Đã có hàng triệu ý kiến nhân dân góp ý sửa Luật Đất đai.

Đã có hàng triệu ý kiến nhân dân góp ý sửa Luật Đất đai.

Đại biểu Quốc hội chuyên trách chuẩn bị cho ý kiến dự thảo Luật Đất đai

0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị sẽ diễn ra từ 5 - 7/4, cho ý kiến lần lượt 7 dự án luật đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 4, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành kế hoạch tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, hội nghị sẽ diễn ra từ 5 - 7/4, cho ý kiến lần lượt 7 dự án luật đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 4, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Gồm các dự án Luật: Hợp tác xã (sửa đổi); Đấu thầu (sửa đổi); Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

Được dành thời gian nhiều nhất (nửa buổi sáng 7/4 và cả buổi chiều cùng ngày) là dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây cũng là nhiệm vụ lập pháp nặng nề nhất của Quốc hội trong năm 2023.

Sau kỳ họp thứ tư, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được lấy ý kiến nhân dân rộng khắp với hàng triệu góp ý vào nhiều nội dung của dự thảo.

Tại báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết rất nhiều ý kiến tâm huyết đã được gửi tới Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong số đó có những bản đóng góp lên đến hàng chục trang góp ý vào hầu hết các nội dung trong dự thảo, có những bản góp ý được viết tay tỉ mỉ, trang trọng thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến dự thảo này.

Một số tổ chức, cá nhân gửi nhiều bản góp ý trong suốt thời gian lấy ý kiến Nhân dân, đóp góp vào nhiều chương mục trong dự thảo. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến Nhân dân đã có nhiều nội dung mới và có định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.

Nhân dân đánh giá cao việc Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo và xây dựng Luật Đất đai để thể chế hóa sớm nhất Nghị quyết số 18-NQ/TW. Việc sửa đổi Luật Đất đai là một vấn đề rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay vì đây không chỉ là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai mà nó có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật khác...

Bên cạnh đó cũng còn có ý kiến cho rằng để Luật Đất đai (sửa đổi) thực sự chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới theo tinh thần Nghị quyết 18 thì đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét có nên thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Các ý kiến này cho rằng có thể lùi thời hạn thông qua để có thời gian nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo.

Hội nghị lần này, các vị đại biểu Quốc hội sẽ họp tập trung tại Hội trường Diên Hồng. Ngoài các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách còn mời một số chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực liên quan, các vị đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách cũng được mời đăng ký tham dự Hội nghị.

Tin bài liên quan