Không né tránh, nhanh chóng chia sẻ, minh bạch thông tin, cách làm của F88 đã giúp ồn ào về Công ty dần lắng xuống.

Không né tránh, nhanh chóng chia sẻ, minh bạch thông tin, cách làm của F88 đã giúp ồn ào về Công ty dần lắng xuống.

Dập đốm lửa nhỏ để ngăn đám cháy lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiểu rõ sức mạnh của báo chí và mạng xã hội, doanh nghiệp ngày càng chủ động hơn trong kiểm soát thông tin và truyền thông.

Chủ động thông tin khi khủng hoảng xảy ra

Những thông tin tiêu cực về sản phẩm, dịch vụ, về hoạt động của doanh nghiệp, dù chính xác hay thất thiệt, khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, ít nhiều đều ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Cách ứng phó của mỗi doanh nghiệp sẽ quyết định thông tin này chỉ là một đốm lửa nhỏ hay sẽ bùng lên thành đám cháy lớn.

Khủng hoảng truyền thông tại Công ty cổ phần Kinh doanh F88 là câu chuyện tốn nhiều giấy mực của báo chí trong nửa đầu năm nay và cũng được đánh giá là trường hợp điển hình về xử lý khủng hoảng truyền thông khôn ngoan, hiệu quả.

Cụ thể, ngày 6/3/2023, cơ quan chức năng đến làm việc với văn phòng F88 tại Chi nhánh TP.HCM, nhiều tờ báo đã đưa tin chi nhánh của F88 tại TP.HCM bị điều tra. Ngay sau tin tức này được lan truyền, F88 đã ra thông cáo báo chí cho biết cơ quan chức năng đang làm việc để thu thập thông tin phục vụ cho công tác điều tra liên quan đến một nhân sự của Công ty.

Tiếp sau đó, hàng loạt cuộc kiểm tra được tiến hành tại văn phòng của F88 tại một số tỉnh, thành phố khác. Khi thông tin về F88 phủ khắp các mặt báo, F88 một lần nữa ra lại thông cáo báo chí: “Việc kiểm tra các phòng giao dịch tại các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang… trong thời gian vừa qua là đợt kiểm tra hành chính định kỳ của công an địa phương do ngành nghề kinh doanh hiện tại của F88 là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và được quản lý bởi chính quyền địa phương, do đó, việc kiểm tra này vẫn thường xuyên diễn ra để đảm bảo an ninh trật tự, quy trình được tuần thủ theo đúng pháp luật. Việc kiểm tra hàng loạt được diễn ra đồng thời với sự kiện kiểm tra chi nhánh trụ sở chính tại TP.HCM dẫn đến việc các cơ quan báo chí quan tâm và đưa tin là điều không tránh khỏi…”.

Không né tránh, nhanh chóng chia sẻ, minh bạch thông tin, khoanh vùng thông tin “sai đâu, sửa đấy” - cách làm của F88 đã giúp ồn ào về Công ty dần lắng xuống. Nói như ngôn ngữ của những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông là, “cơn bão của F88 đã tạm qua”.

Trên thực tế, F88 là doanh nghiệp thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên hàng tháng, hàng quý đều có kiểm tra hành chính trên toàn hệ thống phòng giao dịch cả nước. Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, F88 cho biết, đến nay, có một số lỗi vi phạm hành chính của Công ty đã được tìm ra và F88 đang khắc phục theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.

Khi dập khủng hoảng, ngoài việc nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết, doanh nghiệp cần phải chủ động truyền đi những thông tin tích cực về mình.

Ông Chris Freund, nhà sáng lập, Tổng giám đốc Mekong Capital - đơn vị đang đầu tư vào F88 cho biết rất “ngạc nhiên khi F88 vẫn hoạt động tốt dù gặp khủng hoảng truyền thông”.

Tính đến cuối năm 2022, Quỹ đầu tư Mekong Capital nắm 37,03% cổ phần của F88. Theo chia sẻ của Tổng giám đốc Mekong Capital, trong 4 công ty của Mekong Capital có vay trái phiếu và phải công bố số liệu tài chính thì chỉ có F88 có lãi. Trong danh mục đầu tư của Mekong Capital, F88 là công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

Khi dập khủng hoảng, ngoài việc nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết, doanh nghiệp cần phải chủ động truyền đi những thông tin tích cực về mình.

Ông chủ lên tiếng trấn an dư luận

Trong giới doanh nhân Việt Nam, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Bình (HBC) được đánh giá là người rất biết cách sử dụng công cụ truyền thông. Khi Tập đoàn Hòa Bình xảy ra cuộc tranh giành quyền lực nội bộ, nhiều thông tin tiêu cực về tình hình hoạt động của tập đoàn này lan truyền trên mạng xã hội, ông Hải đã chủ động lên tiếng để nhanh chóng trấn an cổ đông, nhân viên Công ty và cũng tránh để những thông tin đồn đoán thiếu căn cứ ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp trong mắt đối tác, thị trường.

Trong thư gửi cán bộ công nhân viên và cổ đông ngày 3/1/2023, ông Hải viết: “Trong những ngày vừa qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng xuất hiện các thông tin trái chiều về một số vấn đề xoay quanh việc tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị Tập đoàn. Những thông tin nói trên đề cập đến việc thay đổi nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Hòa Bình theo chiều hướng ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.

Trước sự nhiễu loạn của các thông tin, thậm chí có kẻ dùng lời lẽ hăm dọa, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị, tôi có trách nhiệm thông báo đến toàn thể cán bộ, công nhân viên rằng, chỉ những thông tin được phát ngôn chính thức bởi Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Viết Hải, người đại diện theo pháp luật của Hòa Bình mới có giá trị và phản ánh đúng sự thật về tình hình Tập đoàn”.

Chủ tịch Hòa Bình cũng nhấn mạnh, những cá nhân, chủ yếu những người không phải là cổ đông của Công ty đang thực hiện các hành vi sai trái không chỉ nhằm bôi nhọ uy tín, danh dự của các lãnh đạo và cổ đông sáng lập mà còn nhằm mục đích chiếm quyền quản lý Tập đoàn và không loại trừ động cơ tiếp tay cho các thế lực, tài lực nhằm thâu tóm Công ty.

Khi nhà sáng lập, người đứng đầu công ty lên tiếng, dư luận được trấn an, cổ đông có được niềm tin lãnh đạo Hòa Bình sẽ sớm đưa doanh nghiệp trở lại ổn định. Kết quả, chỉ sau một tháng, nội chiến tại Hòa Bình đã kết thúc. Hiện Công ty đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc để lấy lại vị thế của mình.

Hiểu rõ sức mạnh của truyền thông, chủ động thông tin trước để xây dựng vị thế doanh nghiệp và xử lý khủng hoảng là quy tắc mà doanh nghiệp cần nằm lòng để tránh rủi ro đổ vỡ.

Chữa cháy khi... lửa nhỏ

Một đốm lửa không xử lý nhanh sẽ thành đám cháy lớn, Bitis’s và bài học xử lý khủng hoảng truyền thông vẫn còn nguyên giá trị. Còn nhớ năm 2021, khi ra mắt sản phẩm Biti’s Hunter Street Bloomin’ Central, Biti’s đã bị dư luận chỉ trích rằng dòng sản phẩm này sử dụng loại gấm được bán trên Taobao (Trung Quốc) và Biti’s được cho là nhầm lẫn khi quảng bá sản phẩm thổ cẩm Tây Nguyên nhưng thực chất là hoa văn của dân tộc Chăm.

Ngay sau đó, Bitis’s đã lên tiếng xin lỗi. Việc xử lý nhanh khủng hoảng truyền thông của Công ty được đánh giá cao. Chuyên gia truyền thông chia sẻ, việc nhận biết nguy cơ khủng hoảng rất quan trọng. Hiện nhiều doanh nghiệp thường chủ quan trước những rủi ro mà không có cách xử lý nhanh chóng và phù hợp có thể tiêu tan cả sự nghiệp, mà câu chuyện của Khải Silk là một ví dụ điển hình.

Bí quyết “giắt lưng” của những người làm truyền thông khi đối diện với khủng hoảng được các chuyên gia chia sẻ: Một là luôn giữ thái độ tự tin, sẵn sàng giải đáp mọi câu hỏi của công chúng; hai là không né tránh giới truyền thông, báo chí; ba là cung cấp thông tin trực quan, rõ ràng, không vòng vo, dài dòng.

Không doanh nghiệp nào có thể dự đoán được mọi điều trong tương lai, không biết trước được trong hành trình phát triển sẽ gặp khó khăn, trở ngại gì, nhưng giữ tâm thế sẵn sàng chủ động ứng phó với khó khăn, trong đó có khó khăn từ khủng hoàng truyền thông là việc tối cần thiết.

Tin bài liên quan