Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu chưa kết thúc

Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu chưa kết thúc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Châu Âu đã vượt qua mùa Đông một cách nhẹ nhàng trước lo ngại về một cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt trước đó, nhưng các quan chức đang cảnh báo rằng, tình trạng siết chặt nguồn cung có thể vẫn chưa kết thúc.

Nỗi lo mất điện đã giảm bớt và lượng khí đốt dự trữ vẫn đầy hơn nhiều so với bình thường. Khu vực này đang bước vào giai đoạn quan trọng để bổ sung các kho dự trữ đó và tránh được một cuộc khủng hoảng vào mùa Đông tới. Sau khi "cai" khí đốt từ Nga, các quan chức EU đang dựa vào các thị trường.

Tuy nhiên, những nguy cơ từ một năm trước vẫn còn khiến các nhà hoạch định chính sách EU phải thận trọng. Sóng nhiệt, hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thế kỷ, sự cố ngừng hoạt động hạt nhân ở Pháp và sự hoang mang chung về xuất khẩu khí đốt đang suy giảm của Nga đã dẫn đến giá tăng kỷ lục. Kể từ đó, giá khí đốt đã giảm hơn 80% và triển vọng không mấy đáng lo ngại trong những tháng tới. Trong khi đó, BloombergNEF nhận thấy, có đủ nguồn cung để lấp đầy hàng tồn kho cho mục tiêu 90% của EU vào cuối tháng 10.

Thị trường vẫn cảnh giác rằng, sự lặp lại của các sự kiện năm ngoái sẽ lật ngược thế cân bằng một lần nữa. Andrew Walker, Phó chủ tịch của nhà cung cấp LNG lớn Cheniere Energy cho biết: “Có rất nhiều rủi ro chính ngoài kia”.

Trung Quốc và cuộc chiến nguồn cung LNG

Nhập khẩu LNG kỷ lục đã hình thành xương sống cho những nỗ lực của châu Âu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng trong năm qua, nhưng nhu cầu vận chuyển khí đốt có thể bắt đầu tăng lên.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo rằng, châu Âu vẫn phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong năm nay, trừ khi nước này tiếp tục hạn chế tiêu thụ, trong đó nhu cầu LNG của Trung Quốc là ẩn số lớn nhất.

Wood Mackenzie kỳ vọng sản lượng khí đốt nội địa đang bùng nổ của Trung Quốc và nguồn cung cấp qua đường ống của Nga tiếp tục tăng sẽ hạn chế nhu cầu nhập khẩu LNG và giữ chúng dưới mức đỉnh của năm 2021 ngay cả trong kịch bản tăng trưởng cao.

Theo Vitol Group, LNG rẻ hơn cũng khiến nhu cầu từ những người mua nhỏ hơn ở châu Á gia tăng, và điều này làm tăng sự cạnh tranh.

Phục hồi nhu cầu công nghiệp

Các dấu hiệu đang nổi lên rằng việc sử dụng khí đốt của ngành công nghiệp - chiếm gần một nửa tổng nhu cầu giảm ở châu Âu vào năm ngoái - đang hồi phục. Sự phục hồi đang thể hiện trong ngành lọc dầu và hóa dầu ở Tây Ban Nha, Hà Lan và Pháp, nơi việc chuyển đổi nhiên liệu dễ dàng hơn so với các ngành khác.

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs đã cảnh báo rằng, giá khí đốt có thể tăng hơn gấp đôi so với mức hiện tại nếu nhu cầu công nghiệp quay trở lại. Nhưng sự phục hồi sẽ lớn đến mức nào? Nhiều nhà sản xuất đã đóng cửa hoặc di dời một số hoạt động vào năm ngoái do chi phí năng lượng trở nên quá cao và không có gì chắc chắn họ sẽ quay trở lại. Một cuộc khủng hoảng ngân hàng đang diễn ra cũng có thể ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp châu Âu.

Chuyển đổi nhiên liệu

Giá khí đốt giảm đang khiến nó trở nên hấp dẫn trở lại đối với các nhà máy điện của châu Âu, so với các lựa chọn thay thế như than đá hoặc dầu mỏ.

Sản xuất điện than ở châu Âu đã tăng trong năm ngoái, chấm dứt một đợt sụt giảm liên tục. Tuy nhiên, theo nhà tư vấn Rystad Energy AS, việc sử dụng khí đốt để sản xuất điện có thời điểm vượt xa than đá trong tháng qua. Sự thay đổi này cũng được hỗ trợ bởi giấy phép carbon đắt tiền hơn.

Điện hạt nhân của Pháp

Rắc rối của Electricite de France (EDF) nhanh chóng trở thành một trong những rủi ro lớn nhất đối với châu Âu để tránh một cuộc khủng hoảng khác vào mùa Đông tới. Các trạm hạt nhân của EDF đã mắc phải các lỗi kỹ thuật, góp phần khiến số lượng lò phản ứng ngừng hoạt động kỷ lục vào năm ngoái tại quốc gia này và đẩy sản lượng xuống mức thấp nhất trong 30 năm.

Do đó, năng lượng là lĩnh vực duy nhất ở châu Âu có mức tiêu thụ khí đốt tương đối ổn định trong năm ngoái, mặc dù nhu cầu điện nói chung giảm, trong khi sản lượng gió và mặt trời tăng vọt.

EDF đã tìm thấy những khiếm khuyết mới khiến giá năng lượng tăng đột biến nhiều lần trong tháng này. Mặc dù công ty đã giữ nguyên dự báo sản lượng điện hạt nhân trong năm nay, nhưng nhiều vấn đề sẽ tiếp tục gây căng thẳng cho mạng lưới điện và làm tăng nhu cầu về khí đốt.

Một đợt hạn hán khác?

Những sự kiện như dòng sông Rhine huyết mạch khô cạn, cũng như nắng nóng và hạn hán kỷ lục đã hạn chế sản xuất thủy điện và hạt nhân. Biến đổi khí hậu đang làm cho các sự kiện thời tiết khắc nghiệt có nhiều khả năng xảy ra hơn.

Cân bằng thủy văn ở dãy Alps - hay lượng năng lượng được lưu trữ trong các hồ chứa và băng tuyết so với định mức theo mùa - đã cho thấy mức thâm hụt lớn nhất kể từ năm 2017 vào thời điểm trong năm. Thời tiết nắng nóng có thể thúc đẩy nhu cầu khí đốt để làm mát và nếu sông Rhine khô cạn trở lại, nó có thể làm gián đoạn quá trình vận chuyển các sản phẩm than và dầu tới Đức.

Rủi ro từ Nga

Tỷ lệ của Nga trong tổng nhu cầu khí đốt ở EU đã giảm xuống dưới 10% vào cuối năm ngoái từ mức 40% vào năm 2021 do hầu hết các quốc gia chuyển sang các lựa chọn thay thế như LNG của Mỹ. Ngay cả nguồn cung cấp ít ỏi đó, đặc biệt là phần đến từ các đường ống dẫn qua Ukraine, vẫn thường xuyên gặp rủi ro khi xung đột Nga-Ukriane bước sang năm thứ hai.

Trong khi lưu lượng khí đốt qua đường ống đã giảm, việc nhập khẩu LNG từ Nga đã tăng mạnh. Nhưng hiện nay, đang có áp lực ngày càng tăng đối với các công ty châu Âu trong việc chấm dứt các giao dịch mua này. Một số nước như Anh và các quốc gia vùng Baltic đã cấm nhập khẩu những mặt hàng này. EU đang nhắm mục tiêu cho phép các thành viên làm theo nhưng không thực hiện bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào hoặc công bố các biện pháp cụ thể.

Leo Kabouche, nhà phân tích tại Energy Aspects Ltd, cho biết, Nga chiếm 14% tổng lượng nhập khẩu LNG của châu Âu vào năm ngoái. Nếu khu vực cấm các dòng chảy đó, tổn thất sẽ là “đáng kể và sẽ vô cùng khó khăn để thay thế”.

Phó tổng giám đốc phụ trách năng lượng của Ủy ban châu Âu Matthew Baldwin cho biết, khả năng nguồn cung từ Nga bị cắt đứt hoàn toàn, nguy cơ phá hoại cơ sở hạ tầng hoặc ngừng hoạt động ngoài kế hoạch tại các dự án lớn trong năm nay - cũng như sự cạnh tranh với Trung Quốc - có thể khiến thị trường khí đốt chịu áp lực một lần nữa.

Tin bài liên quan