Cuộc chiến năng lượng thêm gay cấn

Cuộc chiến năng lượng thêm gay cấn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ chỉ chấp thuận thanh toán bằng đồng rúp cho các hợp đồng khí đốt tới "những nước không thân thiện”, trong đó có EU thì đồng rúp đã tăng giá.

Ấn Độ mới đây cho biết sẽ chuyển sang nội tệ trong giao dịch thương mại với Nga. Một hệ thống cho phép thanh toán trực tiếp bằng đồng rupee trong thương mại giữa Nga và Ấn Độ có thể sẽ sớm được đưa ra.

Theo ông Sakthivel, Chủ tịch Liên đoàn Các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO), chính phủ Ấn Độ đang xem xét đề xuất cho phép tối đa 5 ngân hàng quốc doanh Ấn Độ tham gia vào cơ chế thương mại đồng rupee - rúp. Thỏa thuận mới này sẽ cho phép Ấn Độ tiếp tục mua năng lượng xuất khẩu của Nga và các hàng hóa khác.

Nền kinh tế Ấn Độ có thể hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt mà Nga đang phải đối mặt, vì chúng tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu Ấn Độ mở rộng vào thị trường Nga.

Ấn Độ đã xuất khẩu 3,3 tỷ USD hàng hóa sang Nga vào năm 2021, chủ yếu là dược phẩm, chè và cà phê. Ở chiều ngược lại, nước này đã mua 6,9 tỷ USD hàng hóa từ Nga, bao gồm vũ khí, khoáng sản, phân bón, kim loại, kim cương và các loại đá quý khác.

Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba trên thế giới, nhập khẩu khoảng 80% dầu thô mà nước này cần. Tuy nhiên, chỉ khoảng 3% tổng lượng nhập khẩu dầu thô Ấn Độ đến từ Nga. Các báo cáo gần đây cho thấy Ấn Độ đang tăng mua dầu chiết khấu của Nga.

Chính phủ Mỹ đã thúc ép Ấn Độ tránh mua dầu của Nga, tuy nhiên, nước này đã từ chối yêu cầu của Mỹ, cho rằng không nên "chính trị hóa sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng".

Trong khi đó, nhóm G7 đã nhất trí từ chối yêu cầu thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Bộ trưởng Năng lượng Đức, Robert Habeck cũng cho biết, Đức dự kiến cắt giảm một nửa lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào mùa hè và gần như chấm dứt vào cuối năm nay.

Ngoài ra, Đức có thể giảm một nửa nhu cầu sử dụng than đá Nga trong thời gian tới. Ông Habeck ước tính, Đức sẽ không còn phụ thuộc vào khí đốt của Nga vào giữa năm 2024, nếu mọi chuyện thuận lợi. Đức hiện nhập khẩu 55% khí đốt từ Nga.

Nếu châu Âu không chấp nhận yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp và Nga quyết khóa van khí đốt thì một cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ xảy ra.

Ủy ban Châu Âu cũng xác nhận Liên minh Châu Âu (EU) vẫn sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng từ Nga trong ít nhất 5 năm nữa. Tuy nhiên, EU ước tính sẽ giảm phụ thuộc 2/3 vào khí đốt Nga trong năm nay và một kế hoạch chi tiết để đạt được mục tiêu này sẽ được đưa ra vào cuối tháng 5.

Mỹ mới đây đã ký thỏa thuận với EU nhằm chuyển 15 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu trong năm nay, chiếm khoảng 10 - 12% lượng xuất khẩu hàng năm của nước này để tìm cách hạn chế phụ thuộc vào năng lượng Nga. Ông Biden tuyên bố, đến năm 2030, Washington sẽ đặt mục tiêu tăng nguồn cung LNG cho châu Âu lên tới 50 tỷ m3.

Tại Mỹ, các nhà xuất khẩu khí đốt đã chuyển từ thị trường châu Á sang châu Âu vài tháng gần đây, một phần bởi giá khí đốt ở châu Âu đang cao hơn nhiều nơi khác trên thế giới. Gần 75% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ đã chuyển tới châu Âu trong năm nay, tăng từ 34% trong năm 2021.

Tuy nhiên, nỗ lực gia tăng xuất khẩu khí đốt của Mỹ tới châu Âu lập tức vấp phải trở ngại là các cảng ở hai bên bờ Đại Tây Dương chưa có đủ năng lực để tiếp nhận.

Các kế hoạch xây dựng thêm các kho dự trữ LNG đang được cân nhắc triển khai, tuy nhiên, việc xây dựng các kho dự trữ LNG khá tốn kém. Mỗi kho dự trữ LNG xuất khẩu yêu cầu khoản đầu tư lên tới 10 tỷ USD, trong khi những kho nhập khẩu mất khoảng 1 tỷ USD. Mỹ có 7 kho xuất khẩu và châu Âu đang sở hữu 28 kho nhập khẩu quy mô lớn.

Khoảng hơn 10 kho dự trữ xuất khẩu của Mỹ đã được phê duyệt nhưng cần kinh phí để xây dựng. 10 kho dự trữ LNG nhập khẩu của châu Âu cũng đang được thi công. Tuy nhiên, các công ty dầu khí Mỹ phàn nàn rằng quá trình xin giấy phép cho các đường ống dẫn khí và kho dự trữ LNG xuất khẩu mất nhiều thời gian hơn là xây dựng chúng.

Ngoài cơ sở hạ tầng và chi phí, thủ tục xây dựng kho chứa, tham vọng cung cấp LNG của Mỹ cho châu Âu còn đối mặt thách thức từ các nhóm bảo vệ môi trường, bởi họ lo ngại rằng việc này sẽ khiến Mỹ và châu Âu sử dụng nhiên liệu hóa thạch lâu hơn, đe dọa các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Tin bài liên quan