Ảnh minh họa: Corbis

Ảnh minh họa: Corbis

Đã đến lúc khởi động việc mua vào

(ĐTCK-online) Mặc dù chưa có những dấu hiệu chắc chắn để kết luận rằng xu hướng giảm đã chấm dứt, nhưng với tình trạng hiện tại của thị trường thì thái độ thận trọng đã có thể giảm bớt và việc mua vào nên được khởi động lại ở những mã cổ phiếu đã bị giảm giá mạnh trong giai đoạn vừa qua và có nền tảng cơ bản tốt.

Sự liên quan giữa khối lượng và giá

Khối lượng thường đi trước giá và được xem là động lực tăng trưởng chính của giá. Dòng tiền được bơm vào thị trường sẽ được thể hiện qua khối lượng khớp lệnh và đặt lệnh. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xem xét mối liên hệ giữa giá và khối lượng khớp lệnh thực tế.

Khi giá đang trong một xu hướng xuống (downtrend) thì việc khối lượng tăng trưởng sẽ là dấu hiệu cho thấy đà giảm giá có thể sẽ được hãm lại nhờ vào lực cầu bắt đáy (bottom-fishing). Thông thường, trong trường hợp này sẽ có một độ trễ nhất định giữa sự phục hồi khối lượng và phục hồi của giá.

Trong một xu hướng giá tăng (uptrend), mối liên hệ này sẽ phức tạp hơn. Nếu khối lượng gia tăng một cách từ từ cùng với giá thì sẽ là sự hỗ trợ cho đà tăng trưởng. Tuy vậy, nếu có sự gia tăng một cách đột biến (thường là trên 150% khối lượng trung bình 20 phiên) thì có khả năng đó là sự chốt lời đồng loạt của những nhà đầu tư.

Khi giá đạt đến một tầm cao nhất định sẽ kích thích lòng tham của những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu do lợi nhuận kỳ vọng đã đạt được. Điều này sẽ dẫn đến hành động chốt lời mạnh khiến cho thanh khoản đột ngột gia tăng. Vậy nếu khối lượng duy trì ở mức thấp thì có tốt hay không? Điều này cần được xem xét dưới nhiều khía cạnh.

Nếu giá đang trong xu hướng giảm dài hạn và vừa trải qua một đợt sụt giảm bất ngờ (thrust down) thì việc khối lượng liên tục duy trì ở mức dưới trung bình lại là tích cực. Vì điều này cho thấy lượng cung giá thấp đang cạn kiệt và nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu hạn chế bán ra (do mức thua lỗ đã khá nghiêm trọng).

Nếu xét trong bối cảnh một xu hướng tăng trưởng hay sideway ổn định thì việc sụt giảm trong khối lượng giao dịch hàng ngày cho thấy dòng tiền đang yếu đi và có thể là dấu hiệu của một chu kỳ điều chỉnh sắp bắt đầu.

 

Tình hình hiện nay

Phiên giao dịch ngày 10/05/2011, khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt 14,6 triệu đơn vị, là mức thấp nhất kể từ 05/05/2009. Trên HNX-Index, khối lượng cũng duy trì ở mức thấp, dù không có kỷ lục nào được thiết lập.

Đây là hệ quả của cả một quá trình sụt giảm kéo dài từ ngày 14/12/2010 chứ không chỉ là diễn biến nhất thời. Một lần nữa chúng ta lại thấy rõ tính chất đi trước khá điển hình của khối lượng. Vào giai đoạn trung tuần tháng 12/2010, giá vẫn chưa chấm dứt đà tăng nhưng khối lượng đã bắt đầu đi xuống một cách rõ rệt. Hai tháng sau đó (tháng 02/2011), giá mới bắt đầu sụt giảm và kết quả là một xu hướng giảm giá (downtrend) kéo dài cho tới nay vẫn chưa chấm dứt.

Xu hướng VN-Index
Xu hướng VN-Index

Chúng tôi cho rằng, chỉ khi nào khối lượng giao dịch tăng trở lại một cách vững chắc (với HOSE là 25 - 35 triệu CP/phiên, với HNX là 23 - 27 triệu CP/phiên) thì giá mới có thể tạo đáy dài hạn. Mức hiện tại chỉ giúp cho giá không giảm sâu, chứ chưa thể hồi phục ngay được.

 

Tính chu kỳ của khối lượng

Khi quan sát sự biến thiên của khối lượng giao dịch trên TTCK Việt Nam qua nhiều năm, chúng tôi nhận thấy hai đặc điểm chính như sau:

Thứ nhất, một chu kỳ giảm thường kéo dài lâu hơn một chu kỳ tăng. Đây là điều mà Charles Dow cũng đã từng đề cập đến trong lý thuyết của mình.

Thứ hai, các chu kỳ tăng giảm (ngắn hạn) thường kéo dài gần với chu kỳ quý (3 tháng). Kết luận này dường như đúng nhiều hơn ở các chu kỳ giảm điểm. Mặc dù có thể bị vênh khoảng vài tuần, nhưng điều này sẽ giúp ích cho những nhà đầu tư lướt sóng tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.

Tương quan giữa VN-Index với KLGD
Tương quan giữa VN-Index với KLGD

Tính từ trung tuần tháng 12/2010 đến nay, khối lượng giao dịch đã sụt giảm trong thời gian gần 5 tháng liên tục. Vì vậy, tình trạng sụt giảm khối lượng có thể tiếp tục, nhưng sẽ không kéo dài quá lâu. Đáy khối lượng có thể rơi vào giai đoạn tháng 5/2011 đến tháng 8/2011.

Theo cách nhìn trên, việc vội vàng mua vào hiện nay là không cần thiết vì điểm rơi của đáy khối lượng là khá rộng. Chiến lược mua vào từ từ có lẽ là thích hợp nhất trong thời điểm này.

Nói tóm lại, mặc dù chưa có những dấu hiệu chắc chắn để kết luận rằng xu hướng giảm đã chấm dứt, nhưng với tình trạng hiện tại của thị trường thì thái độ thận trọng đã có thể giảm bớt và việc mua vào nên được khởi động lại ở những mã cổ phiếu đã bị giảm giá mạnh trong giai đoạn vừa qua và có nền tảng cơ bản tốt.