“Cuộn sóng” buôn lậu xăng dầu trên biển

Lợi nhuận lớn chính là nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu ngày càng phức tạp.

Tàu Hòa Bình 06 bị phát hiện chở khoảng 70.000 lít dầu DO không đủ giấy tờ hợp pháp

Tàu Hòa Bình 06 bị phát hiện chở khoảng 70.000 lít dầu DO không đủ giấy tờ hợp pháp

Ngày càng phức tạp

Mới đây nhất, ngày 14/9, tại Vịnh Sao Mai, Bến Định, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển, lực lượng chức năng thuộc Tổ công tác của Cụm trinh sát số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã phát hiện tàu “Hòa Bình 06” mang biển số BV-1199 có dấu hiệu nghi vấn.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định, con tàu này thuộc Doanh nghiệp tư nhân Xăng dầu Hòa Bình (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do ông Đỗ Văn Hạnh làm thuyền trưởng. Trên tàu có 3 người không thuộc danh sách thuyền viên, không có giấy tờ chứng chỉ chuyên môn.

Đặc biệt, tàu chở khoảng 70.000 lít dầu DO, nhưng không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng và không có giấy phép khi rời cảng cuối cùng.

Trước đó, cuối tháng 8/2014, Tổ công tác cơ động thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm miền Nam (Cục Phòng chống tội phạm, Bộ đội Biên phòng) phát hiện, bắt giữ 2 tàu vận chuyển trên 500.000 lít xăng A92 và dầu DO không có giấy tờ hợp lệ trên khu vực luồng hàng hải TP.HCM.

Cụ thể, Tổ công tác kiểm tra tàu Mỹ Hòa 03-AG10558H do ông Trần Minh Chúc làm thuyền trưởng và phát hiện tàu đang vận chuyển 240.000 lít xăng A92 và 80.000 lít dầu DO. Theo khai báo ban đầu của thuyền trưởng, số hàng hóa trên tàu Mỹ Hòa 03 được nhận ngày 21/8/2014. Ông Chúc là người nhận hàng, nhưng trong lệnh điều động lại thể hiện tên người khác. Lực lượng xác định, giấy tờ kèm theo lô hàng vận chuyển trên tàu hoàn toàn không hợp lệ.

Cùng ngày, cũng tại khu vực trên, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra tàu PV Oil Trans 04-SG6413 do ông Nguyễn Tiến Vũ làm thuyền trưởng và phát hiện tàu chở 240.000 lít dầu DO. Theo khai báo ban đầu của thuyền trưởng, số hàng trên được nhận vào ngày 21/8/2014, với Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ số 000415 ngày 13/8/2014 của Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè có dấu hiệu bị tẩy xóa; Biên bản giao nhận hàng hóa có số niêm phong không trùng khớp với thực tế niêm phong hầm hàng của tàu.

Bên cạnh đó, cũng phải nhắc tới việc Tổng cục Hải quan phối hợp với Tổng cục An ninh II (Bộ Công an) triệt phá đường dây buôn lậu xăng dầu của Nguyễn Trường Sơn (biệt danh Sơn “sắt”), Phó giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn (trụ sở tại số 9 - Triệu Quốc Đạt, TP. Thanh Hóa) buôn lậu xăng dầu lên đến hàng chục ngàn tấn.

Theo ông Trịnh Quang Khanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, hoạt động buôn lậu xăng dầu đang diễn ra ở nhiều nơi, nhưng “nóng” nhất tại các vùng biển Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng biển các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo các lực lượng chấp pháp, các đối tượng buôn lậu ngày càng có những thủ đoạn tinh vi, táo bạo, có tổ chức như: lập nhiều công ty, thuê nhiều đối tượng vận chuyển cộm cán hộ tống, cải trang thành tàu cá vận chuyển xăng dầu lậu... Ngoài ra, các tàu buôn lậu đều có bộ chứng từ “khống”, khi bị bắt thì nhanh chóng hoàn thiện bộ chứng từ này để đối phó với lực lượng chức năng...

Nhận diện nguyên nhân

Lợi nhuận lớn chính là nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu ngày càng phức tạp. So với các nước cùng chung biên giới đường biển, giá xăng dầu, đặc biệt là giá dầu diezel tại Việt Nam thường cao hơn Malaysia, Indonesia và thấp hơn Thái Lan, Campuchia, Lào và Trung Quốc… Mặt khác, với khoản thuế, phí đang chiếm khoảng 43% giá xăng dầu, chỉ riêng việc trốn thuế, phí xăng dầu đã mang lại lợi nhuận 43% cho đối tượng buôn lậu.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng nhận định, buôn lậu xăng dầu gia tăng do chênh lệch giá quá lớn, từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/lít dầu diezel bán tại thị trường trong nước. Chỉ tính riêng tỉnh Kiên Giang, theo thông tin từ các doanh nghiệp xăng dầu, lượng xăng dầu cho đánh bắt hải sản khoảng 250.000 m3/năm và hầu như đều sử dụng xăng dầu từ nguồn nhập lậu trên biển. Riêng khoản xăng dầu lậu này đã gây thất thu cho ngân sách khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.

Điển hình là trong vụ buôn lậu của Công ty TNHH Hoàng Sơn, trung bình mỗi tháng, công ty này nhập lậu vào thị trường nội địa 5.000-10.000 tấn xăng dầu. Tạm tính thuế nhập khẩu theo giá thời điểm hiện nay, các đối tượng đã trốn khoảng 20-25 tỷ đồng/tháng. Tính cả chuyên án, công ty này đã trốn thuế tới hàng chục triệu USD.

Hay trong vụ tàu Nang Nual 27 (Thái Lan) nhận dầu từ một tàu lớn ở khu vực biển Singapore bán cho tàu Ninh Thuận NT90139TS, tàu Ninh Thuận NT90139TS mua dầu của tàu Nang Nual 27 với giá 18.000 đồng/lít, chở về Hòn Khoai (Cà Mau) bán giá 22.000 đồng/lít, lãi 4.000 đồng/lít. Trung bình một năm, tàu Ninh Thuận NT90139TS nhập lậu 600.000 lít, kiếm lời tới 240 tỷ đồng.

Một nguyên nhân khác, theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, là do một số sơ hở về chính sách. Vì vậy, liên bộ Tài chính, Công an, Công thương đang đề nghị cả Bộ Quốc phòng tham gia sửa đổi Thông tư liên tịch 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA về hướng dẫn chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường.

Theo quy định hiện nay, đối với một số loại hàng hóa, phương tiện, khi các lực lượng chức năng tạm giữ phương tiện vận chuyển chưa có hóa đơn chứng từ, thì lực lượng chức năng còn phải đi xác minh trong thời gian 72 giờ. Quy định này dễ tạo kẽ hở vì đối tượng có đủ thời gian để hợp thức hóa hóa đơn, chứng từ cho hàng lậu.

Mới đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Ban chỉ đạo 389 kiến nghị, các cơ quan quản lý rà soát lại những văn bản quy phạm pháp luật chưa đủ chặt chẽ, dễ bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng. Đồng thời, cần tổ chức lại lực lượng chống buôn lậu xăng dầu trên biển phù hợp với điều kiện, tình hình hiện nay, có thể dưới hình thức Ban Chống buôn lậu xăng dầu trên biển để thống nhất phối hợp giữa các cơ quan chức năng chống buôn lậu.

Tin bài liên quan