Cái tên Trần Đắc Sinh gắn với ngành chứng khoán như duyên phận

Cái tên Trần Đắc Sinh gắn với ngành chứng khoán như duyên phận

Dấu ấn Trần Đắc Sinh - 20 năm gắn bó

(ĐTCK) Bữa tiệc mừng sinh nhật thứ 60 của Chủ tịch Sở GDCK TP. HCM (HOSE) Trần Đắc Sinh diễn ra thật ấm áp ngay tại sảnh Tòa nhà chính HOSE. Tòa nhà vừa được gấp rút sang sửa lại, đẹp đẽ và uy nghi, xứng tầm với những dấu ấn lịch sử của đất nước, của ngành chứng khoán đã diễn ra nơi đó. 

Đó cũng là ngày 3 cơ quan HOSE - HNX - VSD quyết định tổ chức Lễ ký kết hợp tác và ra mắt chỉ số chứng khoán chung VNX-Allshare - ghi dấu ấn lịch sử mới trên chặng đường 20 năm hoạt động của TTCK Việt Nam.

Món quà ngày chia tay

“Soái ca” vốn chỉ xuất hiện trong những câu chuyện ngôn tình, nhưng ở HOSE, không biết từ bao giờ, Chủ tịch Trần Đắc Sinh lại luôn được các anh chị em gọi bằng cái tên đặc biệt đó. Điểm thú vị là người của HOSE không ngại ngần bày tỏ tình yêu với Chủ tịch Sở trong cả hoạt động đời thường hay khi phô ra xã hội.

Không ít cách biểu cảm bằng những ngôn ngữ ngọt ngào “allways we love you” hay “our beloved boss” được gửi tặng ông Sinh từ chính các nhân viên dưới quyền ông - một điểm rất hiếm thấy ở các doanh nghiệp nhà nước khác.

Ngày chia tay ông Sinh về nghỉ hưu theo chế độ, hội trường HOSE, nơi thường tổ chức các cuộc hội thảo lớn hoặc đón tiếp các khách quốc tế, các doanh nghiệp mới niêm yết, hôm đó, khác tất cả mọi ngày. Tấm pano treo trang trọng chỉ có một dòng chữ “Cảm ơn tình yêu” với rất nhiều trái tim sáng lấp lánh.

Dấu ấn Trần Đắc Sinh - 20 năm gắn bó ảnh 1

Ông Trần Đắc Sinh 

Đó chắc chắn là món quà quý giá nhất khi ông hoàn tất sứ mệnh với công việc, bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời.

Như chia sẻ của ông, năm 1996, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra đời, ông đang giữ chức Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp ở Lâm Đồng. Một ngày, TS. Cao Sỹ Kiêm, thời đó là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đến nhà chơi rồi thuyết phục ông Sinh ra Hà Nội, tham gia ngành chứng khoán. Rồi nhận thêm sự động viên của ông Lê Văn Châu, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, người được giao nhiệm vụ Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng bà Nguyễn Thị Thanh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, UBCK, ông đã lên đường ra Hà Nội, đảm nhiệm chức Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường đầu tiên của UBCK. Đó là ngày 1/7/1997 - ngày thay đổi cuộc đời ông.

Thời điểm đó, với ông Sinh, việc thay đổi công việc là “một quyết định mạo hiểm”, vì ngành chứng khoán bằng 0, mọi thứ vô cùng khó khăn, lương không đủ sống. Mọi người, chưa ai biết về chứng khoán, tất cả phải dò dẫm từ đầu. Vụ Phát triển thị trường, nơi ông lãnh đạo, bắt tay vào nghiên cứu, tìm kiếm mô hình, phác thảo những nét vẽ đầu tiên tạo nên TTCK. Thời kỳ đó, TS. Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK đương nhiệm là Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh tại Ủy ban.

Năm 1998, một đoàn cán bộ UBCK được cử vào biệt phái tại TP.HCM, chuẩn bị các điều kiện từ địa điểm, cơ sở hạ tầng, công nghệ, quy trình nghiệp vụ... cho sự vận hành của TTCK. Ông Vũ Bằng đảm nhận vị trí Giám đốc Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. HCM, còn ông Sinh làm Phó giám đốc.

Đến 20/7/2000, TTCK Việt Nam khai trương hoạt động tại TP. HCM. Theo ông Sinh, đó là một dấu ấn vô cùng đặc biệt với đất nước, dấu ấn khai mở một thị trường hoàn toàn mới - TTCK trong một nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

20 năm đã qua, từ con số 0 tròn trĩnh, Việt Nam đã có một TTCK với quy mô vốn hóa 70 tỷ USD, tiếp sức cho nhiều doanh nghiệp lớn lên, ghi danh trên trường quốc tế như Vinamilk, Vingroup, REE, Hoa Sen, Hòa Phát...

20 năm, nói chuyện với lớp người đầu tiên “đi vỡ đất”, đâu đâu cũng có chung một niềm xúc động. Cũng là người trong lớp đầu tiên ấy, ông Nguyễn Duy Hưng, trong một chia sẻ về ngày thị trường chia tay ông Sinh đã viết: “Cái gì bắt đầu cũng phải có lúc kết thúc. Về hưu, anh Sinh có thể tự hào về những gì anh đã làm, đã đóng góp xây TTCK để chúng ta có một sở GDCK mà ngày ấy nằm mơ cũng không ai nghĩ ra được. Với cá tính dám nghĩ, dám làm, thỉnh thoảng bất chấp các nguyên tắc, anh là lựa chọn tốt nhất để lãnh đạo Sở trong giai đoạn vừa qua”.

Cái tên Trần Đắc Sinh gắn với ngành chứng khoán như duyên phận. Ông đã đi đến cuối chặng đường làm việc của một vị công chức bằng tầm nhìn của một người anh cả, một người dẫn dắt.

Ông kể, nhiều cuộc họp Hội đồng quản trị HOSE, bàn về giải pháp phát triển TTCK, các thành viên cứ bàn mãi, nhưng thực ra, mấu chốt chỉ ở sự minh bạch. Giải quyết được điểm mấu chốt đó TTCK sẽ phát triển theo quy luật tự nhiên.

“Trong những năm qua, các anh em trong ngành, trong HOSE đã làm việc hết sức cố gắng, làm không biết mệt mỏi, nhưng vẫn những vướng mắc ở tầm vĩ mô, khiến câu chuyện thị trường chưa phát triển trọn vẹn”, ông Sinh tâm sự.

Xây TTCK còn rất nhiều việc phải làm phía trước, cần những nỗ lực, những con người giỏi giang, tâm huyết, với quyết tâm đưa thị trường lên các nấc thang cao hơn.

Chất đam mê và cách tạo năng lượng cho cộng sự

Những ai đến HOSE lần đầu hay mới tiếp xúc với ông Sinh chắc chắn sẽ ngạc nhiên khi ông dễ dàng gọi một cơ số nhân sự tại Sở, cả nam, lẫn nữ là... “tình yêu của anh”.

Để xây dựng TTCK Việt Nam từ con số 0, hai sở GDCK đã cùng được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 1998, nhưng HOSE khai mở trước (năm 2000), HNX khai mở sau (năm 2005).

Nếu ở đầu TP. HCM, HOSE có Trần Đắc Sinh, thì ở đầu Hà Nội, HNX có vị Chủ tịch xứng tầm Trần Văn Dũng. Đầu năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ra một quyết định bất ngờ, cử Chủ tịch HNX vào đảm nhận vị trí Tổng giám đốc HOSE, thay cho bà Phan Thị Tường Tâm đã hoàn thành nhiệm vụ. Vào thời điểm đó, tại HNX có không ít những giọt nước mắt khi phải chia tay người đã gắn bó và tạo dựng HNX từ thời sơ khởi. Tại HOSE, cũng có không ít sự bỡ ngỡ khi tiếp nhận người lãnh đạo hoàn toàn mới, người mà trước đó không ai nghĩ sẽ có ngày đảm nhiệm vị trí này.

Tháng 9/2016, trong một cuộc làm việc của Hội đồng chỉ số TTCK Việt Nam tại HOSE, vẫn phong cách cũ, Chủ tịch Sinh không ngại ngần khoe các “tình yêu của anh”, nhưng bên cạnh những cái tên thân thuộc như Anh Đào, Việt Hà, Hoàng Giao, Hải Trà, Tuấn Vũ, Lệ Hằng..., có thêm người mới đến: Trần Văn Dũng.

Tháng 10, trong cuộc hội ngộ tại Hà Nội với Tổng giám đốc 10 sở GDCK ASEAN, Chủ tịch HOSE đã nói lời cảm ơn chân thành những người đồng cấp đã giúp ông xây dựng Sở. Tại đây, chia sẻ với các sở bạn, ông Sinh hân hoan giới thiệu người kế nhiệm là Trần Văn Dũng trong sự ngỡ ngàng của không ít khách mời.

Hỏi ông định nghĩa thế nào về tình yêu và vì sao ông có nhiều tình yêu như thế? Chủ tịch Sinh cười bảo, đó là những người ông nhận ra có “cái chất đam mê với nghề”. Ông đặt họ lên mức cảm xúc cao nhất và đẹp nhất: tình yêu.

Trong một bài giảng pháp cho doanh nhân, đại đức Thích Quang Minh chia sẻ, bản chất của cuộc sống là vô thường và bất toại nguyện nên để diệt khổ não, Đức Phật luôn khởi tâm yêu thương trong mọi chúng sinh.

Theo triết lý nhà Phật, yêu thương khác hoàn toàn với việc bố thí. Tâm yêu thương là tâm nhu nhuyến, yêu vô hạn và hoan hỉ, không phản bội, không từ bỏ chúng sinh. Với con người, theo lời dạy của Đức Phật, những người biết yêu thương là người thấy cái đẹp trong mình và trong người khác.

Nói cách khác, yêu thương sẽ đến khi chúng ta nhận ra cái đức tính tốt đẹp của người khác, hành động tốt đẹp của người khác và lời nói tốt đẹp của người khác. Trong guồng máy xã hội hiện nay, ai ai cung mong muốn có địa vị, thật nhiều tiền, nhiều quan hệ, nhưng trong sâu thẳm cuộc sống, chúng ta có thật sự cần tiền hay cần cái khác để cảm nhận hạnh phúc? Hạnh phúc không phải là điểm đến, mà chính là con đường.

Có lẽ Trần Đắc Sinh may mắn hơn rất nhiều người khác khi ông khởi nên tâm yêu thương và lan tỏa giá trị đó đến nhiều cộng sự. Ông bước đi trên một con đường hạnh phúc, sống trọn vẹn với công việc như sứ mệnh và khích lệ các cộng sự cũng làm như thế bằng tâm thế của tình yêu...                                              

Tin bài liên quan