Cựu Chủ tịch HĐQT Sabeco: "Lỗi duy nhất là quá năng nổ, nhiệt tình"

Cựu Chủ tịch HĐQT Sabeco: "Lỗi duy nhất là quá năng nổ, nhiệt tình"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trả lời HĐXX, ông Tuất đáp: “Tôi nghĩ trong quá trình làm việc, lỗi duy nhất là quá năng nổ, nhiệt tình. Lẽ ra phải chờ thời gian. Bởi vì Bộ Công thương thúc ép..."

Chiều 22/4, HĐXX tiếp tục thẩm vấn các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Có 10 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ thuộc Bộ Công thương và UBND TPHCM hầu tòa trong vụ án sai phạm chuyển nhượng đất vàng số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM.

Trong vụ án này, ông Phan Đăng Tuất, cựu Chủ tịch HĐQT, ban quản lý vốn nhà nước giai đoạn 2012 - 2015 đã ký một số văn bản báo cáo lựa chọn nhà đầu tư. Ông Tuất không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trước đó, vào năm 2007, Sabeco hợp tác với Sabeco Land để triển khai dự án tại 2-4-6 Hai Bà Trưng nhưng “quá tầm” vì tiền nộp sử dụng đất 1.236 tỷ đồng, Công ty không đủ tài chính.

Mặc dù năm 2012, Chính phủ có nghị quyết 26 về thoái vốn ngoài ngành nhưng ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công thương), Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương, đang trốn nã) tiếp tục chỉ đạo Sabeco thực hiện đầu tư dự án bất động sản.

Ngày 23/4/2014, Sabeco có công văn số 10 đề xuất để Sabeco thực hiện dự án với nhóm nhà đầu tư mới để thành lập Sabeco Pearl, Sabeco cũng chuyển giao quyền sử dụng đất trên cho Sabeco Pearl.

Quá trình thực hiện xảy ra sai phạm, Sabeco thoái vốn giá rẻ, dẫn đến đất vàng rơi vào tay tư nhân, nhà nước bị thiệt hại hơn 2.700 tỷ đồng.

Trả lời HĐXX, ông Tuất khai nhận Sabeco là tổng công ty duy nhất được gọi là giàu có nhưng không có văn phòng và phải đi thuê. Tiền thuê cũng là tiền ngân sách. Sabeco coi trách nhiệm là phải nhanh chóng có văn phòng. Khi Sabeco Land rút lui khỏi dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, có các nhà đầu tư mới đến thì rất phấn khởi.

Ông Tuất khai ký công văn số 10 có tham khảo các công ty khác ngành công thương. Sau khi Bộ Công thương chấp thuận, Sabeco tiến hành gặp gỡ các nhà đầu tư, dự thảo hợp đồng.

“Tôi chỉ ngồi dự lần đầu khi các bên chào nhau, sau đó bàn thảo thực hiện hợp đồng, điều kiện, điều khoản… Việc thương thảo dự án dựa trên cơ sở dự án cũ.

Nhắc đến văn bản gửi UBND TP.HCM đồng ý cho Sabeco Pear thực hiện nghĩa vụ tài chính, ông Tuất cho biết, sau khi hoàn tất hồ sơ với nhà đầu tư thì Sabeco làm hợp đồng hợp tác liên doanh và nộp cho UBND xin triển khai dự án. Ông Tuất thừa nhận việc ký công văn là không đúng thẩm quyền vì khi đó, người đại diện pháp luật đi vắng.

“Sabeco nộp hồ sơ nhưng hơn 1 tháng sau vẫn chưa thấy hồi âm. Bộ Công thương giục giã chúng tôi phải nhanh chóng thực hiện dự án…”, ông Tuất phân trần.

Ông Tuất nói thêm: “Ở Sabeco có thông lệ là cứ đi họp về đất đai thì gọi tôi. Tất cả công văn thành phố gửi Sabeco về đất đai đều gửi tôi, tôi đi dự”. Ông Tuất cũng cho biết, trước khi ban hành công văn để Sabeco Pear thực hiện nghĩa vụ tài chính, Sabeco có báo cáo Bộ Công thương.

Thẩm phán hỏi “Ông có suy nghĩ gì, thấy có trách nhiệm như nào?”. Ông Tuất đáp: “Tôi nghĩ trong quá trình làm việc, lỗi duy nhất là quá năng nổ, nhiệt tình. Lẽ ra phải chờ thời gian. Bởi vì Bộ Công thương thúc ép. Bộ giục cũng phải vì tiền phạt chậm nộp mỗi năm là 18,5 tỷ đồng. Sau 1 tháng nộp hồ sơ không thấy hồi đáp chúng tôi nóng vội…”.

Thẩm phán hỏi: Chính phủ có nghị quyết 96 nhưng ông vẫn tiếp tục triển khai với dự án này. Với đại diện phần vốn nhà nước phải thực hiện quy định với Chính phủ, ông không thể nói là do lịch sử để lại được.

Ông Tuất nói: "Tôi không nói không có lỗi. Mong tòa xem xét bối cảnh. Chúng tôi tâm niệm thực hiện dự án để có văn phòng làm việc. Chúng tôi tin ở Bộ. Sơ suất của chúng tôi là không có bộ phận pháp chế mạnh để có ý kiến phản hồi".

Tòa hỏi ông Tuất về việc tại sao Sabeco làm dự án để lấy trụ sở văn phòng nhưng khi liên doanh, liên kết, Sabeco lại thoái vốn, bán tài sản?

"Tôi chỉ tham gia khâu đầu, đến tháng 6/2015, tôi đã rút về Bộ", ông Tuất nói.

Về việc thành lập Sabeco Pearl có vi phạm không, ông Tuất cho biết: "Chúng tôi ở doanh nghiệp phải tham gia làm kinh doanh, hoàn toàn tin tưởng vào tham mưu của bộ, thành phố".

Đại diện CTCP Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Sabeco Pearl) cho biết, hiện nay đơn vị đang quản lý khu đất vàng trên. Các cổ đông tham gia công ty từ tháng 4/2017 thì chưa được 1 năm có việc khởi tố vụ án. Từ đó đến nay, khu đất đó để trống, không được triển khai, thiệt hại lớn cho Công ty.

“Chúng tôi xem xét hồ sơ, toàn bộ văn bản của nhà nước đều là thật, là đúng. Chúng tôi tin tưởng vào các văn bản đó. Khi chúng tôi tham dự tòa mới phát hiện có nhiều tình tiết diễn ra giữa các cơ quan quản lý khác nhau, không liên quan đến chúng tôi. Đề nghị tòa án xem xét bảo vệ quyền lợi của chúng tôi”, vị này nói thêm.

Tin bài liên quan