Các cổ đông nhỏ đã ý thức hơn và cân nhắc việc thực hiện các quyền được pháp luật trao

Các cổ đông nhỏ đã ý thức hơn và cân nhắc việc thực hiện các quyền được pháp luật trao

Cuộc chiến của những cổ đông “tí hon”

(ĐTCK) Vào cuối năm qua, một cổ đông cá nhân chia sẻ với tôi niềm vui mừng khi các công ty đại chúng liên tiếp lên sàn. Trong số này, có công ty hoạt động tốt, những cũng không ít “gương mặt” từng bị cổ đông phàn nàn về tình trạng kém minh bạch, công bố thông tin không đầy đủ, thậm chí có giai đoạn cổ phiếu mất thanh khoản.

Tới nay, những doanh nghiệp này đều đã thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch, hoặc cam kết với cổ đông sẽ sớm lên sàn. Đây có thể coi là niềm vui “chiến thắng” của những cổ đông tưởng chừng “tí hon” trong việc thay đổi lối mòn hoạt động của doanh nghiệp.

Những ngày cuối tháng 12/2016, Công ty cổ phần Hanel Xốp nhựa (mã HNP), doanh nghiệp thí điểm cổ phần hóa đầu tiên của TP. Hà Nội, sau 22 năm với bao giai đoạn thăng trầm của thị trường, đã đăng ký giao dịch UPCoM.

Với “kiềng 3 chân” là hành lang pháp lý, cơ quan giám sát và sự đấu tranh của cổ đông nhỏ, công ty đại chúng đã minh bạch, hiệu quả hơn và gắn với niêm yết để nâng cao giá trị của cổ phần hóa.    

Trong khi các doanh nghiệp phụ trợ trong nước còn đang loay hoay để chen chân vào chuỗi cung ứng của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thì Hanel Xốp Nhựa đã sở hữu danh mục khách hàng đáng mơ ước với những tên tuổi lớn cả trong và ngoài nước như Vietnam Airlines (cung cấp hộp đựng đồ ăn, cốc, dao dĩa nhựa…), Samsung, Canon, Panasonic, LG, Iwatani, Brother, Kangaroo (vỏ bình nóng lạnh, bàn là…).

Công ty có sản phẩm khá đa dạng, đáp ứng nhiều nhu cầu của khách hàng với sản phẩm nhựa ép phun, nhựa công nghệ màng hút chân không, xốp EPS, xốp, nhựa cho máy in, hộp đựng máy in … Năm 2013 Hanel Xốp nhựa đã được lọt vào danh sách VN-FAST 500.

Với hoạt động kinh doanh lõi đầy tiềm năng, không có gì lạ khi Hanel Xốp nhựa chào sàn với giá 20.000 đồng/cổ phiếu và liên tiếp có các phiên tăng giá, thậm chí có thời điểm vượt qua mức 40.000 đồng/cổ phiếu.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Tổng giám đốc Hanel Xốp nhựa chia sẻ về những kế hoạch đầu tư đổi mới công nghệ đã thực hiện trong năm 2016 như đầu tư lò hơi mới công suất 15T nhằm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, thân thiện môi trường, tự động hóa cao, giảm chi phí nhân công lao động. Đồng thời, đầu tư tăng thêm thiết bị mới và hệ thống phụ trợ để tăng năng lực sản xuất nhà máy xốp, đưa công suất lên trên 3.200 tấn sản phẩm/năm. Với hướng đầu tư như vậy, Hanel Xốp nhựa kỳ vọng sẽ tạo nền tảng phát triển tốt cho các năm tiếp theo.

Một trường hợp khác mới lên sàn là Công ty cổ phần Xi măng La Hiên (mã CLH). Vào tháng 6/2016, Công ty đã niêm yết trên sàn HNX với giá chào sàn 12.300 đồng/cổ phiếu. Sau đó,  giá CLH đã có nhiều phiên tăng liên tiếp, có lúc đạt ngưỡng 16.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu ai từng theo dõi quá trình hoạt động kinh doanh của Công ty thì sẽ thấu hiểu sự vui mừng của cổ đông ra sao trước diễn biến giá cổ phiếu này. Xi măng La Hiên chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2008 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó, tỷ lệ vốn góp của Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV - Công ty cổ phần là 51,4%.

Công ty chuyên sản xuất các loại xi măng Portland hỗn hợp PCB 30, PCB 40 và Clinker với 2 mỏ đá vôi là La Hiên, Đồng Chuỗng và mỏ sét Cúc Đường. Cách trung tâm TP. Thái Nguyên 18 km về phía Bắc, Công ty có lợi thế trong việc vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất cũng như vận chuyển hàng hoá đi tiêu thụ.

Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, hoạt động của Công ty không đạt được hiệu quả như mong muốn. Trong vài năm từ năm 2011, Công ty đã không chia cổ tức. Năm 2014, với ban lãnh đạo mới, cổ đông được chia cổ tức 10%. Và đến năm 2016, Xi măng La Hiên đã niêm yết.

Một số công ty khác như Công ty cổ phần Nhựa Y tế, Công ty cổ phần V-Itasco... mặc dù chưa niêm yết hay đăng ký giao dịch, nhưng đã công khai, minh bạch thông tin hơn và hiệu quả kinh doanh cũng có cải thiện.

Điều gì đã dẫn đến những chuyển biến đáng kể này? Trong lần trò chuyện với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo của Thanh tra Ủy ban Chứng khoán (UBCK) chia sẻ rằng, mỗi doanh nghiệp sẽ có đặc thù riêng và nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi, phát triển ít nhiều khác nhau. Nhưng chủ yếu có 3 yếu tố chính tác động đến doanh nghiệp, thứ nhất là hành lang pháp lý, thứ hai là vai trò của cơ quan chức năng và thứ ba là nhận thức của cổ đông, cả cổ đông lớn nắm quyền điều hành và cổ đông nhỏ.

Với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý, nhiều trường hợp doanh nghiệp đã có chuyển biến mạnh mẽ, nhận thức và thực hiện đầy đủ hơn về quy định quản trị công ty đại chúng. Vị lãnh đạo trên chia sẻ, có trường hợp một doanh nghiệp trước khi niêm yết xảy ra mâu thuẫn giữa Ban lãnh đạo và cổ đông nhỏ, UBCK đã nhận được đơn thư phản ánh một số tồn tại.

Sau đó, đoàn kiểm tra của UBCK đã tiến hành kiểm tra thực tế tại công ty và ra quyết định xử phạt. Dù mức xử phạt không lớn nhưng sau đó hoạt động công bố thông tin của của công ty đã có sự thay đổi rõ rệt, hoạt động kinh doanh minh bạch, hiệu quả hơn và cuối cùng là công ty đã niêm yết. Trước diễn biến này, các cổ đông của công ty đã viết thư bày tỏ niềm vui và gửi lời cảm ơn tới Ủy ban.

Ở góc độ hành lang pháp lý, Quyết định 51/2014/QĐ-Ttg đã buộc các doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải niêm yết trong vòng 1 năm hoặc đăng ký giao dịch UPCoM trong vòng 90 ngày. Đây là “cây gậy” buộc lãnh đạo doanh nghiệp phải có kế hoạch lên sàn theo đúng quy định, thay vì chỉ lên sàn khi thấy phù hợp với kế hoạch mục tiêu của cổ đông lớn như trước đây.

Gần đây nhất, vào tháng 10/2016, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký văn bản yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty lập danh sách doanh nghiệp đã cổ phần và yêu cầu người đại diện vốn nhà nước đôn đốc doanh nghiệp lên sàn, đồng thời báo cáo kết quả thực hiện.

Bên cạnh đó, sự đóng góp, thậm chí cả đấu tranh của các cổ đông nhỏ cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự minh bạch của các công ty đại chúng. Dăm bảy năm trước, người ta thường thấy cảnh cổ đông nhỏ bức xúc và muốn ý kiến nhưng e ngại không dám phát biểu tại đại hội đồng cổ đông thì nay, các cổ đông nhỏ đã ý thức hơn và cân nhắc việc thực hiện các quyền được pháp luật trao.

Đầu tư Chứng khoán đã nhiều lần chứng kiến những gian nan của cổ đông nhỏ khi thực hiện các quyền này. Chẳng hạn, một cổ đông đã từng đứng đơn khởi kiện, đề nghị Tòa án hủy bỏ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông chia sẻ rằng, do trụ sở công ty ở miền Nam và các cổ đông sinh sống tại Hà Nội nên trong một dịp công tác, cổ đông này đã tranh thủ nộp đơn khởi kiện cho Tòa án.

Sau đó, Tòa án yêu cầu bổ sung tài liệu, cổ đông đã gửi thư bảo đảm nhưng khi liên hệ thì Tòa án trả lời là không nhận được. Với một cá nhân chỉ sở hữu vài nghìn cổ phần, cổ đông này không thể chi tiền vé máy bay đi lại nhiều lần để bổ sung các tài liệu hoặc có mặt theo yêu cầu triệu tập của Tòa án. Cuối cùng, cổ đông này đã phải từ bỏ vụ kiện.

Một trường hợp khác, trụ sở doanh nghiệp ở một tỉnh miền Bắc và cổ đông sống ở Hà Nội. Mặc dù việc đi lại có tốn kém và khó khăn nhưng dù sao vẫn ở trong mức “cố được”. Thế nhưng, khi cổ đông nộp đơn, Tòa án đã từ chối thụ lý vì cho rằng, phải tập hợp đủ cổ đông sở hữu 1% vốn điều lệ mới đủ điều kiện khởi kiện.

Cổ đông này đã trình bày với Tòa án và viện dẫn Luật Doanh nghiệp 2005 cho thấy, không có quy định nào yêu cầu phải đủ 1% mới được khởi kiện. Nhiều lần đi lại, trình bày, thậm chí làm cả văn bản nhưng Tòa án không thay đổi quan điểm và vẫn từ chối thụ lý vụ kiện.

Ngay tại đại hội, không phải lúc nào cổ đông cũng được phát biểu ý kiến chất vấn cho hết ý, bởi chương trình thảo luận thường bị khống chế với thời gian hạn hẹp, thậm chí có “kịch bản” chỉ dành cho cổ đông 10 phút để hỏi đáp. Hay tại một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, dù cổ đông nhỏ có dám thẳng thắn góp ý với ban lãnh đạo, ban kiểm soát, thậm chí đề nghị nên thay “tướng” nếu yếu kém thì ý kiến này cũng nhanh chóng rơi vào thinh không.

Có trường hợp, doanh nghiệp nợ cổ tức nhiều năm chưa trả, lại chưa lên sàn nên muốn bán cổ phần cũng không được, cổ đông dù bức xúc nhưng tính đi tính lại chỉ dám nhẹ nhàng “nhắc” doanh nghiệp rằng, cổ đông chỉ trông vào đồng cổ tức nên rất mong ban lãnh đạo thu xếp việc này. Chưa kể tới các lời “nhắc” về trách nhiệm lên sàn sau cổ phần hóa, về nghĩa vụ công bố thông tin…

Hiện tại, dù vẫn còn hiện tượng chưa thực hiện nghiêm túc một số quy định nhưng nhìn chung, với “kiềng 3 chân” là hành lang pháp lý, cơ quan giám sát và sự đấu tranh của cổ đông nhỏ, công ty đại chúng đã minh bạch, hiệu quả hơn và gắn với niêm yết để nâng cao giá trị của cổ phần hóa.     

Tin bài liên quan