Ông Nguyễn Mạnh Hà

Ông Nguyễn Mạnh Hà

Cục Quản lý Nhà: Thị trường không quá ảm đạm

Nói về việc Công ty CP Địa ốc dầu khí (PVL) quyết định giám giá bán căn hộ tới 35%, chiều 4/11, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS cho biết: Đó là chỉ cách bán hàng của doanh nghiệp.

Theo ông Hà, hiện tượng "xì hơi" BĐS không có nghĩa là thị trường BĐS ảm đạm quá đến mức nhà đầu tư phải bán tháo. Với người dân có nhu cầu mua nhà để ở, kể cả đầu tư thứ cấp, thì khi thị trường trầm lắng, giá nhà đất giảm xuống là lúc có điều kiện để mua thuận lợi hơn.

 

Ông Hà cho biết thêm, với số lượng  quá ít căn hộ được bán ra như thế không ảnh hưởng nhiều tới thị trường. Bán tháo hay "xả hàng"… đều là cách nói của người dân trước một chiêu thức bán hàng nào đó, chứ qua đây không thể khẳng định là thị trường bất động sản ảm đạm quá nên một số nhà đầu tư phải bán tháo.

 

Tuy nhiên, ông Hà cũng nhìn nhận đó cũng là dấu hiệu đáng quan tâm của thị trường đối với cả nhà đầu tư bất động sản và người dân có nhu cầu mua nhà để ở hay đầu tư thứ cấp. Bởi lẽ, với nhà đầu tư, thời gian qua quá tập trung nguồn lực vào đầu tư các cao ốc tạo ra các căn hộ diện tích rộng, giá trị lớn hay các biệt thự nghỉ dưỡng chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường cần phải điều chỉnh lại. Còn đối với người dân có nhu cầu mua nhà để ở, kể cả đầu tư thứ cấp, thì khi thị trường trầm lắng, giá cả nhà đất giảm xuống đúng là lúc có điều kiện để mua thuận lợi hơn.

 

Những căn hộ có diện tích nhỏ hơn 60m2, giá bình dân vẫn đắt hàng do lượng khách đông trên thị trường nhà Hà Nội, các tỉnh lân cận.

 

Nhưng đừng coi đây là "cơ hội vàng", thấy giá thấp, nhà rẻ vội mua để rồi chuốc lấy thất bại, vì có dự án nhà rẻ nhưng tiến độ kéo dài thì không lợi, có dự án giá hấp dẫn nhưng hạ tầng không tốt, môi trường không tốt thì chưa chắc đã hay… Ngoài ra, mua hay chưa mua nhà phải cân nhắc nhu cầu thực của chính người mua, cũng như khả năng thanh toán, đồng thời cần lưu ý xem xét kỹ tính pháp lý của dự án mà người mua định giao dịch.

 

Nhà đầu tư Nguyễn Anh Việt: Nên giữ lại nhà ở vị trí đẹp, đừng ham rẻ mà quan tâm tới tiến độ giao nhà

 

Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, ông Việt cho rằng bán giá nào, chiêu thức ra sao là do nhu cầu nội tại của từng doanh nghiệp chứ chưa hẳn phản ánh đúng bản chất thị trường. Có thể họ phải bán giá giảm như vậy do sức ép thu hồi vốn để trả lãi ngân hàng, hay để đầu tư vào dự án khác…

 

Theo ông Việt thì hiện tượng trên nó tạo ra hiệu ứng tâm lý, làm cho nhiều chủ đầu tư ái ngại còn khách thì chờ đợi một đợt giảm giá trên diện rộng. Trên thực tế, các dự án nhà tại khu vực Hà Nội phần nhiều đã thu tiền từ các nhà đầu tư thứ cấp khi xây xong phần móng đủ điều kiện bán theo quy định. Trừ các doanh nghiệp có thực lực yếu, không có khả năng mạnh về tài chính sẽ gặp khó trong bối cảnh hiện nay. Đây chính là hiện tượng "xì hơi" bất động sản, qua đó sàng lọc các nhà đầu tư góp phần sắp xếp lại trật tự trong thị trường tiêu dùng nhiều vốn này.

 

Với người dân có nhu cầu mua nhà để ở, hoặc để bảo toàn vốn, ông Việt khuyến cáo đây là thời điểm mua nhà, đất ở với giá có lợi hơn trước, nhưng phải cực kỳ quan tâm tới tiến độ xây dựng công trình chứ đừng ham rẻ. Thực tế, hiện có nhiều doanh nghiệp chỉ đủ tiền để trả lãi ngân hàng thì lấy đâu còn vốn mà đẩy nhanh tiến độ, nên đây là lúc mà người mua có điều kiện để lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có uy tín trong lĩnh vực xây dựng mà đặt tiền mua nhà, đất ở.

 

Cần lưu ý thêm, khi mua căn hộ, mua nhà liền kề… không đơn thuần là mua căn nhà ở mà là mua môi trường sống, mua hạ tầng xã hội cần thiết cho con người như gần chợ, trường học, cây xanh, bệnh viện… Tránh nghe "bánh vẽ" vị trí này có mặt tiền lớn, con đường rộng… nhưng ở quá xa trung tâm, tiến độ chưa biết bao giờ xong hoặc hạ tầng chẳng có gì thì sẽ bất lợi cho người mua. Nếu đã đầu tư vào nhà đất mà chưa có điều kiện giao dịch, thì nên giữ lại những căn hộ, khu đất ở vị trí đẹp (chẳng hạn đường vành đai III trở vào) sẽ bảo toàn được vốn và hấp dẫn khách hàng cho dù thị trường có thay đổi.

 

Chuyên gia nhà ở Nguyễn Trọng Ninh: Người mua phải xem xét kỹ tính pháp lý của dự án

 

Theo ông Ninh thì đây là vấn đề thị trường, lúc lên lúc xuống. Trong điều kiện hiện nay Nhà nước sẽ không đổ tiền vào bất động sản. Thị trường nhà đất hiện nay nó nhắc nhở cả nhà đầu tư vốn (trong đó có người mua nhà bằng hình thức góp vốn) lẫn nhà đầu tư bất động sản đều phải cân nhắc trước khi quyết định đầu tư. Qua đó, sàng lọc những doanh nghiệp yếu cả về tài chính lẫn kinh nghiệm.

 

Ông Ninh phân tích, giá cả nhà đất xuống nhưng không có nghĩa nhà đầu tư chịu lỗ, họ không thể bán được với giá "trên trời" như trước đây, thị trường như vậy sẽ có lợi hơn cho người mua. Tuy nhiên, giá nhà đất khó xuống được nữa vì bản thân mỗi mét vuông nhà, đất ở hiện chịu áp lực rất lớn từ lãi suất ngân hàng, giá nhân công, vật tư… tăng cao.

 

Theo ông Ninh, thì thời gian tới căn hộ diện tích nhỏ, giá bình dân tiếp tục hấp dẫn vì còn rất đông khách hàng có nhu cầu. Chính vì thế, một số dự án chung cư cao cấp đang có ý định đề nghị chuyển đổi sang cung cấp nhà thuộc phân khúc này để nâng cao khả năng thanh khoản.

 

GS TSKH Đặng Hùng Võ: Giảm giá bán là vấn đề đương nhiên

 

Ngay cả trong trường hợp doanh nghiệp không sử dụng phương án hạ giá sản phẩm, thì việc một số nhà đầu tư bất động sản tại TP.HCM vẫn phải giảm giá để trả nợ ngân hàng, do theo thông lệ cứ đến cuối năm cũng là lúc đến hạn doanh nghiệp phải trả nợ ngân hàng.

 

Tôi nghĩ đây cũng là chuyện bình thường trên thị trường. Với một vài dự án, mức giảm giá từ 26 triệu đồng/m2 xuống 16 triệu đồng/m2, thì đây chưa phải là mức giá quá thấp, so với mặt bằng xây dựng hiện nay thì mức giá trên vẫn còn quá cao. Vì vậy, việc giảm giá căn hộ dự án của các chủ đầu tư trong bối cảnh hiện nay cũng là việc hết sức bình thường, không có gì đặc biệt thường trên thị trường bất động sản.