Dấu ấn kết quả kinh doanh quý I

Dấu ấn kết quả kinh doanh quý I

(ĐTCK-online) Các thu nhập một lần như bán tài sản, chuyển nhượng vốn…, đóng góp một phần quan trọng tạo ra con số lợi nhuận ấn tượng tại nhiều DN. Sự phục hồi của một số nhóm ngành như thủy sản, vận tải…, manh nha từ các quý trước dần trở nên rõ nét hơn, giải thích sự tăng giá của nhóm cổ phiếu này trong thời gian gần đây.

Lợi nhuận đột biến từ những khoản thu nhập một lần

CTCP TIE (TIE) đạt gần 11,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý I, tăng gấp 22 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt “tượng trưng” 13 triệu đồng. Phần lợi nhuận khác (do được đền bù giải phóng mặt bằng là 10 tỷ đồng và hơn 3 tỷ đồng thu hỗ trợ tiền bán hàng từ nhà sản xuất) chiếm phần lớn lợi nhuận của Công ty.

Tương tự, CTCP Cơ điện Lữ Gia đạt lợi nhuận sau thuế 10,32 tỷ đồng, tăng gần 24 lần so với cùng kỳ năm trước. Lý do, cùng kỳ năm ngoái, dự án Cao ốc Lữ Gia Plaza do Công ty khởi công đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng, hợp đồng bán căn hộ còn ít nên chưa phát sinh doanh thu. Sang quý I/2010, LGC ký được nhiều hợp đồng bán căn hộ (130/166 căn). Công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận theo tiến độ thu tiền thực tế khiến lợi nhuận tăng cao.

Các blue-chip được nhiều NĐT cho là khó có khả năng tạo ra lợi nhuận đột biến. Điều này không đúng nếu không bỏ qua các khoản thu nhập một lần. Quý I vừa qua, CTCP Kinh Đô (KDC) có lợi nhuận sau thuế 349,45 tỷ đồng, tăng 25,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Khoản doanh thu hoạt động tài chính 582 tỷ đồng phát sinh từ việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của KDC trong CTCP Sài Gòn Kim Cương, hoàn tất vào tháng 2/2010. Công ty hạch toán lợi nhuận vào quý I/2010, khiến lợi nhuận 3 tháng đầu năm cao đột biến, tương đương 68% lợi nhuận cả năm 2009.

 

Nhiều ngành trên đà phục hồi

Tuy nhiên, nếu bỏ qua khoản thu nhập có tính chất một lần thì lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của KDC vẫn tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Điều này xuất phát từ sự hồi phục của nền kinh tế, khiến sức mua và các hoạt động tiêu dùng dần trở lại bình thường. Giải trình của LGC về lợi nhuận quý I cũng cho thấy, tình hình kinh tế trong và ngoài nước đã dần phục hồi ổn định, nên doanh thu bán hàng sản phẩm trụ đèn và thi công hệ thống chiếu sáng công cộng (hoạt động kinh doanh lõi của Công ty) tăng so với quý I/2009, dẫn đến kết quả kinh doanh tốt hơn.

Các hoạt động thương mại, đầu tư và sản xuất trên đà phục hồi, kéo theo nhiều nhóm ngành dần quay lại quỹ đạo cũ. Điển hình là nhóm ngành vận tải, với việc nhiều DN công bố kết quả kinh doanh được cải thiện, do đơn hàng vận tải và giá cước tăng. Sau 5 quý ngập chìm trong thua lỗ, kết thúc quý I/2010, CTCP Đầu tư và Vận tải Dầu khí Vinashin (VSP) đã báo lãi 11,62 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 111,68 tỷ đồng). Tương tự, Vitranschart (VST) đạt lợi nhuận sau thuế gần 25 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 63,5 tỷ đồng), mà chưa cần hạch toán khoản lãi 31 tỷ đồng từ việc thanh lý tàu Viễn Đông; Vinaship (VNA) lãi 14,9 tỷ đồng, tăng 878% so với cùng kỳ năm ngoái, do Công ty kịp đầu tư 3 tàu mới trong năm 2009 và đưa vào khai thác trong quý I/2010. Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) cho biết, lợi nhuận quý I/2010 tăng 48,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước là do hoạt động chính vận chuyển dầu thô chuyển sang thị trường trong nước, với giá cước ổn định. Đồng thời, lợi nhuận của hoạt động cho thuê kho nổi FSO, đại lý và thuê tàu về vận chuyển dầu sản phẩm cho PV Oil cũng tăng so với quý I/2009.

Sau nhóm vận tải, các DN thủy sản cũng có kết quả kinh doanh khởi sắc trở lại, nhờ số đơn hàng và giá bán đều tăng. Quý I/2010, CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) đạt 26,28 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 13 lần so với năm trước; Agifish (AGF) đạt 12 tỷ đồng lợi nhuận, tăng mạnh so với mức thực hiện 1,56 tỷ đồng năm trước; Thủy sản Nam Việt (ANV) công bố lãi 20 tỷ đồng sau 5 quý có kết quả kinh doanh nghèo nàn, khi thua lỗ hoặc lãi nhẹ.

Sự phục hồi kinh tế khiến giá nguồn nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, giúp một số DN ngành nguyên liệu cơ bản duy trì lợi nhuận khả quan. Chẳng hạn, so với cùng kỳ năm trước, giá bán tại CTCP Cao Su Phước Hòa (PHR) quý I/2010 tăng gần 100% (từ 26,3 triệu đồng/tấn cao su lên 51,46 triệu đồng/tấn), giúp lợi nhuận tăng đột biến 262%. Điều tương tự cũng xảy ra với các DN ngành thép, khi dự trữ được lượng nguyên liệu hàng tồn kho giá rẻ.

 

Phía sau sự thua lỗ

Xét trên bình diện chung từ kết quả kinh doanh quý I, nhóm cổ phiếu nhỏ đang có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng so với cùng kỳ năm trước. Điều này khá dễ hiểu khi các DN nhỏ và trung bình dễ bị “tổn thương” hơn trong giai đoạn khủng hoảng, nhưng cũng nhanh chóng thành công trong giai đoạn phục hồi. Về tỷ lệ phần trăm tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước, nhiều penny stock đang đứng ở vị trí quán quân. Tuy nhiên, trong bức tranh chung với các gam màu sáng của nhóm ngành thủy sản và vận tải vẫn có những nốt trầm. Kết thúc quý I, hai cổ phiếu trong diện bị cảnh báo là FBT và MHC công bố kết quả kinh doanh thua lỗ lần lượt 15,5 tỷ đồng và 49,5 tỷ đồng. Giải trình từ FBT cho thấy, trong quý I, giá bán tại thị trường xuất khẩu của Công ty thấp hơn giá vốn, nên lỗ 8,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 2/5 vùng nuôi tôm thẻ bị dịch bệnh chết, khiến Công ty lỗ 5,178 tỷ đồng. Tương tự, trong quý I, doanh thu của MHC chỉ đạt 5,6 tỷ đồng, nhưng giá vốn bán hàng lên tới 24,7 tỷ đồng, cộng với khoản lợi nhuận khác (?) âm 28 tỷ đồng, khiến Công ty thua lỗ lớn. Giống như Tribeco (quý I lỗ 27,45 tỷ đồng, dự kiến cả năm lỗ 57 tỷ đồng), sự thua lỗ của FBT và MHC đã kéo dài qua nhiều quý và chưa thấy dấu hiệu phục hồi so với toàn ngành. Kết quả kinh doanh nghèo nàn này hàm ý rằng, vấn đề của các công ty có thể không đơn thuần nằm ở các biến động thị trường!    

5 DN có mức tăng trưởng lợi nhuận  ấn tượng

 

Một số DN thua lỗ trong quý I

 

Mã CK

Quý I/2010 (tỷ đồng)

So sánh với cùng kỳ 2009

 

Mã CK

Quý I/2010 (tỷ đồng)

Kế hoạch LNST 2010

PVT

37,240

5.800%

 

FBT

-15,500

N/a

KDC

349,400

2.500%

 

MHC

-49,500

N/a

LGC

10,320

2.369%

 

TRI

-27,450

-57,000

TIE

11,200

2.200%

 

MTG

-0,718

15,000

ACL

26,280

1.300%

 

RIC

-9,757

79,400