Ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT tại CTCP Đầu tư Hải Phát.

Ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT tại CTCP Đầu tư Hải Phát.

Đầu tư Hải Phát (HPX): Gia đình Chủ tịch Đỗ Quý Hải bị bán giải chấp 41,93 triệu cổ phiếu, tương đương 13,8% vốn điều lệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hàng loạt lãnh đạo và người thân bị bán giải chấp trong phiên khớp lệnh kỷ lục của CTCP Đầu tư Hải Phát (mã HPX - sàn HoSE).

Cụ thể, ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT vừa bị bán giải chấp 36.011.900 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 40,04% về còn 28,2% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ ngày 28/11 đến ngày 30/11.

Bà Chu Thị Lương, vợ ông Đỗ Quý Hải cũng bị bán giải chấp 3.604.400 cổ phiếu HPX để giảm sở hữu từ 3,75% về còn 2,57% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 29/11 đến 30/11.

Ông Đỗ Quý Đường, em trai ông Đỗ Quý Hải vừa bị bán giải chấp 2.318.000 cổ phiếu HPX để giảm sở hữu từ 1% về còn 0,2% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ ngày 29/11 đến 30/11.

Như vậy, gia đình Chủ tịch Đỗ Quý Hải vừa bị bán giải chấp 41.934.300 cổ phiếu HPX, tương ứng 13,8% vốn điều lệ tại Đầu tư Hải Phát.

Ngược lại, ngày 30/11, bà Trần Thị Thái Bình, em gái ông Trần Vũ Thái Hòa, thành viên HĐQT Đầu tư Hải Phát mua vào 26.900 cổ phiếu để nâng sở hữu từ 0 cổ phiếu lên 26.900 cổ phiếu.

Mặc dù vậy, trước đó không ghi nhận đăng ký giao dịch của bà Trần Thị Thái Bình.

Theo quy định, điểm 1a, Điều 33 của Thông tư 96/2020/TT-BTC quy định trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch tối thiểu 03 ngày làm việc, người nội bộ và người có liên quan phải công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII hoặc Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này.

Như vậy, căn cứ theo Thông tư 96/2020/TT-BTC, bà Trần Thị Thái Bình có dấu hiệu bán mà không công bố thông tin dự kiến giao dịch.

Ngay sau đó, từ ngày 7/12 đến 30/12, bà Trần Thị Thái Bình đăng ký bán toàn bộ 26.900 cổ phiếu vừa mua vào.

Trước đó, ngày 30/11, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital bán ra toàn bộ 36.213.187 cổ phiếu HPX để giảm sở hữu từ 11,91% vốn điều lệ về 0% vốn điều lệ. Trong đó, Vietnam Enterprise Investments Limited bán toàn bộ 26.545.716 cổ phiếu; Amersham Industries Limited bán toàn bộ 7.883.486 cổ phiếu; và Wareham Group Limited bán toàn bộ 1.783.985 cổ phiếu.

Như vậy, sau giao dịch thoái toàn bộ, nhóm Dragon Capital không còn là cổ đông lớn tại Đầu tư Hải Phát.

Bối cảnh, cổ phiếu HPX vừa trải qua chuỗi mất thanh khoản từ ngày 11/11 đến ngày 29/11 và có thanh khoản trở lại từ ngày 30/11. Nếu nhìn rộng ra, từ ngày 4/11 đến ngày 29/11, cổ phiếu HPX đã giảm 66,8% từ 25.600 đồng/cổ phiếu về 8.510 đồng/cổ phiếu.

Điểm đáng lưu ý, phiên ngày 30/11, cổ phiếu HPX khớp lệnh kỷ lục lên tới 165,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 54,33% vốn điều lệ của Công ty.

Đầu tư Hải Phát đang có dư nợ trái phiếu dài hạn lên tới 2.650,04 tỷ đồng

Tính tới 30/9/2022, Đầu tư Hải Phát đang có tổng dư nợ ngắn hạn và dài hạn là 4.754,7 tỷ đồng, chiếm 46,2% tổng nguồn vốn và bằng 1,31 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, 1.518,6 tỷ đồng là nợ ngắn hạn và 3.236,1 tỷ đồng là nợ vay dài hạn.

Theo thuyết minh của Báo cáo tài chính quý III/2022, Đầu tư Hải Phát đang có tổng dư nợ 2.650,04 tỷ đồng dài hạn liên quan tới 8 lô trái phiếu.

Cụ thể, lô trị giá 449,82 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Navibank; lô 349,79 tỷ đồng được tư vấn bởi Navibank; lô 300 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Smart Invest; lô 255,47 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán MB; lô 496,45 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Smart Invest; lô 298,73 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam; lô 249,78 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Dầu khí; và lô 250 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Bảo Việt.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/12, cổ phiếu HPX tăng 630 đồng lên 9.730 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan