Cùng doanh nghiệp góp ý, phản biện chính sách

Cùng doanh nghiệp góp ý, phản biện chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Góp ý, phản biện chính sách luôn là nhóm đề tài khó, nhất là lĩnh vực liên quan đến đất đai, thị trường bất động sản.

Khó ở vấn đề đúng - sai

Độc giả chính yếu của Báo Đầu tư là các nhà đầu tư, doanh nghiệp và đương nhiên, đó đều là những độc giả "chất lượng cao" và rất kỹ tính. Muốn chiều lòng được các "thượng đế" này, thông tin cung cấp cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phải thiết thực, hữu ích, chính xác, khách quan, kịp thời, chuyên sâu và có hàm lượng trí tuệ cao.

Đặc biệt, những nội dung góp ý, phản biện chính sách luôn là điều thu hút độc giả đến với Báo Đầu tư với hàm lượng thông tin sâu, đa dạng, đa chiều và đặc biệt tập trung vào những vấn đề nóng với tinh thần xây dựng, giải quyết tháo gỡ những mối băn khoăn cho thị trường, trong đó bao gồm cả các chủ thể doanh nghiệp - người dân - cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nhóm đề tài khó nhất khi thực hiện. Bởi lẽ, giữa những nhóm lợi ích đan xen trong xã hội, sẽ không thể có một chính sách làm vừa lòng tất cả mọi người và việc phản biện cũng vậy.

Đã từng thực hiện nhiều đề tài có nội dung góp ý, xây dựng chính sách, nhưng chính người viết cũng đã từng đôi lần bị một vài chuyên gia "hỏi lại" khi các chuyên gia khả kính này đã dành thời gian trả lời tới vài tiếng đồng hồ cho vấn đề mình rất tâm huyết và có nghiên cứu sâu, nhưng trích dẫn phần ý kiến chỉ vài dòng và dường như chưa thể hiện được “tầm” của vị chuyên gia này.

Với câu chuyện của doanh nhân, doanh nghiệp, để lấy được ý kiến góp ý, phản biện chính sách thậm chí còn gian nan hơn nhiều, bởi không nhiều người dám “va chạm” với cơ quan quản lý.

Như chia sẻ của ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ với các chính sách liên quan mật thiết tới mình, bởi cho rằng việc làm này chỉ như “ném đá ao bèo”. Thậm chí, việc doanh nghiệp lo lên tiếng nhiều quá sẽ dễ bị cơ quan chức năng "trù dập”, là một thực tế khá phổ biến trong hoạt động, tác nghiệp của phóng viên.

Thực tế, có doanh nghiệp từng phản ánh với phóng viên Báo Đầu tư rằng, họ nêu kiến nghị đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục thì chỉ một thời gian ngắn sau đó đã bị cơ quan thanh tra ngành đến kiểm tra. Một câu chuyện khác, vấn đề đất công xen kẹt làm tắc nghẽn hàng trăm dự án bất động sản tại TP.HCM và cả nước là vấn đề gây rất nhiều bức xúc, nhưng để kéo một đại diện chủ đầu tư lên báo "trải lòng" về nút thắt tại các dự án cụ thể là vô cùng khó khăn.

Nhìn chung, việc duy trì mối quan hệ thường xuyên giữa báo chí với doanh nhân, chuyên gia luôn là mục tiêu hàng đầu để có thể trao đổi thông tin, phản ánh kịp thời những khúc mắc, khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến pháp lý, chính sách. Song, làm sao để lựa chọn đúng chủ đề, câu chuyện... rồi biết phân tích để làm dẫn chứng phản biện cho các nhà hoạch định chiến lược, chính sách và quản lý xã hội ở tất cả các cấp hiểu được là câu chuyện rất dài.

Điểm khác biệt lớn nhất như chia sẻ của cả cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp hay các chuyên gia, đó là việc Báo Đầu tư sẵn sàng tạo ra một diễn đàn mang tính cởi mở, không ngại cho các diễn giả tham gia chia sẻ những vấn đề khó, những vấn đề đôi khi “nhạy cảm” mà không phải ai cũng dám đề cập tới, mà vẫn đảm bảo thể hiện được tư duy, lập trường của tòa soạn.

Độ mở ở đây không chỉ trong hội trường diễn ra sự kiện, mà còn với độc giả khi có thể theo dõi livestream và gửi góp ý trực tiếp qua mạng xã hội tới Ban tổ chức. Các ý kiến góp ý và đề xuất của các chuyên gia cũng đã được chuyển tới cơ quan chức năng có liên quan.

Vốn liếng cho việc phản biện báo chí

Phản biện xã hội, trong đó có phản biện chính sách, là một nhu cầu vô cùng quan trọng và là nguồn đề tài hấp dẫn dành cho các nhà báo. Thực tế, những bài viết phản biện với sự tham gia chia sẻ của những chuyên gia đầu ngành với những chính sách có liên quan tới nhiều đối tượng luôn thu hút lượng lớn bạn đọc, đặc biệt các bạn đọc là doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm.

Sự ra đời của mạng xã hội và internet cho phép các bài viết góp ý, phản biện chính sách lan truyền nhanh hơn, mạnh hơn, nhưng cũng đặt ra thử thách, bởi không phải cái gì cũng cần phản biện và muốn phản biện cần phải xuất phát từ cơ sở khoa học. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như lãnh đạo cơ quan quản lý chia sẻ với người viết rằng: “Rất ủng hộ tinh thần góp ý, phản biện chính sách của các cơ quan báo chí, cũng rất thích đọc các bài viết liên quan tới vấn đề này, song cũng rất e ngại việc biến phản biện thành… khủng hoảng truyền thông”.

Việc tôn trọng ý kiến phản biện luôn được khuyến khích miễn sao có văn hóa, nhưng nguy cơ chỉ viện dẫn một vài phản biện của thiểu số để đại diện cho số đông người thụ hưởng là điều dễ xảy đến, trở thành những cuộc tranh luận không đáng có, thậm chí là khủng hoảng truyền thông trong trường hợp những người trong cuộc, đôi khi vì một lý do nào đó phát ngôn của họ bị hiểu không chính xác.

Là một trong những người có nhiều ý kiến phản biện thẳng thắn trên báo chí, PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, muốn phản biện thì phải có cơ sở khoa học, chứ không thể chỉ dùng những từ ngữ kêu cho to, đánh vào tình cảm con người để phản đối được.

“Trong tâm lý xã hội hiện nay, tính bất bình, không hài lòng rất cao, dùng từ ngữ để kích động tâm lý này là rất dễ. Nếu chúng ta chỉ dùng những thuật ngữ hoặc cố gắng dùng thuật ngữ để đánh vào tâm lý, nhiều khi sẽ làm cho suy nghĩ của xã hội bị thiên lệch”, PGS-TS. Trần Đình Thiên nêu quan điểm.

Tin bài liên quan