Đà Nẵng: hệ lụy khôn lường từ cơn sốt đất Hòa Vang

Đà Nẵng: hệ lụy khôn lường từ cơn sốt đất Hòa Vang

(ĐTCK) Cơn sốt đất đang diễn ra tại các xã thuộc huyện Hòa Vang, Đà Nẵng bất chấp mọi sự “phi lý” về thị trường thêm một lần nữa cho thấy những mỗi nguy hại rất lớn về an ninh trật tự xã hội được gây ra từ sự tự tung tự tác của giới “cò đất” bất lương.

Sốt đất nông thôn

Anh Tâm Đăng, một người dân tại Đà Nẵng cho biết, đầu năm 2018, do tài chính eo hẹp không đủ để mua đất khu vực trung tâm thành phố, anh quyết định lên khu vực thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang mua một lô đất diện tích 100m2 có mặt tiền đường liên thôn 3,5m với giá 350 triệu đồng để dành làm nhà ở sau này.

Đến sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, người chủ trước đây đã bán lại lô đất cho anh Đăng bất ngờ liên lạc hỏi xin mua lại. Sau khi thương lượng, cuối cùng anh Đăng đã đồng ý bán lại lô đất cho người chủ cũ với giá gần 1 tỷ đồng.

Anh Tâm Đăng kể:“ Thực tế, lô đất của tôi mua lúc đó có địa thế khá xấu, toàn tre già với bụi cây dại, rất khó để có thể làm nhà trên đó. Chưa kể gần đó toàn khu vực nghĩa địa. Suy tính thiệt hơn, thấy đất Hòa Tiến lên giá, tôi quyết định bán lại cho người chủ cũ. Lúc ra công chứng mua bán, người chũ củ còn nói đùa bảo tôi mua lô đất này của anh ấy không khác gì cho anh ấy vay nặng lãi, cắm lại cái sổ đỏ vậy”. 

 Một phòng công chứng tại Hòa Vang trở nên nhộn nhịp trong những ngày sốt đất. Ảnh: Ngọc Tân

Không riêng trường hợp anh Đăng, vợ chồng chị Phương Dung, một “đại gia” bất động sản tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam giữa năm 2018 cũng xuống tiền đầu tư một lô đất có diện tích 150m2 tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang với giá 350 triệu đồng.

Đến trước Tết Nguyên đán vừa qua, do cần vốn để đầu tư đất dự án tại thị xã Điện Bàn, vợ chồng chị đã quyết định bán lại lô đất nói trên cho một nhà đầu tư khác với giá 550 triệu đồng. Thế nhưng chỉ hơn một tháng sau đó, người khách mua lại lô đất của chị Dung trước Tết đã nhanh chân bán lại lô đất nói trên cho một nhà đầu tư khác với giá 1,1 tỷ đồng.

Không chỉ khu vực Hòa Tiến, Hòa Khương, giá đất hầu hết tại các xã thuộc huyện Hòa Vang đều tăng phi mã sau Tết Nguyên đán. Một cơn sốt lùng sục tìm kiếm mua đất ở nông thôn, đất nông nghiệp từ giới “cò đất” và nhà đầu tư diễn ra chưa từng có tại huyện Hòa Vang.

Bà Nguyễn Thị Th. (thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến) ngao ngán:“ Người ta đi lùng đất cả đêm cả ngày, náo loạn hết cả làng. Đến mức, họ tự tiện đến đóng cọc phân lô vào đất người ta đang sản xuất rồi dẫn người ở chỗ khác đến nói bán lại. Tôi không hề nghe có dự án gì triển khai ở thôn, nhưng ‘cò’ cứ một hai nói gần mở dự án”.

Xác thực điều này, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Tiến khẳng định, trên địa bàn không có dự án gì sắp triển khai, nhất là dự án lớn phải giải tỏa rộng, tái định cư. Nếu có sẽ công bố công khai cho người dân được biết.

“Trong trường hợp việc môi giới, mua bán đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chính quyền sẽ vào cuộc và đề nghị các cơ quan chức năng xử lý”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cần chấn chỉnh gấp

Ông Võ Trọng Phụng, Giám đốc Kinh doanh công ty TNHH Đầu tư Địa ốc 68 Land (Đà Nẵng), Hội viên Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tại Đà Nẵng lý giải nguyên nhân khiến “cò đất” đổ xô về săn lùng đất Hòa Vang hiện nay là do giá đất tại khu vực dự án Golden Hills (quận Liên Chiểu) hiện nay đã lên quá cao (từ 3-5 tỷ đồng/lô) khiến nhiều nhà đầu tư thứ cấp và giới “cò đất” lỡ xuống tiền hoặc đặt cọc giữ chỗ các lô đất thuộc dự án này bị “mắc kẹt” lại vốn hoặc mất vốn (bỏ cọc) khi mà lượng thanh khoản đất tại đây bị chững lại so với thời điểm sau Tết Nguyên đán (nguyên nhân chững lại do Khu C - Dự án Golden Hills được chủ đầu tư mở bán trên thị trường với mức giá dưới 30 triệu đồng/m2, thấp hơn giá thị trường).

Để “vớt vát” lại, giới “cò đất” đã tìm cách đổ xô ra các xã vùng ven thuộc huyện Hòa Vang và bày ra các chiêu trò “thu mua gom đất ảo” nhằm tạo ra một điểm nóng mới và trục lợi.

Người dân Hòa Tiến bức xúc khi các nhóm cò đất tự tung tự tác chỉ chỗ đặt lô cho người mua đất trên chính các thửa đất canh tác nông nghiệp 
của gia đình mình khi chưa được sự cho phép.  Ảnh: Ngọc Tân

“Sự manh động của các “cò” chính là nguyên nhân dẫn đến việc đất nền các xã Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Sơn, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Khương… (huyện Hòa Vang) bị thổi giá lên cao như hiện nay chứ không phải là do cộng hưởng các thông tin một số dự án trọng điểm được đầu tư tại Hòa Vang mà đất lên giá”, ông Võ Trọng Phụng cho biết.

Có thể nói, điều này tương tự vụ sốt đất Hòa Liên (dự án tái định cư Hòa Liên 5, sát cạnh dự án Golden Hills) diễn ra vào tháng 11/2018 vừa qua khi nhóm “cò đất” của sàn bất động sản Đại Thắng Land từ TP. HCM ra Đà Nẵng và bắt tay với một sàn trên địa bàn để “đạo diễn” vụ “thổi giá” đất tại đây khiến nhiều khách hàng và nhà đầu tư ôm “quả đắng”. Cả hai đợt sốt đất đều có “dấu ấn” của nhóm “cò đất” thiếu đạo đức nghề nghiệp.

Tình trạng sốt đất diễn ra tại các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang, Đà Nẵng đang dẫn đến nguy cơ rất đáng báo động đó là người dân địa phương mất đi đất canh tác, đất sản xuất nông nghiệp, thậm chí là đất ở để dành của các hộ gia đình nếu sự việc không được sớm ngăn chặn.

Ông Võ Trọng Phụng cho biết:“ Trên thực tế, với sự lọc lõi trong hoạt động môi giới, mua bán bất động sản, giới “cò đất” thường ngã giá mua lại các lô đất ở hay các lô đất canh tác sản xuất nông nghiệp của các hộ dân với giá thấp hơn nhiều so với giá bán thực tế trên thị trường. Do thấy lợi trước mắt nên nhiều hộ dân đã chấp nhận bán lại các lô đất trên. Ngay sau đó, các “cò” cũng nhanh chóng “ra hàng” để bán lại cho những khách hàng và nhà đầu tư khác với giá cao gấp nhiều lần số tiền các “cò” mua lại từ các hộ dân địa phương”.

Trước các diễn biến sốt đất bất thường nói trên, UBND huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng vừa có công văn khẩn gửi các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang cảnh báo người dân địa phương tình trạng mua bán đất đang diễn ra nóng sốt trên địa bàn huyện này. Theo UBND huyện Hòa Vang, hiện tình hình mua bán đất trên địa bàn huyện Hòa Vang đang diễn ra sôi động. Giới "cò" đất tại Đà Nẵng đã và đang dùng nhiều chiêu trò đẩy giá đất lên cao bất thường để trục lợi.

Ông Đặng Phú Hành, Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết:“ UBND huyện Hòa Vang đã giao UBND 11 xã thông tin, tuyền truyền cho người dân cần phải thận trọng trong việc mua bán đất. Không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất nông nghiệp và đất ở vì sau này sẽ không có đất để sản xuất, không có đất để cho con, cháu làm nhà ở, ảnh hưởng đến tình hình an ninh xã hội, ổn định cuộc sống lâu dài.

Bên cạnh đó, UBND huyện Hòa Vang cũng giao Đài truyền thanh và truyền hình huyện thông báo rộng rãi để người dân nắm bắt rõ tình hình "sốt" đất ảo trên địa bàn, tránh tình trạng bị "sập bẫy" nhóm "cò" đất, gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế cá nhân, gia đình”.

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam

Số lượng môi giới ngoài kiểm soát quá lớn, do không được đào tạo về nghề, thường tay ngang chuyển sang bất động sản khi thị trường nóng, đã gây ra nhiều bức xúc trên thị trường và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đội ngũ môi giới hoạt động chân chính.

Chưa kể, điều này còn ảnh hưởng tới nỗ lực nâng tầm chuẩn mực minh bạch của thị trường bất động sản Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư quốc tế, khiến họ e ngại và rụt rè khi quyết định đầu tư, dù bất động sản Việt Nam được đánh giá là một thị trường rất tiềm năng.

Vì vậy, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải thúc đẩy các hoạt động môi giới theo hướng chuẩn chỉ với những chế tài nghiêm ngặt hơn dành cho các nhân viên môi giới khi tham gia thị trường. Trong đó, quy định về việc phải có chứng chỉ hành nghề môi giới mới được tham gia thị trường là yêu cầu xuyên suốt nếu muốn định hình Việt Nam là một thị trường minh bạch, đầy tiềm năng”.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan