Đại biểu đề xuất giảm VAT cho tất cả doanh nghiệp đến hết năm 2024, Bộ trưởng Tài chính nói gì?

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Nhiều đại biểu Quốc hội kiên định đề xuất giảm VAT cho tất cả doanh nghiệp, kéo dài đến hết năm 2024; song Bộ trưởng Tài chính cho biết sẽ thống nhất trình Quốc hội phương án giảm thuế trong 6 tháng cuối năm theo đúng đối tượng được quy định tại Nghị quyết 43.

Chiều 1/6, Quốc hội bước vào phiên thảo luận hội trường cuối cùng bàn về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022.

Nhiều đại biểu dành phần thảo luận của mình để tiếp tục đề xuất "nới" chính sách giảm VAT theo hướng mở rộng đối tượng, kéo dài thời gian hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và thúc đẩy phục hồi kinh tế xã hội.

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) đề nghị Chính phủ cân nhắc và trình Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm 2024 để đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức.

Đại biểu cho rằng việc thực hiện chính sách này năm ngoái đến nay không liên tục, bị ngắt quãng 6 tháng đầu năm 2023, nếu chỉ thực hiện trong 6 tháng cuối năm, từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 thì quá ngắn, khó đạt được hiệu quả như mong đợi.

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng)

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng)

Từ đó, đại biểu đề nghị cân nhắc cần kéo dài thêm thời gian thực hiện chính sách này cho đến hết năm 2024 để có thời gian đảm bảo có thể hấp thụ, đưa chính sách đi vào cuộc sống, để các địa phương có thể chủ động tính toán, cân đối việc giảm nguồn thu, giảm chi hoặc ngược lại, đảm bảo cho việc lập dự toán, cân đối thu, chi năm sau, bảo đảm sự ổn định, chủ động trong việc thực hiện đủ thời gian, giúp chính sách phát huy hiệu quả tốt nhất.

Đồng quan điểm, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng thời gian áp dụng giảm thuế đến hết 31/12/2023 như đề xuất của Chính phủ là quá ngắn.

Cho rằng khó khăn thách thức trong thời gian tới là khá lớn, đại biểu cho rằng, để sự hỗ trợ này có hiệu quả hơn, đủ thời gian để chính sách phát huy trong thực tế, cần kéo dài chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 hoặc ít nhất đến năm 2024.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định)

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định)

Đồng thời, đại biểu cho rằng, cần kịp thời hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế giá trị gia tăng một cách nhanh chóng, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, cần nghiên cứu các chính sách vượt tiền lệ như yêu cầu lãi suất cho vay giảm xuống dưới 9%, thay đổi các điều kiện cho vay thông thoáng, khả thi và hợp lý để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Cũng quan tâm đến chính sách giảm VAT, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị cân nhắc mở rộng đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng, cụ thể là đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ, để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô trong nước, từ đó đảm bảo nguồn thu ngân sách của nhà nước từ lĩnh vực này.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị giảm VAT cho cả ngành ô tô

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị giảm VAT cho cả ngành ô tô

Theo đại biểu, việc áp dụng thuế VAT 8% mặc dù gây hụt thu ngân sách 2% so với hiện hành nhưng ô tô là mặt hàng chịu thuế cao, chịu nhiều loại thuế; vì vậy nếu kích cầu từ việc giảm này, tổng mức thuế thu được từ chiếc xe vẫn vượt mức 2% giảm thuế VAT.

Theo bà Nga, việc giảm thuế, phí trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô cho thấy sự tác động tích cực và mạnh mẽ của các chính sách ưu đãi đến việc kích cầu và phát triển ngành này, giúp doanh nghiệp ô tô tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần tạo đà tăng trưởng cho ngành công nghiệp ô tô qua đó tiếp tục đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như phát triển nền kinh tế.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm ủng hộ ý kiến của các đại biểu trên, với lập luận, các doanh nghiệp gặp chất chồng khó khăn, mà đằng sau cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là vài chục triệu người khác bao gồm người lao động và gia đình của họ nên rất cần được quan tâm, hỗ trợ.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội)

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội)

Hiện nay, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp vô cùng khó khăn do kinh tế thế giới giảm tốc, một vài nền kinh tế rơi vào suy thoái. Bởi vậy, cách cứu doanh nghiệp là tác động vào thị trường trong nước, muốn vậy phải "khoan sức dân", giảm thuế VAT cho dân bớt khó khăn, tăng tiêu dùng mới tạo thêm việc làm cho doanh nghiệp.

Ông Lộc cũng nói thêm, bối cảnh hiện tại có nhiều dư địa để mở rộng chính sách tài khoá: lạm phát giảm tốc, thặng dư thương mại tăng (5 tháng đầu năm xuất siêu 9,8 tỷ USD), nợ công ở mức 43,1% thấp hơn nhiều so với trần cho phép là 60%...

"Tôi đề nghị tiếp tục giảm VAT cho tất cả các loại hàng hoá dịch vụ, trong thời gian ít nhất đến hết năm 2024, sau đó quy định một số điều kiện để có thể tự động gia hạn mà không cần phải trình ra Quốc hội", ông Lộc nói.

Đồng thời vị đại biểu cũng lưu ý, khi chúng ta mở rộng phạm vi đối tượng, thời gian giảm thuế, số thu thuế sẽ giảm đi nhưng bù lại tiêu dùng tăng lên sẽ làm tăng thu và bù đắp được nguồn mất đi do giảm thuế.

Trước những ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc lần thứ hai trong ngày phải đứng lên phát biểu giải trình, làm rõ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Ông Phớc nói, phương án giảm thuế VAT đã được Bộ Tài chính gửi xin ý kiến Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và đã được thông qua.

Ngoài ra, Nghị quyết 43 chỉ có hiệu lực cho đến hết năm nay, tức là chỉ còn 6 tháng nữa do đó thống nhất trình phương án áp dụng 6 tháng nữa.

"Phương án trình của Chính phủ là phù hợp với cân đối cân đối ngân sách và mục tiêu chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng và giải quyết khó khăn một cách tức thời trong giai đoạn hiện nay", ông Phớc nhấn mạnh.

Liên quan đến đề xuất đưa ô tô vào diện được giảm thuế VAT 2%, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, ô tô là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không thuộc phạm vi của Nghị quyết 43 do đó không nằm trong diện được giảm thuế do chính sách này tập trung giảm thuế cho những lĩnh vực thiết yếu.

Cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, vấn đề quan trọng là phải làm mọi cách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tăng cường năng lực của doanh nghiệp, tăng năng lực của nền kinh tế, tháo gỡ những vướng mắc để tạo ra một thị trường tốt hơn sẽ có tác dụng lớn hơn việc giảm thuế.

"Ví dụ những doanh nghiệp đang thiếu đơn hàng thì tìm cách gỡ khó về đầu ra cho doanh nghiệp mới ý nghĩa chứ giảm thuế thì không có tác dụng gì", Bộ trưởng nói.

Tin bài liên quan