Cứu doanh  nghiệp, cần cái nhìn sòng phẳng

Cứu doanh nghiệp, cần cái nhìn sòng phẳng

(ĐTCK) Trước quan điểm của các DN cho rằng ngân hàng quá khắt khe, nhiều nhà băng đã lên tiếng cho rằng, cứu DN chính là cứu bản thân ngân hàng.

"Tiêu chuẩn cho vay hiện nay không khác nhiều so với trước"

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB).

 

Vì thế, việc giảm lãi suất khoản vay cũ về 15%/năm cũng như cơ cấu lại nợ không phải là ban phát hay xin cho, mà nhà băng sẽ chủ động tháo gỡ khó khăn cho các DN, giúp khách hàng trả được nợ cũ. 

Theo tôi, tiêu chuẩn cho vay hiện nay cũng không khác nhiều so với trước đây, song do trước bối cảnh thị trường khó khăn, nợ xấu gia tăng thì ngân hàng phải thận trọng hơn.

Nhưng cái khó nhất trong phát triển tín dụng hiện nay không hẳn chỉ là lãi suất. Cái mà DN cần hơn là tìm được phương án đầu ra, tìm được thị trường và tăng sức mua. Nếu không có phương án kinh doanh, không có thị trường để tiêu thụ thì giảm lãi suất đối với DN cũng vô nghĩa. Bởi chi phí vốn tín dụng chỉ đi sau các kế hoạch trên.

Tuy nhiên, việc giảm lãi suất là cần thiết để cứu DN. Vì thế, khi cho vay mới, chúng tôi luôn ưu đãi lãi suất cho khách hàng. OCB cũng phải hy sinh một phần lợi nhuận để chia sẻ khó khăn cho DN, bởi cứu DN cũng chính là cứu bản thân Ngân hàng. Đến thời điểm này, OCB đã giảm lãi suất cho 379 khế ước cũ và 4 đối tượng khách hàng ưu tiên. Ngân hàng cũng đã điều chỉnh lãi suất khoản vay cũ về 15%/năm kể từ ngày 16/7.

 

“DN phải trao đổi thẳng thắn với ngân hàng để gỡ khó"

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank

 

Quan điểm chỉ đạo của NHNN với các NHTM là giảm lãi suất khoản vay cũ xuống 15%/năm, theo tôi cũng là giải pháp tốt cho chính các ngân hàng. Bản thân nhà băng cũng phải xem xét lại mình để chủ động tìm giải pháp cùng chia sẻ với DN, chấp nhận giảm lãi để giúp ngân hàng có thanh khoản hơn.

Tại DongA Bank, không phải đến ngày 15/7, mà kể từ tháng 4/2012, Ngân hàng đã giảm lãi suất các khoản vay cho khối DN bất động sản, sản xuất xuống mức 15%/năm. Khi chúng tôi làm việc với DN bất động sản luôn thống nhất phương án giải quyết đầu ra. Do đó, DongA Bank sẵn sàng cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, với lãi suất năm đầu tiên là 12%/năm. Tuy nhiên, DN bất động sản cũng phải có các giải pháp kích cầu như giảm giá bán phù hợp với thị trường. Đến ngày 2/8, dư nợ bất động sản của DongA Bank đã giảm dần, chiếm tỷ lệ khoảng 15% trong tổng dư nợ của Ngân hàng.

Theo tôi, DN cũng cần trao đổi cụ thể với lãnh đạo ngân hàng để xem khó khăn chỗ nào thì tháo gỡ chỗ đó, phải trao đổi thẳng thắn mới giải quyết được vấn đề, không thể nói ngân hàng khắt khe.

 

“Cơ cấu nợ cũng như giảm lãi suất không phải ban phát, xin cho” 

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank

 

Bản thân ngân hàng cũng là DN, nên đòi hỏi cả hai bên phải có sự kết nối mới có thể giải quyết được vấn đề. Với Vietcombank, chúng tôi luôn cố gắng chia sẻ với cộng đồng khách hàng DN, vì giúp DN cũng chính là giúp ngân hàng. Hiện bên cạnh việc giảm lãi suất khoản vay cũ, chúng tôi còn đưa ra nhiều gói vốn mới lãi suất ưu đãi chỉ xoay quanh 11 - 13%/năm cho các DN. Ngoài ra, Vietcombank còn cơ cấu lại nợ cho khách hàng. Quan điểm của chúng tôi về cơ cấu nợ cũng như giảm lãi suất khoản vay cũ cho khách hàng DN là không phải ban phát, xin cho, mà nếu cố gắng thực hiện tốt sẽ cơ cấu lại ngay cho khách hàng.

 

“Nếu cấp dưới không giải quyết được thì phải truyền tải đến lãnh đạo cao nhất”

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank

 
Sau  khi NHNN có chỉ thị giảm lãi suất khoản vay cũ, toàn hệ thống Sacombank được chỉ đạo rà soát để giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giãn nợ. Tính đến nay, chúng tôi đã cơ cấu hơn 1.500 tỷ đồng nợ cho DN. Riêng các khoản vốn vay cũ đã điều chỉnh về mức 15%/năm, với tổng dư nợ hơn 8.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sacombank đã triển khai nhiều gói vốn lãi suất ưu đãi, hỗ trợ DN. Chẳng hạn, với gói 2.000 tỷ đồng triển khai trong ngày 10/7, lãi suất chỉ 13%/năm. Ngày 26/7, chúng tôi còn triển khai tiếp gói tín dụng 1.000 tỷ đồng, lãi suất 13 -14%/năm.

Ngoài ra, Sacombank còn hỗ trợ vốn cho các nhà phân phối của các công ty sản xuất để giải quyết hàng tồn kho của DN. Tôi cho rằng, các DN nên trao đổi thẳng thắn, cởi mở với lãnh đạo ngân hàng. Nếu cấp dưới không giải quyết được thì phải truyền tải đến lãnh đạo cao nhất giải quyết. Bởi thực tế hiện nay, nhiều chi nhánh ngân hàng chưa hiểu hết vấn đề nên đã từ chối hỗ trợ DN.

 

 Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, tăng trưởng dư nợ tín dụng của các NHTM trên địa bàn TP. HCM bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại kể từ cuối quý II và đầu quý III so với tình trạng âm trong 6 tháng qua. Nhưng trong đó, các ngân hàng cũng tập trung vốn chủ yếu cho 4 lĩnh vực ưu tiên là sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, nông thôn và công nghiệp phụ trợ. Lãi suất ưu đãi và mức 11 - 13%/năm đã được nhiều NHTM triển khai. Bên cạnh đó, các NHTM trên địa bàn Thành phố cũng  tích cực cơ cấu lại nợ trong 6 tháng qua, với tổng dư nợ cơ cấu trong tháng 6 qua là khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng. Đồng thời, các ngân hàng cũng đã tích cực triển khai chỉ thị giảm lãi suất khoảng vay cũ về 15%/năm kể từ ngày 15/7. Các khoản vay này chiếm khoảng 70% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. HCM.