Nhiều nhà đầu tư có thói quen tái cơ cấu danh mục vào dịp cuối năm âm lịch. Ảnh: Thành Nguyễn.

Nhiều nhà đầu tư có thói quen tái cơ cấu danh mục vào dịp cuối năm âm lịch. Ảnh: Thành Nguyễn.

Cuối năm tính chuyện tái cơ cấu danh mục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện tại đang là thời điểm nhiều nhà đầu tư tính tới việc tái cơ cấu danh mục, khép lại một năm nhiều biến động.

Thói quen “khóa sổ”

“Tôi đang tính sẽ cơ cấu lại danh mục, phần vì một số cổ phiếu có lãi đã chốt lời và nhận tiền về tài khoản, phần vì có cổ phiếu hầu như bất động, hoặc có vẻ kém tiềm năng trong thời gian tới”, anh Công, nhà đầu tư tham gia thị trường được hơn 1 năm chia sẻ.

Lý giải về điều này, anh Công cho biết, việc cơ cấu lại danh mục như một hành động khép lại năm cũ, chuẩn bị cho năm mới với những kỳ vọng tốt hơn. Kể cả việc thanh lý các cổ phiếu đang lỗ nhẹ thì tài khoản của anh vẫn giữ được màu xanh, mang đến cảm giác may mắn cho năm mới âm lịch.

“Mục đích của tôi là bán đi những cổ phiếu không còn dư địa tăng giá, còn việc mua mới sẽ được thực hiện khi tìm được cổ phiếu tốt, giá hợp lý. Tuy nhiên, nếu việc bán ra buộc phải thực hiện trước Tết thì việc mua mới lại không vội và có thể diễn ra từ nay đến hết quý I/2022”, anh Công cho biết thêm.

Tương tự, chị Huyền, một nhà đầu tư mới (F0) khác cho hay, danh mục của chị đang có 2 mã cổ phiếu là TCB và HPG, mức lỗ hiện tại lần lượt là 11% và 14%. Đây là 2 mã chị xác định sẽ bán trong thời gian trước Tết Nguyên đán, dù lãi hay lỗ. Lý do là bởi hai mã này chị đã giữ vài tháng nay, mua nhiều lần theo nguyên tắc trung bình giá và kỳ vọng vào khả năng sớm tăng trở lại, nhưng niềm tin đó hiện giảm dần.

“Tôi đồng tình với quan điểm đánh giá TCB và HPG là cổ phiếu tiềm năng, nhưng đây cũng là những mã “nặng nề”, cần xác định nắm giữ trung và dài hạn mới có thể lãi cao. Trước đây, khi chọn TCB và HPG, tôi theo quan điểm đầu tư giá trị, nhưng thực tế năm qua cho thấy, những cổ phiếu nhỏ mang lại nhiều lợi nhuận, trong khi không ít cổ phiếu trụ tăng không đáng kể, thậm chí thua lỗ. Đó là lý do tôi quyết định chuyển hướng sang đầu tư ngắn hạn trong năm mới”, chị Huyền nói.

Trong khi đó, nhà đầu tư Ngọc Mai cho rằng, thị trường chứng khoán đang vận hành không theo quy luật cụ thể, không ít cổ phiếu mà nền tảng doanh nghiệp không có điểm nổi bật, thậm chí “bết bát”, nhưng giá tăng gấp vài lần, trong khi cổ phiếu của một bộ phận doanh nghiệp mạnh lại “lình xình”.

Do đó, thay vì giữ phần lớn tỷ trọng cổ phiếu theo chiến lược đầu tư giá trị, chị Mai sẽ chuyển hướng nhiều hơn sang các cổ phiếu có dấu hiệu tạo sóng, bất kể thuộc doanh nghiệp nào.

“Rủi ro cao khi tập trung vào các cổ phiếu đầu cơ, nhưng thà như vậy còn hơn ôm cổ phiếu cơ bản mà nhìn danh mục có sắc đỏ chiếm ưu thế. Tâm lý rất chán! Tôi có cảm giác các cổ phiếu trụ, nhất là cổ phiếu trong nhóm VN30 hiện tại chủ yếu được dùng để gồng, hoặc đạp thị trường, qua đó hưởng lợi khi giao dịch trên sàn phái sinh, khiến cho cổ phiếu lớn trở nên kém hấp dẫn”, chị Mai nhận xét.

Liên quan đến cổ phiếu trụ, theo ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Smart Invest, thị trường phái sinh có những “nhà tạo lập” và vào những phiên đáo hạn, nhóm tạo lập thường tác động vào chỉ số cơ sở thông qua giao dịch một số mã cổ phiếu có ảnh hưởng đến chỉ số.

Có phiên tích cực (tăng giá), có phiên tiêu cực (giảm giá), nhưng khi chỉ số bị tác động sẽ khiến thị trường biến động khó lường và các nhà đầu tư nhỏ lẻ xuất hiện cảm giác không được bảo vệ.

Việc nhà đầu tư lớn bán mạnh cổ phiếu thuộc VN30 để đạp chỉ số phái sinh và hưởng lợi từ vị thế bán hợp đồng tương lai trước đó làm nảy sinh tâm lý ác cảm với thị trường chứng khoán phái sinh của đông đảo nhà đầu tư khác. Các mã cổ phiếu lớn bị “vạ lây” vì trở thành công cụ để “lái” chỉ số.

Không cần vội vã

Như một thói quen của việc tổng kết thành quả, cuối năm là thời điểm nhiều nhà đầu tư thực hiện tái cơ cấu danh mục, trong đó phổ biến là hoạt động chốt lãi, cắt lỗ để dồn tiền về tài khoản, có thể rút ra một phần hoặc sẵn sàng mua vào những cổ phiếu tiềm năng.

Việc tái cơ cấu danh mục cần được xem xét kỹ trên nhiều phương diện, trong đó quan trọng nhất là diễn biến của thị trường.

Theo một chuyên gia phân tích, quan sát diễn biến thị trường nhiều năm qua, động thái tái cơ cấu danh mục cuối năm diễn ra khá phổ biến, nhất là với các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu danh mục cần được xem xét kỹ trên nhiều phương diện, trong đó quan trọng nhất là diễn biến của thị trường.

Vị chuyên gia khuyến nghị, hiện nay, thị trường chưa có xu hướng tăng/giảm rõ rệt. Những lúc như thế này, nhà đầu tư nên giữ tỷ lệ danh mục cổ phiếu vừa phải trên tổng tài sản ròng. Sau đó, đợi đến khi thị trường có xu hướng rõ ràng hơn, có thể nhận biết được thì thực hiện các hoạt động mua - bán.

Thị trường luôn có nhiều cổ phiếu tiềm năng, do đó, nhà đầu tư cần tránh tâm lý vội vã, hoặc bị cảm xúc chi phối khi giao dịch. Nhà đầu tư nên biết rằng, kể cả khi thị trường tăng trưởng, hình thành xu hướng rõ nét thì vẫn có nhiều cổ phiếu “chạy” sau, nên chậm tham gia cũng chưa muộn. Mua cổ phiếu khi giá tăng thường có cơ hội thu lời cao hơn là mua khi giá giảm rồi chờ đợi giá phục hồi.

Về triển vọng thị trường nửa đầu năm 2022, vị chuyên gia nhận định, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, hưởng lợi từ đầu tư công sẽ đóng vai trò dẫn dắt. Trong đó, cổ phiếu chứng khoán tăng trưởng gần như tuyệt đối trong 2 năm qua nên các công ty chứng khoán sẽ tăng trưởng theo quy mô thị trường và mang đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.

Quay trở lại vấn đề tái cơ cấu danh mục cuối năm, anh Thế Hùng, một nhà đầu tư lâu năm nhìn nhận, tâm lý phải tái cơ cấu danh mục bằng được vào thời điểm hiện tại có thể đặt nhà đầu tư vào một thứ áp lực quá lớn, dễ xảy ra tình trạng khiên cưỡng trong việc mua - bán, dẫn tới thời điểm giao dịch không thực sự phù hợp.

Theo anh Hùng, trong khi đám đông thích bán ra để chốt lời, rút tiền ra, hoặc đợi sau Tết Nguyên đán sẽ tìm chọn cổ phiếu để mua vào, hay trường hợp cố cắt lỗ để làm đẹp danh mục sẽ mang đến cơ hội cho các nhà đầu tư muốn đi ngược xu hướng.

“Vài năm gần đây, tôi thường thực hiện chốt lời từ tháng 10, tháng 11 dương lịch đối với các cổ phiếu không còn dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng giá sẽ kéo dài. Sau đó, tôi đợi đến thời điểm áp Tết sẽ thực hiện mua vào các cổ phiếu đã bán ra trước đó, nếu giá giảm xuống mức thấp”, anh Hùng nói và cho hay, các giao dịch của anh trong thời gian trước Tết chủ yếu là lướt sóng, trong khi với nhiều người khác, việc lướt sóng thường được thực hiện ở các tháng khác trong năm. Tuy nhiên, giai đoạn nghỉ Tết cổ truyền, anh không hoàn toàn nắm giữ tiền mặt, dù thế giới có thể xuất hiện các sự kiện tác động mạnh, mà sở hữu một số cổ phiếu tốt, kỳ vọng sau Tết giá sẽ tăng. Thống kê cho thấy, những phiên sau Tết, thị trường thường tăng điểm.

Tin bài liên quan