Đà Nẵng lập bệnh viện dã chiến chống Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Thường trực Thành uỷ Đà Nẵng chỉ đạo xây dựng bệnh viện dã chiến để giảm tải cho các cơ sở y tế trên địa bàn.
Cung thể thao Tiên Sơn sẽ thành Bệnh viện dã chiến ở Đà Nẵng trong dịch Covid-19.

Cung thể thao Tiên Sơn sẽ thành Bệnh viện dã chiến ở Đà Nẵng trong dịch Covid-19.

Tối 30/7, Thành uỷ Đà Nẵng đã đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ và khẩn trương xây dựng bệnh viện dã chiến phục vụ cho phòng, chống dịch Covid-19.

Địa chỉ được chọn là Cung thể thao Tiên Sơn. Đây là một nhà thi đấu đặt tại quận Hải Châu, được khánh thành vào năm 2010 để phục vụ Đại hội thể thao toàn quốc diễn ra tại Đà Nẵng.

Cung thể thao có sức chứa 6.500 chỗ ngồi, hình dáng giống đĩa bay, gồm 2 tầng hầm và 4 tầng nổi, diện tích hơn 10.000 m2. Năm 2017, cung thể thao này từng được đầu tư 84 tỷ đồng để cải tạo, phục vụ APEC (Gala Dinner cho 1.200 doanh nhân).

Theo Thành uỷ Đà Nẵng, việc lập bệnh viện dã chiến là biện pháp giảm tải cho các bệnh viện, trung tâm y tế đã phong toả, cách ly để đảm bảo năng lực về phòng, chống dịch bệnh.

Ngoài ra, khi xây dựng bệnh viện tại cung thể thao này, thành phố hy vọng sẽ có các biện pháp xử lý, làm sạch ổ dịch tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng.

Thành phố cũng được giao nhiệm vụ khẩn trương thẩm định mua sắm các trang thiết bị y tế cần thiết, gồm máy ECMO, máy thở, quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn...

Sở Y tế được yêu cầu chủ động giám sát, lấy mẫu, xét nghiệm trên diện rộng đối với tất cả các trường hợp có triệu chứng, nghi ngờ mắc bệnh đường hô hấp để kịp thời phát hiện, cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để các nguồn lây.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đánh giá tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn đang rất nguy cấp, nếu không hành động quyết liệt và có các biện pháp mạnh mẽ thì sẽ khó kiểm soát, ngăn chặn kịp thời đà lây lan trong cộng đồng.

Chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu Sở Y tế cần đặt mốc phấn đấu xét nghiệm Covid đạt từ 3.500 đến 4.000 mẫu/ngày; khẩn trương công bố kết quả xét nghiệm F1 để giãn áp lực F2.

Thành phố kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ kinh phí và vận động các nhà hàng lớn, uy tín trên địa bàn hỗ trợ các xuất ăn cho đội ngũ y, bác sĩ đang chống dịch tại các trung tâm y tế, bệnh viện.

Đà Nẵng lập bệnh viện dã chiến chống Covid-19 ảnh 1

Người dân tiếp tế rất nhiều vật dụng cho các bệnh viện đang phải cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19, chiều 30/7.

Khu vực sân thể thao của Bộ Chỉ huy quân sự thành phố (đường Lê Duẩn) sẽ là địa điểm tiếp nhận các nhu yếu phẩm và hàng hoá từ các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện, thay vì việc hàng hoá được tiếp nhận ngay cạnh khu vực cách ly như hiện nay.

Đặt ra tình huống dịch có thể bùng phát ở quy mô lớn hơn, lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở Công Thương phải chuẩn bị đầy đủ nguồn dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yêu phẩm phục vụ nhu cầu của người dân.

Từ ngày mai (31/7), các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải tạm dừng thi công. Lực lượng chức năng năng cũng tăng cường chốt chặn, kiểm soát phòng, chống dịch tại các cửa ngõ ra vào thành phố.

Những du khách đang mắc kẹt lại Đà Nẵng sẽ được ngành du lịch rà soát để thành phố hỗ trợ kịp thời về điều kiện ăn, ở trong thời gian ở lại; đồng thời có phương án phối hợp để hỗ trợ cho du khách về lại địa phương nếu có nhu cầu.

Đà Nẵng là nơi ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam, sau 99 ngày không có ca bệnh mới. Hôm nay, thành phố đã ghi nhận 34 ca Covid-19, 14 bệnh nhân khác ghi nhận ở 5 tỉnh, thành đều liên quan đến Đà Nẵng. Hơn 3.100 người ở Đà Nẵng đã được cách ly; gần 4.500 mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với nCoV. Hiện toàn thành phố cách ly xã hội theo chỉ thị 16.

Tin bài liên quan