Đang xuất hiện những rủi ro trên thị trường tài chính Việt Nam

Đang xuất hiện những rủi ro trên thị trường tài chính Việt Nam

(ĐTCK) Tại cuộc tọa đàm “Hướng đi đúng để bảo toàn lợi nhuận trong quản trị rủi ro tài chính” do CTCP Stox Plus tổ chức mới đây, các chuyên gia đã cảnh báo nhiều rủi ro trong hoạt động đầu tư tại các tổ chức tài chính.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc StoxPlus cho biết, dựa trên cơ sở dữ liệu phân tích, Stox Plus nhận thấy đang xuất hiện những rủi ro trên thị trường tài chính Việt Nam, từ chứng khoán đến các ngành khác nhau, có liên quan đến các vấn đề tỷ giá, lãi suất…

Nhắc lại những vụ tổn thất tài sản lên tới hàng tỷ USD qua một đêm, khiến một số ngân hàng lớn trên thế giới sụp đổ, hoặc chấp nhận sáp nhập vào ngân hàng khác trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, ông Harry Hoàn Trần, CFA, Chuyên gia tư vấn quản trị rủi ro đến từ ngân hàng Lloyds Bank (châu Âu) cho rằng, những khoản thất thoát lớn ngoài biến động của thị trường thông thường là do sai lầm hoặc sự gian lận trong hoạt động giao dịch của trader. Vì vậy, cho dù nhiều người kỳ vọng vào một hệ thống quản trị tiên tiến có thể quản trị tất cả các rủi ro thì về cơ bản, nguyên tắc hàng đầu trong quản lý rủi ro vẫn là yếu tố con người, tức muốn quản trị tốt phải có bộ máy và con người tốt.

Đối với câu chuyện quản lý rủi ro tại các công ty quản lý quỹ,  ông Đào Phúc Tường, Giám đốc Quản lý Quỹ đầu tư của APS Asset Management chia sẻ rằng, ở Việt Nam, các cơ quan quản lý thường can thiệp quá sâu vào việc thực thi nghiệp vụ của các doanh nghiệp. Ở Singapore, công tác quản trị rủi ro của một công ty quản lý quỹ được thực hiện theo 2 nguyên tắc cơ bản sau: thứ nhất, biết được dòng tiền từ đâu đến; thứ hai, thực hiện đúng các quy định trong hợp đồng quản lý tiền với khách hàng. Nếu công ty quản lý quỹ không thực hiện đúng thì nhà đầu tư có thể kiện  và khi đó, việc phân xử thuộc về tòa án, còn các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán sẽ không can thiệp vào.

Đề cập đến thực tế margin đang tăng nóng trên TTCK Việt Nam, ông Tường cảnh báo các CTCK về 3 lớp rủi ro ảnh hưởng đến chính sách cho vay margin của các CTCK.

Thứ nhất là rủi ro thị trường, yếu tố này phụ thuộc vào biến cố về tình hình vĩ mô, biến cố về dòng tiền. Ví dụ, thời gian qua, dòng tiền nằm trong chứng khoán rất nhiều vì dòng vốn tín dụng của các ngân hàng “tắc đường ra”. 3 năm vừa qua, dòng tín dụng đa phần chảy vào đảo nợ. Vì vậy, các CTCK có thể xây dựng những chỉ số để theo dõi rủi ro thị trường để điều chỉnh tỷ lệ cho vay margin phù hợp.

Lớp rủi ro thứ hai đến từ các doanh nghiệp mà CTCK cho vay margin, mà những vụ việc điển hình xảy ra trong thời gian gần đây như Gỗ Trường Thành, Y tế Việt - Nhật… bỗng nhiên lỗ nặng hàng ngàn tỷ đồng. Hiện nay, các CTCK đang chú trọng nhiều hơn đến rủi ro thị trường mà chưa chú trọng vào việc phân tích các doanh nghiệp được nhà đầu tư chú ý xem nên cho vay bao nhiêu và với tỷ lệ như thế nào, thường các công ty có làm nhưng làm một cách hời hợt. Với các doanh nghiệp này, CTCK cần đặt câu hỏi bản thân các doanh nghiệp này có phải là doanh nghiệp “khỏe” để cho vay margin hay không?

Lớp thứ 3 là rủi ro về định giá cổ phiếu, nhiệm vụ của CTCK là xác định đâu là giá hợp lý của cổ phiếu để dừng cho vay margin. Mặc dù vậy, đa phần CTCK hiện nay đều để giá cổ phiếu lên mức rất cao so với giá trị thực thì mới bắt đầu giảm margin và khi giảm thì lại “rón rén”, nên nếu cổ phiếu giảm sâu, rủi ro với CTCK sẽ rất lớn.

Theo khuyến nghị của ông Tường, với mỗi lớp rủi ro này, CTCK có thể xây dựng được các chỉ số để xác định tổng margin có thể cung cấp được, giảm xuống với từng nhóm ngành hoặc từng cổ phiếu. Thực tế, việc xác định rủi ro tại các CTCK không phải không thể thực hiện, mà đa phần là do CTCK “nể” khách hàng.    

Tin bài liên quan