Cuộc chiến Nelson Peltz và Pepsi: lại thêm hiệp mới

Cuộc chiến Nelson Peltz và Pepsi: lại thêm hiệp mới

(ĐTCK) Pepsi một lần nữa lạnh lùng đưa ra tuyên bố khước từ lời đề nghị của nhà đầu tư Nelson Peltz, người đứng đầu Quỹ quản lý Trian Fund Management LP, về vấn đề chia tách hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.

Nelson Petlz, người đang nắm giữ 1,3 tỷ USD cổ phần ở PepsiCo đã kéo dài câu chuyện chia tách hơn một năm nay, nhưng vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng. Cụ thể, vào tuần trước, Quỹ Trian Fund Management tiếp tục chủ động liên hệ với Pepsi bằng cách soạn thảo một bức thư dài 37 trang gửi tới Ban lãnh đạo Tập đoàn vẫn với nội dung cũ. Đó là đề cập những lý do vì sao vấn đề chia tách mảng kinh doanh đồ ăn nhanh và thức uống trở nên khẩn thiết và sẽ có tác động tích cực như thế nào đến tương lai của Tập đoàn.

Ở góc độ của Nelson Peltz, mọi thứ sẽ chỉ trở nên rắc rối và hỗn độn nếu duy trì 2 mảng hoạt động này cùng nhau, vì trong khi ngành kinh doanh nước giải khát đang trở lên “loạng choạng”, thì với đà phát triển mạnh mẽ của hệ thống thức ăn nhanh đang gom về hàng tỷ đô la cho Tập đoàn nhờ vào độ phủ sóng của những thương hiệu như Doritos, Cheetos và Lays. Peltz cũng lý giải thêm, khu vực đồ uống vẫn sẽ duy trì tính ổn định của dòng tiền mặt cho cổ đông, trong khi đó thức ăn nhanh sẽ là yếu tố cốt yếu thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận và thu về doanh số khổng lồ.

“Tôi có thể hiểu vì sao cuộc tranh luận xảy ra, bởi đế chế đồ uống Pepsi đang mất dần vị thế và thất bại trước đối thủ Coke. Trong khi đó, công việc kinh doanh đồ ăn nhanh nhanh chóng vươn lên làm chủ và được giao dịch nhiều hơn. Chưa kể, Nelson Peltz là con người dày dặn kinh nghiệm ở lĩnh vực này, nên tôi hoàn toàn hoan nghênh”, chuyên gia phân tích Joe Cornell ở Spin-Off Research cho biết.

Tuy nhiên, lời đề nghị của Peltz vẫn chỉ nhận lại được những cái lắc đầu từ những người đứng đầu Tập đoàn Pepsi.

“Pepsi chỉ có giá trị lớn nhất với tư cách là Tập đoàn kinh doanh đồng thời cả đồ uống và thức ăn nhanh. Công cụ tài chính do ngài Peltz gợi ý sẽ chỉ làm xói mòn giá trị của các cổ đông, chứ không tạo ra thêm lợi nhuận”, Chủ tịch HĐQT PepsiCo Ian Cook tuyên bố thẳng thừng trước công chúng vào ngày thứ Năm vừa qua.

Theo ngài Cook, sau khi cùng ngồi lại và phân tích tình hình hoạt động hiện nay của Công ty, mọi người đã đi đến thống nhất giữ nguyên cấu trúc hiện trạng, bởi từ lâu hai mảng kinh doanh này vốn bám chặt và hỗ trợ nhau.

Song, cái lắc đầu của Pepsi không đồng nghĩa với việc Nelson Peltz sẽ từ bỏ cuộc chơi. Bởi sau khi nhận được phản hồi, Peltz hạ quyết tâm đưa vấn đề này ra trước tất cả các cổ đông lớn của Tập đoàn trong những tuần tới với mục đích dành được nhiều “số phiếu thuận”.

Sở dĩ Nelson Peltz trở lên cương quyết hơn vì mặc dù Pepsi đã nỗ lực vạch ra nhiều kế hoạch dài hơi với mục tiêu gia tăng tỷ lệ cổ tức và mua lại cổ phiếu lên 35% trong năm nay, song mọi động thái vẫn khá “im lìm”. Peltz tỏ ra khá thất vọng khi dự đoán trước lợi nhuận “chậm chạp” của Pepsi trong năm 2014, đồng thời chỉ ra xu hướng đi xuống của ngành kinh doanh đồ uống ở Bắc Mỹ làm bằng chứng “tố cáo” sự ngoan cố của Tập đoàn.

Trước đây, vị tỷ phú đầu tư Nelson Peltz cũng đóng vai trò “mai mối” cho Pepsi với hãng thức ăn nhanh Mondelez với mong muốn sáp nhập hai công ty với nhau để hình thành nên một đế chế đồ ăn nhanh thống lĩnh thị trường Hoa Kỳ. Song mọi nỗ lực vẫn còn quá xa vời để trở thành hiện thực khi Pepsi vẫn khăng khăng duy trì cấu trúc hiện tại, còn Peltz vẫn chỉ là một cổ đông bình thường trong Tập đoàn, chưa đủ để “cất lên tiếng nói”.

Chia tách Pepsi có thể đem lại hiệu quả, song cũng chưa bảo đảm sự thành công tuyệt đối. Quả thật, nếu xét về khía cạnh đồ uống, Pepsi đã thua Coca-Cola một quãng đường dài. Bởi trong khi Pepsi phân đôi mình làm hai mảng, thì Coca-Cola chỉ chú tâm duy nhất vào lĩnh vực nước giải khát từ lúc ra đời cho đến nay.

Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm cho rằng Pepsi nên học tập Coca-Cola, trong một cuộc phỏng vấn với đài CNBC gần đây, ngài tỷ phú kỳ cựu Warren Buffet, người hiện đang là cổ đông lớn nhất của Coca-Cola, đã không tán thành việc chia tách.

“Hãy vận hành một công ty vì lợi ích của những cổ đông đang ở lại hơn là những cổ đông có ý định ra đi”, Warren Buffet nói. 

Không rõ liệu cuộc chiến giữa Nelson Peltz và Pepsi sẽ đi đến đâu, nhưng một điều chắc chắn là việc chia tách sẽ không hề đơn giản và thậm chí còn rất đắt đỏ. Nó không chỉ tạo áp lực lớn lên Ban lãnh đạo Tập đoàn, mà còn đối với tất cả các cổ đông.   

Tin bài liên quan