Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà phát biểu thảo luận tại Hội trường sáng 19/6

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà phát biểu thảo luận tại Hội trường sáng 19/6

Đại biểu Quốc hội: Quy định người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam vẫn chưa rõ ràng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam được quy định tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn chưa rõ ràng, cần có giải trình, đánh giá tác động cụ thể để có quy định thống nhất, đồng bộ với các luật khác liên quan đến đất đai, bất động sản...

Tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 19/6, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến quy định về cá nhân người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được phép mua nhà đất.

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, các quy định liên quan đến cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là vấn đề nhạy cảm, cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng.

Theo đại biểu, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân người nước ngoài.

“Thời gian qua, dư luận phản ứng tình trạng không ít người nước ngoài núp bóng cá nhân, tổ chức của Việt Nam thu mua nhiều đất đai”, ông Hoà lưu ý.

Cho rằng quy định cá nhân người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được phép mua nhà đất như dự thảo Luật là chưa rõ ràng, vì người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hàng năm số lượng rất nhiều, do vậy cần phải cân nhắc một cách thận trọng.

Ông Hòa đề nghị, nên chăng chỉ quy định tổ chức, cá nhân người nước ngoài có vốn đầu tư vào Việt Nam, người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam mới được sở hữu nhà, đất tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cần rà soát các quy định để tránh trùng lặp, chồng chéo với các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) cho rằng, quy định cá nhân người nước ngoài được mua, thuê, nhận tặng, thừa kế, sở hữu 30% số lượng căn hộ trong một toà nhà chung cư là quá lớn, có thể dẫn đến việc người nước ngoài có điều kiện kinh tế sẽ đầu cơ, tích tụ nhà ở tại Việt Nam, lũng đoạn thị trường về giá nhà ở, trong khi người Việt Nam thực sự có nhu cầu thì không tiếp cận được nhà ở.

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) cũng góp ý về việc cần làm rõ một số quy định liên quan đến người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng)

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng)

Theo đại biểu, quy định tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (tại Điều19, Điều 20 và Điều 22 của dự thảo Luật) chưa quy định rõ việc tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất hay không.

Bên cạnh đó, ông Cường cho rằng nội dung này chưa được làm rõ và có thể chưa phù hợp với Điều 5 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Khoản 1, Điều 14 của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

“Quy định chưa rõ ràng như vậy nên cần phải nghiên cứu, cân nhắc”, ông Cường nói.

Ngoài ra, đại biểu đoàn Đà Nẵng lưu ý, dự thảo Luật Nhà ở phải đặc biệt lưu ý việc người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích đi du lịch thì có quyền được sở hữu nhà ở hay không? Quy định như dự thảo Luật có xung đột với các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam hay không?

Theo ông Cường, để đảm bảo tính khả thi, nội dung này cần phải được giải trình cụ thể, đánh giá tác động rõ ràng hơn trên cơ sở bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với chủ trương của Đảng quy định tại Nghị quyết số 18 và thống nhất, đồng bộ các quy định về chính sách đất đai, bất động sản, nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Đại biểu Vũ Tuấn Anh (đoàn Phú Thọ) cũng đề nghị cân nhắc quy định về sở hữu nhà ở riêng lẻ của người nước ngoài vì quy định về sở hữu nhà ở riêng lẻ của người nước ngoài tại dự thảo Luật có thể được hiểu người nước ngoài có quyền sử dụng đất lâu dài, thời gian sử dụng chưa được quy định giới hạn tối đa…

Đại biểu Vũ Tuấn Anh (đoàn Phú Thọ)

Đại biểu Vũ Tuấn Anh (đoàn Phú Thọ)

Theo đại biểu đoàn Phú Thọ, nội dung này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh việc lợi dụng, gây tác động xấu đến phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đại biểu đề nghị có thể quy định thí điểm trong một phạm vi nhỏ, sau đó đánh giá tổng kết.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM) cũng cho rằng, cần rà soát lại quy định để đảm bảo thống nhất, không mâu thuẫn, xác định rõ tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì được cấp loại giấy chứng nhận gì. Đại biểu cho rằng nên thống nhất lại theo quy định tại Điều 22 là phù hợp.

Tin bài liên quan