Cuộc Bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA) 2021: Doanh nghiệp đang có sức chống chọi tốt hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù Covid ảnh hưởng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng các DNNY vẫn có kết quả kinh doanh khả quan, tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận, đây là nỗ lực đáng ghi nhận của DNNY trong điều kiện kinh doanh bình thường mới, thể hiện sự chống chọi, kiên cường của doanh nghiệp trước đại dịch.

Khai mạc Hội nghị, ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM - Trưởng Ban Tổ chức Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2021 cho biết, đại dịch Covid 19 đã buộc chúng ta phải thích nghi, sống và làm việc trong trạng thái bình thường mới. Sau 14 năm, lần đầu tiên, sự kiện thường niên này được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Theo đánh giá của các chuyên gia Việt Nam - quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tại hội nghị COP26 vừa qua, Chính Phủ Việt Nam thể hiện sự ủng hộ và cam kết mạnh mẽ sáng kiến toàn cầu về chống biến đổi khí hậu, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Để duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững, Việt Nam cần quan tâm sâu sắc ,cụ thể hơn đối với chủ đề ESG - vốn được cộng đồng đầu tư quốc tế quan tâm. Vì vậy, chủ đề cho phần toạ đàm năm nay là “Doanh nghiệp niêm yết và các yêu cầu mới về minh bạch thông tin môi trường”.

Các chuyên gia và cơ quan quản lý sẽ giới thiệu và hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng báo cáo về nội dung này.

"Đây là chủ đề thiết thực cần được lan toả trong cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, thị trường chứng khoán và nền kinh tế Việt Nam nói chung", ông Trà nói.

Vượt qua những trở ngại và tác động của đại dịch Covid-19, sau hơn 6 tháng bình chọn, Ban tổ chức Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2021 đã chọn ra được 38 doanh nghiệp niêm yết xuất sắc nhất ở 3 hạng mục Báo cáo thường niên, Báo cáo quản trị công ty và Báo cáo phát triển bền vững để công bố ngày hôm nay.

Ngoài ra, ở mỗi hạng mục, Ban Tổ chức cũng chọn 1 doanh nghiệp có sự tiến bộ vượt bậc để trao giải “Tiến bộ vượt trội” nhằm ghi nhận nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc minh bạch thông tin.

Hạng mục Báo cáo thường niên, năm nay, lần đầu tiên, việc chấm điểm báo cáo thường niên (BCTN) ở vòng sơ khảo được thực hiện bởi nhóm chuyên gia độc lập đến từ Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo (Trường đại học Bách khoa TP.HCM). Kết quả sơ khảo sau đó được thẩm định một lần nữa bởi HOSE và HNX, trước khi chuyển cho 4 công ty kiểm toán hàng đầu (Big 4) là Deloitte, Ernst & Young, KPMG và PwC soát xét, nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan và chuyên sâu trong việc xét chọn.

Quy trình làm việc của các bên tham gia chấm sơ khảo rất chặt chẽ, các nội dung chấm báo cáo thường niên được chi tiết hóa để các bên chấm độc lập, sau đó có sự trao đổi trực tiếp để thống nhất về các nội dung chấm ở các báo cáo có sự khác biệt về điểm số. Các công ty kiểm toán có soát xét chéo kết quả chấm các báo cáo thường niên.

Ban tổ chức cũng đưa nội dung báo cáo về phát thải khí nhà kính vào bộ tiêu chí chấm BCTN theo hình thức điểm thưởng. Đây là nội dung nhằm khuyến khích các công ty niêm yết đi đầu trong thực hiện cam kết trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp niêm yết ứng phó với biến đổi khí hậu, từ đó lan tỏa hiệu ứng tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, khó khăn do dịch bệnh trực tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong năm 2020 và 2021, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác tổng hợp thông tin, đúc kết soạn thảo và công bố báo cáo thường niên. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn nỗ lực vượt qua các khó khăn để soạn thảo báo cáo thường niên, cung cấp thông tin hữu ích cho người đọc. Điểm số đánh giá báo cáo thường niên của doanh nghiệp đã có sự cải thiện trong năm 2021 với nhiều doanh nghiệp đạt mức điểm cao hơn so với năm 2020.

So sánh điểm số các nhóm doanh nghiệp có thể thấy, các doanh nghiệp tốt nhất ở 3 nhóm vốn hoá đều đầu tư tốt cho phần hình thức và đạt điểm cao ngang nhau. Tuy vậy, ở phần nội dung, doanh nghiệp nhóm vốn hoá lớn vẫn có sự đầu tư khá hơn các doanh nghiệp ở các nhóm quy mô trung bình và nhỏ.

Cuộc bình chọn đã ghi nhận một số điểm nổi trội ở nhóm các doanh nghiệp đạt giải năm nay. Cụ thể, hầu hết các công ty đều tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên trong 4 tháng đầu năm và trả cổ tức trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp. Trong năm 2020, các doanh nghiệp này đã triển khai bỏ phiếu trực tuyến trong đại hội đồng cổ đông, đây là một thông lệ tốt cho phép các cổ đông thực hiện quyền lợi của mình, đồng thời góp phần tiết kiệm nguồn lực cho xã hội.

Đối với Hạng mục Quản trị công ty, theo đánh giá của Hội đồng bình chọn, điểm số doanh nghiệp năm 2021 có tiến bộ hơn so với năm 2020, với nhiều doanh nghiệp có điểm ở mức cao hơn. Bên cạnh đó, ở các khoản điểm cao trên 80 điểm, đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp hơn, có thể trở thành các ứng viên tiềm năng cho các giải quản trị tốt của khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, đáp ứng các thông lệ quản trị tốt vẫn là một thách thức lớn với doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam hiện nay. Thực tế cho thấy, trong Dự án đánh giá quản trị công ty khu vực ASEAN, Việt Nam đã nhiều năm vẫn có mức điểm hạn chế so với doanh nghiệp niêm yết của các nước khác trong khu vực.

Các doanh nghiệp nước bạn đã quen thuộc với việc áp dụng các thông lệ quản trị tiến bộ trên thế giới, trong khi doanh nghiệp Việt Nam còn khá mơ hồ, chưa sẵn sàng đưa vào thực tiễn hoạt động các thông lệ tốt này. Các doanh nghiệp có quy mô lớn và trung bình có mức độ tuân thủ cao hơn và điểm số đáp ứng thông lệ tốt của các doanh nghiệp quy mô lớn cao hơn gấp hai lần điểm số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Đa phần các thành viên Hội đồng bình chọn đều thống nhất đánh giá rằng, khủng hoảng dịch bệnh là một phép thử năng lực quản trị rủi ro của Hội đồng quản trị các doanh nghiệp.

Năm 2021, báo cáo thường niên của công ty có công bố khá tốt về cách thức quản lý các rủi ro quan trọng như tài chính, kế toán, kiểm soát nội bộ, vận hành, công nghệ thông tin, môi trường, xã hội và kinh tế.

Đối với hạng mục Báo cáo Phát triển bền vững, năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện quốc tế về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và vai trò của doanh nghiệp trong thúc đẩy phát triển bền vững. Doanh nghiệp là mắt xích quan trọng trong phát triển bền vững và để đạt được điều này, cần có vai trò định hướng và giám sát quan trọng của ban lãnh đạo doanh nghiệp để đạt được các chuẩn mực ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị).

Theo Hội đồng Bình chọn báo cáo phát triển bền vững, trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp thể hiện cam kết mạnh mẽ trong đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của nhân viên, đảm bảo việc làm, cũng như phúc lợi cho toàn bộ nhân viên, không giảm lương, không chậm trễ trả lương và đảm bảo có tiền thưởng. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp triển khai các chương trình kết nối cộng đồng và hỗ trợ địa phương chống dịch.

Hầu hết các báo cáo đều đã chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn một cách rõ rệt hơn. Các doanh nghiệp có cam kết rõ nét hơn về quản trị ESG được thể hiện qua bộ phận phụ trách phát triển bền vững riêng trực thuộc HĐQT hoặc tổng giám đốc, sự tham gia của các phòng, ban trong toàn bộ doanh nghiệp với trách nhiệm và kế hoạch hành động rõ ràng.

Bên cạnh các mặt tích cực, vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều doanh nghiệp thiếu mô tả cụ thể quản trị rủi ro riêng về môi trường và xã hội. Đa số doanh nghiệp chưa nêu rõ quy trình thu thập thông tin để lập báo cáo. Số liệu thiếu sự phân tích biến động giữa các kỳ hoặc so sánh với ngành.

Ngoài ra, rất ít doanh nghiệp có báo cáo phân tích tác động của chuỗi giá trị, nhất là từ nhà cung cấp... hoặc lồng ghép các yếu tố phát triển bền vững vào bộ tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp, dẫn đến độ đầy đủ và tin cậy của báo cáo giảm.

Các doanh nghiệp chưa thể hiện được sự liên kết của chiến lược trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) tới hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng chưa có cơ chế khen thưởng gắn liền trực tiếp với các chỉ tiêu phát triển bền vững.

Tại Hội nghị, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chúc mừng Ban tổ chức đã tổ chức thành công mùa giải lần thứ 14 và các doanh nghiệp niêm yết đạt giải.

"Trong 2 năm qua, dịch bệnh Covid đã ảnh hưởng nặng nề kinh tế đất nước, trong cái khó ló cái khôn, TTCK vượt qua nhiều khó khăn và tăng trưởng ấn tượng, tổng giá trị vốn hoá thị trường cổ phiếu hơn 7,6 triệu tỷ USD, tăng 44,7% so với cuối năm 2020, tương đương 121% GDP Việt Nam", ông Dũng chia sẻ và cho biết thêm, TTCK Việt Nam vươn lên đứng đầu khu vực Asean về tăng trưởng chỉ số, thứ 2 về giá trị giao dịch, có những phiên giao dịch 2 tỷ USD.

Dù Covid ảnh hưởng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng các DNNY vẫn có kết quả kinh doanh khả quan, tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận, đây là nỗ lực đáng ghi nhận của DNNY trong điều kiện kinh doanh bình thường mới, thể hiện sự chống chọi, kiên cường của doanh nghiệp trước đại dịch.

Ông Dũng bày tỏ vui mừng khi BCTN của 500 DNNY thuộc chỉ số VN Allshare đều được tham gia đánh giá, và có sự tích cực về chất lượng và hình thức, mức độ đáp ứng quản trị công ty cũng cải thiện, và số lượng doanh nghiệp làm báo cáo phát triển bền vững cũng nhiều nhất trong các năm. “Đây là điểm nhấn trong năm nay và là tin tích cực cho TTCK, với nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Dũng nói.

Trong 10 năm tới, dưới sự chỉ đạo của Chính Phủ và Bộ Tài chính, tập trung chiến lược phát triển TTCK 2021 - 2030 vừa phát triển quy mô vừa theo hướng chiều sâu, bền vững. "Số lượng nhà đầu tư mới tham gia TTCK 2021 là kỷ lục. Tôi tin rằng sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, khi cả bên cung và bên cầu phát triển thì minh bạch, công bằng thông tin là yếu tố nền tảng để TTCK phát triển nhanh và bền vững”, ông Dũng tin tưởng.

Theo đó, ông Dũng cho rằng, việc duy trì tổ chức cuộc bình chọn DNNY là thiết thực cho thị trường và nhà đầu tư, đồng thời, hy vọng cuộc bình chọn sẽ tiếp tục cải tiến về chất lượng, trở thành tiêu chí để đánh giá DNNY trên TTCK Việt Nam.

Trong vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cam kết đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư và với cuộc bình chọn này.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capital Việt Nam – đơn vị tài trợ cho Cuộc bình chọn, chia sẻ, rất hân hạnh là nhà tài trợ và đồng hành cùng Ban Tổ chức VLCA trong 14 năm liền nhằm thúc đẩy tính minh bạch, hướng đến các thông lệ tốt về quản trị doanh nghiệp và phát triển bền vững.

"Truớc xu hướng và yêu cầu bức thiết từ các đối tác hữu quan về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, giảm khí thải nhà kính và bảo vệ đa dạng sinh học, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam nên sớm triển khai việc bắt đầu đo lường, quản lý dấu chân carbon, để có kế hoạch từng bước chuyển đổi nhằm giảm thiểu lượng khí thải nhà kính ra môi trường, và công bố các thông tin này trong BCTN của doanh nghiệp", ông Dominic Scriven nói.

Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2021 (Vietnam Listed Company Awards - VLCA) là sự mở rộng từ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (Vietnam Annual Report Awards), do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Báo Đầu tư phối hợp tổ chức với sự tài trợ thường niên và duy nhất của Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital.

Năm 2021 là năm thứ 14 Cuộc bình chọn đồng hành cùng thị trường chứng khoán Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp niêm yết với sứ mệnh hỗ trợ, khích lệ các doanh nghiệp niêm yết nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch, tăng cường khả năng truyền tải thông tin đến các nhà đầu tư, hướng đến quản trị hiệu quả và phát triển ngày càng bền vững.

Tin bài liên quan