Bà Phan Thị Tường Tâm

Bà Phan Thị Tường Tâm

Cuộc bình chọn BCTN 2013: 3 điểm mới nổi bật

(ĐTCK) “Một trong những điểm mới đáng chú ý của Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (BCTN) năm nay là có thêm giải Báo cáo phát triển bền vững”.

Và Phan Thị Tường Tâm, Tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM (HOSE) - cơ quan cùng Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức Cuộc bình chọn cho biết.

So với những lần bình chọn trước, Cuộc bình chọn BCTN 2013 có điểm gì mới, thưa bà?

Cuộc Bình chọn năm nay có một số điểm mới và thay đổi nổi bật sau: Thứ nhất, Hội đồng bình chọn có sự tham gia của đại diện Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) để tăng cường mảng chấm về quản trị công ty. Thứ hai, tiêu chí bình chọn được xây dựng theo Thông tư mới về công bố thông tin trên TTCK (Thông tư 52/2012/TT-BTC, thay thế Thông tư 09/2010/TT-BTC). Thang điểm chung vẫn giữ nguyên như năm trước (75 điểm nội dung và 25 điểm hình thức), nhưng thang điểm chi tiết của từng phần được điều chỉnh cho phù hợp với quy định mới về công bố thông tin trên TTCK, cũng như mặt bằng chất lượng BCTN đã tăng lên theo từng năm. Ngoài ra, tiêu chí chấm giải sẽ đề cao các công ty có quản trị doanh nghiệp hướng đến mục tiêu phát triển bền vững vì cộng đồng và xã hội.

Thứ ba, có thêm một giải thưởng mới - giải Báo cáo phát triển bền vững (Sustainability Reporting Awards - SRA), dành cho các doanh nghiệp niêm yết có báo cáo về các vấn đề liên quan đến môi trường - xã hội nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Nội dung này có thể được nêu trong BCTN, nhưng Ban tổ chức khuyến khích các doanh nghiệp lập báo cáo riêng về phát triển bền vững gửi dự thi kèm với BCTN.

 

Vì sao năm nay có thêm giải thưởng báo cáo phát triển bền vững, thưa bà?

Sau 5 năm tổ chức, Cuộc bình chọn BCTN đã ngày càng thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư và các doanh nghiệp niêm yết. Công khai thông tin đang trở thành lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư có tổ chức. Bước sang năm thứ 6, Ban tổ chức quyết định đưa Cuộc bình chọn sang một giai đoạn phát triển mới với những định hướng xa hơn là hướng doanh nghiệp công khai thông tin và xây dựng môi trường kinh doanh dựa trên nền tảng phát triển bền vững, thông qua các tiêu chí trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội.

Vì vậy, Giải thưởng SRA ra đời. Đây cũng là sự tập dượt cho các doanh nghiệp niêm yết trước khi báo cáo phát triển bền vững được luật hóa ở Việt Nam trong tương lai gần.

 

Bà có thể chia sẻ về công tác xét chọn giải thưởng SRA?

Đối tượng được đưa vào xét chọn là các BCTN lọt vào vòng chung khảo của Cuộc bình chọn BCTN. Trường hợp doanh nghiệp có lập báo cáo phát triển bền vững riêng (không gắn với BCTN) được yêu cầu gửi cho Ban tổ chức trước ngày hết hạn nộp BCTN. Hội đồng bình chọn SRA hoàn toàn độc lập với Hội đồng chấm BCTN, gồm các chuyên gia của IFC và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA). Để đảm bảo tính tập trung và khách quan, các chuyên gia của IFC và ACCA sẽ thực hiện chấm điểm báo cáo này tại HOSE vào cùng thời điểm chấm BCTN.

Cuộc bình chọn BCTN 2013: 3 điểm mới nổi bật ảnh 1

IFC và ACCA chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chí đánh giá. Tiêu chí chung để chấm điểm đối với nội dung phát triển bền vững là: nội dung chiếm 75%; hình thức trình bày chiếm 25% (thống nhất với thang điểm của Cuộc bình chọn BCTN).

Dựa trên kết quả chấm, chất lượng các báo cáo và danh sách đề cử của IFC và ACCA, Ban tổ chức sẽ quyết định số lượng cụ thể các đơn vị đoạt giải.

 

Báo cáo phát triển bền vững còn khá mới mẻ với nhiều DN. Vậy Ban tổ chức đã làm gì để giúp doanh nghiệp chủ động và chuẩn bị tốt hơn?

Để giúp các doanh nghiệp nắm vững các quy định và có sự chuẩn bị tốt hơn khi lập báo cáo phát triển bền vững, tháng 1/2013, Ban tổ chức đã phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, IFC và ACCA công bố sổ tay hướng dẫn lập báo cáo phát triển bền vững. Ngày 19/3, UBCK, HOSE, IFC và ACCA cũng đã tổ chức hội nghị tập huấn báo cáo phát triển bền vững cho các doanh nghiệp niêm yết.

Theo bà, các doanh nghiệp cần chú ý gì khi lập BCTN năm nay?

Khi lập BCTN năm nay, các doanh nghiệp niêm yết phải chú ý lập đầy đủ các nội dung thông tin theo quy định mới của Thông tư 52/2012/TT-BTC. BCTN cho tới thời điểm hiện nay vẫn không yêu cầu phải được kiểm toán, chỉ có báo cáo tài chính (BCTC) nằm trong BCTN mới bắt buộc kiểm toán.

Quy định về công bố thông tin đối với BCTN năm nay cũng có thay đổi. Mọi năm, thời hạn công bố BCTC kiểm toán là 10 ngày kể từ ngày hoàn thành BCTC kiểm toán và thời hạn hoàn thành BCTC kiểm toán là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Có thể hiểu nôm na là đến ngày 10/4, doanh nghiệp mới phải công bố thông tin BCTC kiểm toán. Nhưng năm 2013, quy định mới tại Thông tư 52 yêu cầu BCTC kiểm toán phải được công bố trong vòng 10 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký BCTC kiểm toán, thời hạn cuối cùng để công bố BCTC kiểm toán là 90 ngày.

Ngoài ra, đối với nội dung liên quan đến tình hình quản trị công ty, mẫu BCTN theo quy định mới yêu cầu thông tin rất chi tiết về thù lao và các khoản lợi ích của cổ đông chủ chốt, nêu rõ các quy định về quản trị công ty mà công ty chưa thực hiện và lý do chưa thực hiện. Do vậy, Hội đồng bình chọn mong muốn các DN tuân thủ và thực hiện tốt quy định này.