Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Cushman & Wakefield: Thị trường bất động sản Việt Nam có tất cả những thuộc tính thể hiện ​​sự tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Góc nhìn trên được Cushman & Wakefield đưa ra trong báo cáo mới đây về thị trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Cushman & Wakefield cho biết, trong một sự kiện có sự tham gia của 80 nhà đầu tư tổ chức lớn trên thế giới do đơn vị này tổ chức cách đây 2 tháng, khi thăm dò ý kiến của các lãnh đạo công ty về các thị trường đầu tư bất động sản ưa thích, câu trả lời đa số gọi tên Nhật Bản, Úc và Việt Nam.

Trong đó, tâm lý tích cực dành cho Việt Nam là nhờ lĩnh vực sản xuất đang phát triển nhanh và các chỉ số cơ bản tiềm năng như dân số trẻ, tỷ lệ đô thị hóa nhanh và tầng lớp trung lưu đang trên đà tăng trưởng.

Theo Cushman & Wakefield, công nghiệp và hậu cần là loại tài sản được ưu tiên. Cùng với đó, nhà đầu tư cũng sẽ xem xét tài sản văn phòng hạng A tiềm năng.

Bên cạnh thị trường văn phòng, căn hộ chung cư hoặc nhà xây để cho thuê đang trở thành loại tài sản được tìm kiếm nhiều hơn ở nhiều thành phố trên thế giới.

“Các nhà đầu tư luôn tìm đến những khu vực đang thể hiện ​​sự tăng trưởng, như chỉ số kinh tế tích cực, dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang phát triển và quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Việt Nam có tất cả những thuộc tính đó, cộng với tốc độ tăng trưởng GDP cao và ổn định. Tất cả những yếu tố đó chính là động lực cho sự phát triển của tất cả các lĩnh vực bất động sản”, Cushman & Wakefield nhấn mạnh.

Lấy ví dụ rộng hơn, Cushman & Wakefield cho biết, các nhà đầu tư sẽ luôn tìm kiếm một nơi an toàn để đầu tư mang lại sự tăng trưởng. Nếu cơ sở hạ tầng được thiết lập để cho phép đầu tư, bạn sẽ thấy sự tăng trưởng vượt bậc ở các thị trường như Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. Việt Nam sẵn có các động lực tăng trưởng và có thể trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn nữa nếu không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

Cushman & Wakefield cho biết thêm, điều thú vị khác là có nhiều điểm tương đồng giữa cách các nhà đầu tư tổ chức tiếp cận thị trường Ấn Độ và Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư tổ chức lớn đã gia nhập thị trường Ấn Độ thông qua việc hợp tác với các nhà phát triển và doanh nghiệp địa phương. Các thị trường mới nổi rất đa sắc thái và phức tạp, vì vậy các nhà đầu tư cần thành lập quan hệ đối tác với doanh nghiệp địa phương để hỗ trợ trong việc xin giấy phép, tìm nguồn nguyên liệu và tìm kiếm nhân tài. Đó là cách dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư tổ chức, vì vậy những mối quan hệ hợp tác sẽ tiếp tục đà phát triển trong lúc thị trường Việt Nam dần trưởng thành.

Tin bài liên quan