCK, trong đó có những biện pháp được cho là đi lùi cả một nền kinh tế. Nhưng, sau những biện pháp ấy, TTCK vẫn sụt giảm. Việt Nam nhìn nhận được gì cho mình từ bài học đau thương này?

Câu chuyện TTCK Trung Quốc

Phiên giao dịch ngày 27/7, chỉ số Shanghai Composite giảm 8,48%, xuống còn 3.725,56 điểm, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2007. Nhưng, đây không phải là điều quá bất ngờ bởi tháng 6/2015, chỉ số này đã bốc hơi 32% sau khi chứng kiến hơn 1 năm tăng trưởng đầy hưng phấn. Tài sản bốc hơi, thậm chí hàng loạt nhà đầu tư phải gánh thêm nợ nần.

Có nhiều nguyên nhân về việc TTCK lao dốc mạnh, được các chuyên gia nước ngoài phân tích. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng nóng cho TTCK và sự tham gia ồ ạt của các nhà đầu tư đẩy giá cổ phiếu tăng bất chấp nền kinh tế không như kỳ vọng nên khi dòng tiền lớn bị rút ra bởi các đợt IPO và phát hành tăng vốn, chính sách siết margin một cách đột ngột của Chính phủ Trung Quốc khiến bong bóng chứng khoán Trung Quốc xì hơi.

Đến đầu tháng 6, tổng dư nợ tín dụng của các NĐT Trung Quốc cho mục đích đầu tư vào TTCK đạt con số kỷ lục: 348 tỷ USD. Đây là hệ quả của việc nhà nhà, người người Trung Quốc vay tiền đổ vào TTCK, còn các công ty môi giới nới mạnh biên độ cho vay.

Chỉ trong vòng 12 tháng, Trung Quốc có thêm 40 triệu tài khoản đầu tư mở mới và riêng trong tháng 6, số tài khoản NĐT cá nhân mở mới đạt con số 7 triệu và nhiều người sẵn sàng dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm, thậm chí là thế chấp nhà cửa để vay đầu tư. Mức lãi suất vay đầu tư chứng khoán được đẩy lên tới 20%/năm. Tất cả mờ mắt vì lợi nhuận sinh ra trên TTCK khi chỉ trong vòng 12 tháng, tổng vốn hóa thị trường tăng thêm 6,5 nghìn tỷ USD!

Và trong khi TTCK tăng trưởng mạnh dựa vào tín dụng thì một lượng tiền lớn lại rút ra. Một số DN lẽ ra phải dừng hoạt động lại tìm đến TTCK như là một kênh huy động vốn. Chỉ trong vòng nửa đầu năm 2015, tổng số tiền các DN huy động trên TTCK thông qua IPO và phát hành thêm cổ phiếu đã đạt đến con số 72 tỷ USD. Điều này lý giải cho việc TTCK Trung Quốc bị dừng lại và quay đầu sụt mạnh, khi bong bóng tín dụng cho chứng khoán bị vỡ. 

Bài học nào cho Việt Nam?

Rất nhiều biện pháp cứu TTCK đã được sử dụng, bao gồm ngừng giao dịch hàng loạt mã chứng khoán, cấm các cổ đông lớn và cổ đông nội bộ giao dịch, bơm thêm vốn cho vay đầu tư trên TTCK, giảm lãi suất, dừng các cuộc IPO lớn, điều tra hành vi bán khống… đã được Trung Quốc áp dụng. Thậm chí, cam kết mua vào, cam kết không bán ra của các công ty lớn cũng được công bố. Thế nhưng, với đủ các nỗ lực, TTCK Trung Quốc vẫn giảm giá.

Câu chuyện trên cho thấy, khi thị trường đã lên tiếng, những chính sách mang tính hành chính kiểu tạm dừng giao dịch, hoặc không cho cổ đông lớn bán cổ phiếu sẽ không thể là liều thuốc thực sự cho thị trường. Bản chất hiệu quả của doanh nghiệp niêm yết, định giá cổ phiếu và mối quan hệ dòng tiền trên TTCK mới là yếu tố quyết định.

TTCK Việt Nam giai đoạn 2007 cũng đã từng có sai lầm như thế, khi Hiệp hội Các tổ chức kinh doanh chứng khoán (VASB) giám sát việc giao dịch cổ phiếu các CTCK theo hướng chỉ khuyến khích mua vào và nêu tên những CTCK bán ra. Rất may, sự việc trên đã sớm vấp phải sự phản đối của các CTCK thành viên trong ngày đầu thực hiện và ngay lập tức được gỡ bỏ.

Khi dòng tiền bị hút ra quá nhiều bởi các đợt phát hành thêm, nhưng dòng tiền vào lại phụ thuộc lớn vào vốn vay, đó là lúc TTCK bắt đầu lịm dần. Chưa có con số thống kê thiệt hại của các tổ chức tín dụng, các công ty môi giới sau đợt khủng hoảng của TTCK Trung Quốc vừa qua, nhưng việc cho vay ồ ạt có thể dẫn tới việc khó hoặc mất khả năng thu hồi vốn vay, từ đó dẫn đến nợ xấu khó đòi và thua lỗ là điều có thể nhìn thấy. Và điều này có thể sẽ tiếp tục châm ngòi cho một đợt suy giảm tiếp theo của TTCK nước này. Chỉ tiếc rằng, khi TTCK đang tăng trưởng, cả NĐT lẫn doanh nghiệp và tổ chức tín dụng chỉ nhìn thấy lợi ích từ TTCK, mà quên đi rủi ro vốn luôn hiện hữu.

Việt Nam dường như đã quá thận trọng trong việc kiểm soát vốn vay đầu tư cổ phiếu, khi cả Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước lẫn Ngân hàng Nhà nước đều có những quy định khá ngặt nghèo về điều kiện vay và cho vay mua chứng khoán, tỷ lệ cho vay và giới hạn quy mô vốn. Việc quy định chặt có thể đã gây ra những bất cập trong triển khai và dẫn tới tình trạng “lách luật”, nhưng nếu nhìn sang TTCK Trung Quốc, chắc hẳn không chỉ cơ quan quản lý, mà không ít NĐT cảm thấy may mắn vì chưa rơi vào giai đoạn “cuồng margin” như Trung Quốc.

Một vấn đề cũng cần được nói nhiều hơn, đó là huy động vốn trên TTCK. Nếu không thực hiện được chức năng huy động vốn trên TTCK, các DN có thể sẽ không còn động lực niêm yết. Và nếu không thu hút đông đảo NĐT tham gia, TTCK cũng sẽ èo uột. Giám sát DN công bố thông tin chuẩn mực và minh bạch; tuyên truyền để các NĐT hiểu về tài chính, về TTCK để tham gia và tham gia một cách thận trọng, sáng suốt có lẽ là điều cơ quan quản lý nên làm nhiều hơn, để xây dựng một thị trường lành mạnh.

Còn thị trường tăng hay giảm, xin đừng can thiệp bằng những quyết định phi thị trường. 

Tin bài liên quan