Đầu tư bền vững trong thị trường “bò”

Đầu tư bền vững trong thị trường “bò”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xu hướng tăng kéo dài của thị trường chứng khoán khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý chủ quan, dẫn đến sự “dễ dãi” trong giải ngân, nhưng muốn "đi bền" với thị trường thì quản trị rủi ro và đầu tư giá trị là rất quan trọng.

Mua theo cảm tính

“Kiếm tiền trên thị trường chứng khoán rất dễ”, một nhà đầu tư nói.

Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ, giá cổ phiếu vẫn tăng trần. Có những cổ phiếu tốt, nhưng mức tăng giá phi mã. Một số cổ phiếu có các chỉ số hấp dẫn, nhưng lại không thu hút nhà đầu tư…

Nhìn chung, thị trường chứng khoán đang “vàng thau lẫn lộn” và một bộ phận nhà đầu tư mua theo cảm tính, cảm thấy giá còn rẻ, hoặc có khả năng tiếp tục tăng là mua, chứ không quan tâm nhiều đến giá trị doanh nghiệp hay triển vọng hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Theo nhà đầu tư P. Trần, có những cổ phiếu của doanh nghiệp nhỏ trên UPCoM hoạt động không hiệu quả, nhưng được giao dịch với giá cao, giá điều chỉnh giảm vẫn không sợ hãi, mà tin rằng giá sẽ tiếp tục tăng. Trong khi đó, nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả, giá chỉ cần giảm nhẹ đã vội “lên án” doanh nghiệp.

Có những cổ phiếu lớn gần đây giảm mạnh, nhưng so với mức giá vài tháng trước hoặc 1 năm trước, nhà đầu tư vẫn lãi được tính bằng lần.

Chẳng hạn, cổ phiếu HPG từ đầu tháng 11 đến nay giảm gần 14%, từ 55.700 đồng/cổ phiếu xuống 48.000 đồng/cổ phiếu tính đến hết phiên 19/11/2021, nhưng so với đầu năm, giá cổ phiếu này cao hơn 80%.

Cổ phiếu của một số doanh nghiệp cùng ngành như NKG giảm 20,5%, HSG giảm 18% so với đầu tháng, nhưng so với đầu năm vẫn tăng gấp đôi, gấp ba.

“Có người đầu tư cổ phiếu thép chỉ đơn giản dựa vào diễn biến tăng của giá thép thế giới, tức hoàn toàn đầu cơ theo giá thép, nên khi thấy giá thép thế giới tăng là mua, đảo chiều giảm là bán. Kỳ vọng từ cái gì thì sẵn sàng cho kịch bản ngược lại, mà không cần phân tích doanh nghiệp. Đầu tư chứng khoán quá dễ dãi”, nhà đầu tư Ngọc Nguyễn nhận xét.

Anh Nguyễn chia sẻ, anh duy trì mức đánh giá cao các doanh nghiệp đầu ngành thép, cụ thể là HPG. Chưa bàn về xu hướng giá thép, chưa lượng hoá về mức độ sụt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp khi giá thép giảm cũng như thời điểm tác động, vì giá thép tại Việt Nam thường có độ trễ so với thế giới, điều anh đánh giá cao là vị thế của một doanh nghiệp hàng đầu, làm thật, lãi thật, trong giai đoạn khó khăn bởi dịch Covid-19 vẫn tạo ra lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng, trong đó quý III/2021 đạt hơn 10.300 tỷ đồng.

“Nắm giữ cổ phiếu HPG hiện nay chắc chắn ít rủi ro hơn là nắm giữ cổ phiếu tăng trần do các nhà đầu tư trong men say chiến thắng tung hô, bất kể doanh nghiệp ngành nghề nào, hoạt động ra sao, chỉ cần có đội, nhóm phím hàng, khuyến nghị”, anh Nguyễn nói.

Đơn cử, cổ phiếu PVL gần đây tăng trần nhiều phiên, dù doanh nghiệp có thông báo về việc lấy ý kiến huỷ niêm yết và cổ đông lớn, cổ đông nội bộ có động thái bán ra. Đặc biệt, doanh nghiệp có lỗ luỹ kế 259 tỷ đồng tính đến cuối quý III/2021. Tất nhiên, lợi nhuận quý III tăng cao, nhưng yếu tố đó khó có thể giúp cổ phiếu tăng giá gấp 3 chỉ sau 1,5 tháng.

Đối với cổ phiếu CEO, gần 10 phiên tăng trần liên tiếp đã đưa giá cổ phiếu này từ đầu tháng 11 từ 12.300 đồng/cổ phiếu lên 29.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 137,4%, dù doanh nghiệp thua lỗ 4 quý liên tiếp.

Trong cùng khoảng thời gian, không ít cổ phiếu bất động sản khác tăng giá mạnh như QCG tăng 50%, LDG tăng 48%, HQC tăng 31%..., trong khi kết quả kinh doanh nhìn chung “lẹt đẹt”.

Có doanh nghiệp đã phải lên tiếng cảnh báo rủi ro khi thấy giá cổ phiếu tăng cao như mã TNI của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Nam (TNI), tăng 2,4 lần kể từ đầu tháng 11/2021.

Lãnh đạo TNI đã chia sẻ trước truyền thông về tình hình kinh doanh ở các mảng đều khó khăn, như mảng thương mại thép, diễn biến tăng giá thép chỉ là nhất thời, không phải là cơ hội trong dài hạn; mảng xuất khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Còn mảng bất động sản, TNI đã có 3 năm chuẩn bị để phát triển dự án ở Đà Nẵng, nhưng đang gặp vấn đề về pháp lý chung tại khu vực này, nên tiến độ thực hiện dự án bị ảnh hưởng.

“Nhà đầu tư mua đuổi giá cổ phiếu TNI chỉ nhìn vào các dự án bất động sản để kỳ vọng, chứ không tìm hiểu về tiến độ, pháp lý dự án...”, nhà đầu tư L.N.An nói và cho rằng, không phải cổ phiếu thị giá thấp là rẻ và ngược lại. Khi không hiểu bản chất của dòng tiền, không hiểu bản chất cốt lõi về đặc điểm và rủi ro từng ngành, không hiểu về định giá, không biết được rằng chỉ số VN-Index chẳng liên quan đến lợi nhuận của các doanh nghiệp, thì nhà đầu tư sẵn sàng “bán kim cương mua giấy” và chẳng bao giờ biết “gồng lãi” là gì.

Cổ phiếu cứ đỏ là sốt ruột bán, càng muốn gỡ nhanh càng dễ đưa ra quyết định sai. Nếu không hiểu mua và nắm giữ vì điều gì, nhà đầu tư sẽ bán khi thấy VN-Index đỏ và mua khi chỉ số xanh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam từ tháng 4/2020 đến nay được xem là thị trường “bò”, dùng để chỉ một thị trường đang trên đà đi lên, giá hầu hết cổ phiếu có diễn biến tăng. Trong giai đoạn đó, nhà đầu tư có niềm tin rằng, xu hướng tăng sẽ tiếp diễn, nên có tâm lý chủ quan, “bán là mất, mua là được”, dẫn đến sự “dễ dãi” trong hành động.

Sự dễ dãi này trong thời gian qua mang lại lợi nhuận, nhờ sự ủng hộ của dòng tiền mới tham gia thị trường rất hùng hậu. Nhưng cũng chính vì thị trường bị chi phối bởi dòng tiền nhà đầu tư cá nhân, theo thống kê, thường ở mức trên 85% giá trị giao dịch hàng ngày, thì trong nửa đầu tháng 11, tỷ trọng này lên đến gần 90%, cho thấy tính đầu cơ được đẩy lên cao.

Hết thời dễ dãi giải ngân

Tại cuộc toạ đàm “Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp, kênh đầu tư sinh lời và tích sản” do Báo Đầu tư Chứng khoán vừa tổ chức, các chuyên gia đánh giá, có những mã cổ phiếu tăng nóng, gây rủi ro thua lỗ, khiến nhà đầu tư thận trọng hơn trong các quyết định giao dịch. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán tiếp tục có triển vọng sáng, mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu tốt để tích lũy, nắm giữ trung và dài hạn.

Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các doanh nghiệp năm 2021 được dự báo tăng khoảng 18%, giai đoạn 2022 - 2023 tăng trên 20%/năm.

Thị trường chứng khoán trong 2 năm qua, trước tác động của dịch bệnh Covid-19, trong nguy có cơ, đã trưởng thành hơn, lớn hơn, phát triển sang một giai đoạn mới, thời kỳ mới, bền vững và phù hợp với sự phát triển của kinh tế.

Trong giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh, có những doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng đa số doanh nghiệp có sức chống chọi tốt, vẫn vững vàng, thậm chí tăng trưởng cao. Theo đó, các doanh nghiệp cơ bản, có nền tảng vững chắc, có khả năng khai phá thị trường mới, biến nguy thành cơ…, đều mang lại cơ hội đầu tư, cơ hội tích sản bằng cổ phiếu.

Nhiều doanh nghiệp gặp thuận lợi khi huy động vốn qua thị trường chứng khoán để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Năm 2020, các doanh nghiệp huy động hơn 470.000 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2021 huy động được khoảng 300.000 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các doanh nghiệp năm 2021 được dự báo tăng khoảng 18%, giai đoạn 2022 - 2023 tăng trên 20%/năm.

Tin bài liên quan