Đằng sau những con số...

Đằng sau những con số...

Chìm trong số những thông tin không được tích cực về tình hình tài chính - tiền tệ, đầu tư… là một thông tin khá lạ: USD giảm giá so với VND.

Đây đúng là chuyện “lâu lâu mới có”, bởi tỷ giá phải tăng (ở nước ta, cách viết này có ý nghĩa là đồng Việt Nam mất giá so với đồng USD) mới là chuyện đương nhiên, người ta chỉ quan tâm đến việc nó sẽ tăng bao nhiêu mà thôi.

 

Thông tin cụ thể, ngày 4/2, giá USD cả trong ngân hàng lẫn thị trường tự do đều giảm mạnh, giá bán USD của nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt rời xa mức trần, dù Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 20.828 đồng.

 

Xu thế giảm này bắt đầu xuất hiện từ ngay sau Tết Nguyên đán, tuy nhiên nó có là tín hiệu về việc đã loại bỏ được nỗi lo tỷ giá tăng hay chưa mới là chuyện cần xem xét.

 

Áp lực giảm giá đồng USD những ngày qua đến từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là nguồn cung USD tăng do kiều hối tăng trong dịp tết, nên nhu cầu chuyển đổi từ USD sang tiền đồng còn đang lớn hơn phía ngược lại.

 

Thứ hai là nhu cầu của người dân đổi ngoại tệ sang tiền đồng để chi xài, đầu tư hiện cao hơn nhu cầu giữ USD để phòng rủi ro tỷ giá. Bởi trong khi thanh khoản tiền đồng vẫn căng thẳng, lãi suất gửi tiết kiệm bằng tiền đồng chưa có dấu hiệu giảm trong ngắn hạn thì nhiều người không muốn nắm giữ USD thay vì tiền đồng.

 

Nguyên nhân thứ ba đến từ phía các doanh nghiệp nhập khẩu, khi cầu USD phục vụ cho nhập khẩu tiêu dùng giảm mạnh so với trước tết.

 

Thống kê từ Bộ Công thương cho biết, tháng 1-2012 kim ngạch xuất khẩu nước ta giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước, giảm tới 28,5% so với tháng 12-2011; nhập khẩu cũng giảm 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 29,5% so với tháng 12/2011.

 

Với những con số này, đã có một số nhận định tỏ ý lo ngại khi cho rằng hoạt động thương mại - đặc biệt là xuất khẩu - giảm sút như vậy là rất đáng lưu tâm.

 

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng tháng 1 năm nay có kỳ nghỉ tết kéo dài chín ngày, chưa kể đến tâm lý làm việc “cầm chừng” một số ngày trước và sau tết của một số bộ phận trong xã hội.

 

Thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ bằng 2/3 tháng bình thường, nên mức suy giảm như vậy không có gì đáng phải báo động. Nếu đà suy giảm này vẫn tiếp tục ở tháng 2 thì mới cần một sự đánh giá nghiêm túc để tìm ra giải pháp nhằm cải thiện hoạt động xuất khẩu.

 

Cũng như đằng sau con số khá lạc quan về việc tỷ giá giảm là những vấn đề cần được đặt ra. Phải chăng tỷ giá giảm chứng tỏ giá trị của đồng nội tệ tăng lên? Hay đó chỉ phản ánh sự thiếu hụt tiền đồng trong ngắn hạn khiến cho tỷ giá buộc phải giảm?

 

Nếu như giá trị của đồng nội tệ ổn định và có xu hướng tăng cùng với sự tăng trưởng vững chắc của nền kinh tế, khiến giá trị đồng Việt Nam tăng tương đối so với đồng USD thì còn gì bằng.

 

Nhưng nếu không phải như thế, thì với một nước xem trọng xuất khẩu như nước ta, sự tăng giá của tiền đồng so với USD không hề có lợi cho hoạt động xuất khẩu.

 

Đó là chưa kể, khi áp lực thanh khoản tiền đồng không còn, tiền đồng được đổ ra nhiều trong khi hiệu quả của việc sản xuất - kinh doanh không tăng theo tương ứng, nguồn cung USD không còn dồi dào cộng với nhu cầu cần USD cho hoạt động trả nợ, nhập khẩu… ập đến, thì tỷ giá sẽ chịu tác động kép. Đến lúc ấy, mối nguy mới hiển hiện.