Tuyến đường sắt đô thị số 5 sẽ kết nối với đường sắt đô thị số 2, đoạn Cát Linh - Hà Đông.

Tuyến đường sắt đô thị số 5 sẽ kết nối với đường sắt đô thị số 2, đoạn Cát Linh - Hà Đông.

Đầu tư gần 70.000 tỷ đồng cho tuyến đường sắt đô thị số 5

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng vừa ký Quyết định số 1514/QĐ-HĐTĐNN phê duyệt Kế hoạch thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.

Theo quy định nội dung thẩm định quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công, thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước cho ý kiến, thẩm định kỹ lưỡng 14 nội dung quan trọng.

Nổi bật là việc đáp ứng các tiêu chí xác định dự án là dự án quan trọng quốc gia; sự cần thiết đầu tư, các điều kiện để thực hiện đầu tư, đánh giá về sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan; đánh giá về dự báo nhu cầu, phạm vi phục vụ và dự kiến mục tiêu đầu tư, quy mô và hình thức đầu tư; đánh giá về việc phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật chính; đánh giá xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn; tiến độ dự kiến thực hiện dự án…

Theo sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 65.404 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách thành phố Hà Nội, được đầu tư một lần, không thực hiện phân kỳ đầu tư. Dự án được dự nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, có thể cân đối bố trí bổ sung giai đoạn 2026 - 2030.

Phương án cân đối nguồn lực đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 từ 5 nguồn vốn được Hội đồng thẩm định thành phố họp thông qua.

Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội sẽ dành 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công và tiết kiệm chi trong giai đoạn 2021 - 2025; 18.000 - 20.000 tỷ đồng vốn từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp; 15.000 tỷ đồng từ đấu giá một số khu đất; phát hành trái phiếu dự kiến 10.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, vay tổ chức tài chính trong và ngoài nước cho phần kinh phí còn lại khoảng 6.900 tỷ đồng.

Trong đó, tiến độ thực hiện như sau: giai đoạn chuẩn bị đầu tư từ năm 2018 - 2022. Tiếp đó, giai đoạn thực hiện dự án từ năm 2022 - 2026, trong đó, giai đoạn vận hành thử và bàn giao dự án vào cuối năm 2025; công tác nghiệm thu, thanh quyết toán năm 2026 - 2027.

Theo kết quả nghiên cứu của UBND thành phố Hà Nội, tuyến metro số 5 sẽ là tuyến đường sắt đô thị theo tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, với chiều dài 38,43 km, gồm 6,5 km đi ngầm, 2 km đi trên cao và 29,93 km đi trên mặt đất.

Việc đầu tư tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc sẽ hình thành tuyến đường sắt đô thị hướng tâm trong tổng thể quy hoạch theo Quyết định 519/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dự án đi qua địa phận các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm; các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, với 21 ga, gồm 6 ga ngầm, 14 ga trên mặt đất và 1 ga trên cao và 2 depot được bố trí tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức và tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất.

Tuyến sử dụng đoàn tàu 4 toa cho giai đoạn từ năm 2025 - 2040 và cấu hình đoàn tàu 6 toa cho giai đoạn từ năm 2050 trở về sau. Số lượng phương tiện cần thiết cho từng thời kỳ là 26 đoàn tàu (4 toa) năm 2025; 37 đoàn tàu (4 toa) năm 2035 và 38 đoàn tàu (6 toa) năm 2050. Vận tốc thiết kế 120 km/h và 90 km/h đối với các đoạn đi ngầm; thời gian chờ tàu vào khoảng 3,3 phút.

Một phần tuyến chạy dọc theo khu vực trung tâm tập trung dân cư cao, đoạn tuyến còn lại đi qua các khu đô thị đang phát triển, đặc biệt là đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Hướng tuyến kết nối phía Tây của Thành phố với đô thị trung tâm, giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô, đồng bộ di dời các cơ quan, trụ sở… và kéo theo phát triển kinh tế các huyện còn khó khăn để cùng phát triển.

Tuyến số 5 hình thành sẽ kết nối và trung chuyển hành khách với các tuyến đường sắt đô thị số 2, 3, 4, 6, 7, 8, cho phép hành khách di chuyển nhanh và thuận tiện từ các khu vực ngoại ô vào trung tâm Thành phố.

Đồng thời, hiệu quả của dự án sẽ tác động tới việc thúc đẩy sự phát triển đô thị ngoài trung tâm, góp phần cơ cấu, sắp xếp, phân bổ lại dân cư vùng đô thị lõi, phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tin bài liên quan