Bình Thuận ngày càng xuất hiện nhiều dự án lớn như Dự án  Lạc Việt của  chủ đầu tư DRH Holdings

Bình Thuận ngày càng xuất hiện nhiều dự án lớn như Dự án Lạc Việt của chủ đầu tư DRH Holdings

Đại gia địa ốc đổ tiền mua dự án ở Bình Thuận

(ĐTCK) Được đánh giá là một thị trường mới nổi nhưng có nhiều tiềm năng phát triển, Bình Thuận thời gian gần đây đã lọt vào tầm ngắm của các địa gia địa ốc với hàng loạt thương vụ M&A dự án mới được thực hiện.

Lộ diện những “ông lớn” mới

Nhắc đến các chủ đầu tư địa ốc chủ lực của Bình Thuận trong nhiều năm qua, nhiều người chủ yếu biết đến cái tên Tập đoàn Rạng Đông, Việt Úc hay các nhà đầu tư nhỏ hơn chủ yếu tập trung đầu tư vào khu vực Mũi Né. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Bình Thuận đã bắt đầu xuất hiện khá nhiều nhà đầu tư tên tuổi đến tử TP.HCM và không chỉ ở Mũi Né, mà phạm vi đầu tư còn lan rộng ở nhiều khu vực khác của địa phương này.

Là một “đại gia” trong ngành địa ốc với hàng chục dự án ở TP.HCM, mới đây, Tập đoàn Novaland đã chính thức công bố ra thị trường dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận  mang tên NovaHills Mui Ne Resort and Villas. Tọa lạc tại khu vực địa thế đồi núi tự nhiên và có đường bờ biển trải dài liền kề, dự án cung cấp hơn 600 căn biệt thự có tầm nhìn hướng biển từ độ cao 15 - 95 m.

Bên cạnh hạ tầng phục vụ lưu trú, khu resort còn sở hữu nhiều tiện ích để tăng thời gian ở lại và trải nghiệm, khám phá thiên nhiên cho du khách như hồ bơi 3 tầng, công viên nước, rạp chiếu phim ngoài trời, khu thương mại - ẩm thực quốc tế... Theo tiết lộ của chủ đầu tư, dự án sẽ do một thương hiệu đẳng cấp quốc tế vận hành.

 Lượng khách du lịch đến Bình Thuận ngày càng tăng

Đây là một trong những dự án đánh dấu bước chuyển mình sang giai đoạn 2 trong chiến lược kinh doanh của Novaland - mở rộng sang các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và là dự án để bán đầu tiên của Tập đoàn tại Mũi Né. Dự kiến, nhà phát triển bất động sản này tiếp tục đầu tư thêm nhiều dự án tại đây với quỹ đất rất lớn.

Ngoài dự án trên, dù chưa được công bố, song theo nguồn tin mà phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản có được, tập đoàn này đã mua lại một dự án có quy mô diện tích lên đến 1.000 ha tại khu vực gần với vùng biển Mũi Kê Gà.  Đây sẽ là một dự án được đánh giá có quy mô cực lớn tại Bình Thuận.

Một “đại gia” địa ốc khác là Công ty DRH Holdings đã “thâu tóm” thành công một dự án có quy mô gần 70 ha đang triển khai phát triển thành khu đô thị du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt. Dự án bao gồm khu biệt thự, condotel, bungalow, club house, nhà vườn và hệ thống phụ trợ; khu khách sạn 4 sao ven sông, khu giải trí đa chức năng, siêu thị, trung tâm mua sắm, nhà hàng, khách sạn; khu tổ chức sự kiện và hội thảo quốc tế; câu lạc bộ thuỷ thủ; nhà thuyền, trạm bảo hành du thuyền; cây xanh, cảnh quan, hồ sinh thái…. Theo kế hoạch, tháng 4/2019, dự án này sẽ chính thức công bố sản phẩm ra thị trường.

Tương tự, mới đây, Công ty Bất động sản Hưng Lộc Phát đã chi ra hàng trăm tỷ đồng để mua lại từ Công ty Đầu tư Việt - Úc một dự án tại Mũi Né có quy mô 26 ha. Được biết, đây là dự án trước đó được tỉnh Bình Thuận đưa ra đấu giá với mức giá khởi điểm 372 tỷ đồng và Công ty Đầu tư Việt - Úc đã trúng đấu giá với mức giá cao hơn gấp đôi so với giá khởi điểm là 772 tỷ đồng. Nguồn tin từ Công ty Hưng Lộc Phát xác nhận, đã mua lại dự án này từ Công ty Việt Úc, hiện đang hoàn thiện các thủ tục để khởi động dự án trong thời gian tới.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ngoài các doanh nghiệp kể trên, nhiều tên tuổi khác như TTC Land cũng vừa mua lại một dự án ở Bình Thuận, Công ty Bất động sản Danh Khôi cũng đã mua lại thành công một dự án có quy mô gần 40 ha tại Mũi Né dự kiến sẽ triển khai đầu năm tới.

Điều đáng nói, sức hút nhà đầu tư vào bất động sản Bình Thuận không chỉ tập trung ở Mũi Né, mà còn lan rộng san nhiều khu vực khác, đặc biệt là với các khu vực dọc ven biển như Thắng Hải, Lagi, Mũi Kê Gà… Riêng tại khu vực Mũi Kê Gà, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hiện có 48 dự án đang tồn tại, trong đó có nhiều dự án đang bắt đầu khởi động trở lại, dự báo trong năm 2019, khu vực này trở thành một tâm điểm mới của Bình Thuận trong việc phát triển các dự án nghỉ dưỡng.

Đón lõng tiềm năng

Ông Từ Văn Phước, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Việt - Úc, chủ đầu tư của khá nhiều dự án tại Bình Thuận cho biết, thời gian gần đây, giới đầu tư quan tâm đầu tư vào thị trường này gia tăng khá mạnh. Không chỉ các doanh nghiệp lớn săn tìm các dự án có quy mô lớn để đầu tư, mà ngay cả với các nhà đầu tư cá nhân cũng tăng lên khá mạnh.

“Nhiều nhà đầu tư phía Bắc vào Bình Thuận để nghỉ dưỡng còn mang theo tiền tỷ và sẵn sàng đầu tư bất động sản nếu có cơ hội”, ông Phước nói và cho biết, ngoài ra trên thị trường Bình Thuận gần đây còn xuất hiện một loại hình đầu tư mới, đó là nhà đầu tư chuyên đi săn các resort để đầu tư, chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, đã có khoảng 10 resort đã sang tay thành công.

Theo ông Phước, việc gần đây các nhà đầu tư quan tâm nhiều đến Bình Thuận thể hiện sự dịch chuyển của dòng tiền “thông minh”. Bởi sau thời gian phát triển, nhiều khu vực như Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) đang có nhiều biến động rủi ro trong đầu tư, các thị trường khác như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa) đang bước vào giai đoạn bão hòa, ngược lại Bình Thuận lại đang có nhiều ưu thế phát triển mới.

Trong đó, đáng chú ý, đây là địa phương gần với TP.HCM, có hạ tầng đang từng bước phát triển, trong đó có dự án cao tốc TP.HCM - Phan Thiết sắp được khởi công. Một khi dự án này được đưa vào sử dụng, rồi sân bay…, bất động sản nghỉ dưỡng Bình Thuận sẽ trở thành tâm điểm của cả nước.

Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, nếu xem Khánh Hoà, Quảng Ninh, Đà Nẵng là những thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cấp 1 với sự phát triển đã dần ổn định, thì Bình Thuận đang đứng đầu trong nhóm các thị trường mới nổi - có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Ghi nhận của CBRE cho thấy, công suất cho thuê phòng của các khách sạn 4 - 5 sao tại khu vực Phan Thiết đạt gần 65%, tương đương với Hạ Long, Phú Quốc và cao hơn so với Nha Trang, Đà Nẵng nhờ chưa chịu nhiều áp lực về nguồn cung.

Cụ thể, nếu như các thị trường cấp 1 có số phòng khách sạn 4 - 5 sao dao động trong khoảng 4.380 - 9.204 căn, thì toàn tỉnh Bình Thuận mới có khoảng 3.000 căn, với đa phần các khách sạn tập trung tại khu vực Mũi Né, Phan Thiết.

Sức hút của bất động sản Bình Thuận theo bà Dung, trước hết đến từ các thông tin tích cực về hạ tầng giao thông kết nối. Chẳng hạn, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi vào hoạt động đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Phan Thiết còn khoảng hơn 3 tiếng.

Sắp tới, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết vận hành sẽ kéo giảm thời gian này xuống thấp hơn, chỉ còn khoảng 1,5 tiếng. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng đang đẩy nhanh quá trình xây dựng sân bay Phan Thiết đều minh chứng cho một thực tế về tiềm năng phát triển bất động sản của địa phương nay còn rất lớn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com