Tại Đầu tư Hải Phát, hiện chỉ có một cổ đông lớn là ông Đỗ Quý Hải- Chủ tịch Hội đồng quản trị, với tỷ lệ sở hữu 13,43%

Tại Đầu tư Hải Phát, hiện chỉ có một cổ đông lớn là ông Đỗ Quý Hải- Chủ tịch Hội đồng quản trị, với tỷ lệ sở hữu 13,43%

Đầu tư Hải Phát (HPX): Thách thức kế hoạch gọi vốn mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại đại hội cổ đông, dự kiến tổ chức vào ngày 26/4 tới, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (mã HPX) dự kiến trình phương án tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng, với giá chào bán cao gấp rưỡi thị giá hiện tại.

“Đặt cược” vào tăng vốn

Ngay sau khi cổ phiếu được giao dịch trở lại (từ ngày 20/3/2024), Đầu tư Hải Phát đã công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên năm 2024 với nội dung đáng chú ý là tờ trình tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng, thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông riêng lẻ và cổ đông hiện hữu. Trong đó, Công ty dự kiến chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1, tương ứng phát hành 159,69 triệu cổ phiếu, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm huy động 1.596,9 tỷ đồng. Kế hoạch này sẽ triển khai trong năm 2024. Bên cạnh đó, Công ty chào bán 140,3 triệu cổ phiếu riêng lẻ, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm huy động 1.403,1 tỷ đồng từ các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (dưới 100 nhà đầu tư). Cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Theo tờ trình của Hội đồng quản trị Đầu tư Hải Phát, toàn bộ 3.000 tỷ đồng dự kiến huy động được thông qua hai đợt phát hành sẽ dùng để tái cơ cấu nợ vay và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn; đầu tư góp vốn vào công ty con để tái cơ cấu và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn của công ty con; đầu tư phát triển các dự án của Công ty; bổ sung vốn lưu động.

Cũng theo Đầu tư Hải Phát, mục tiêu tài chính trong năm 2024 của Công ty là tăng vốn để có nguồn lực và dòng tiền phục vụ hoạt động, tập trung cơ cấu và xử lý nguồn vốn cho các gói trái phiếu đến hạn, mua lại trước hạn các gói trái phiếu và trả nợ các tổ chức tín dụng trong quý IV.

Báo cáo tài chính năm 2023 của Đầu tư Hải Phát cho thấy, tại thời điểm 31/12/2023, Công ty chỉ có 31,16 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 0,38% tổng tài sản. Trong khi đó, tổng nợ vay lên tới 2.465,4 tỷ đồng, gồm 1.828,4 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 637 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính 2023, ngày 28/10/2024, Công ty sẽ phải trả 248,8 tỷ đồng nợ trái phiếu do Công ty Chứng khoán Dầu khí tư vấn phát hành; ngày 5/11/2024, phải trả 193,88 tỷ đồng trái phiếu do Công ty Chứng khoán MB tư vấn; ngày 31/12/2024, phải trả 300 tỷ đồng trái phiếu do Công ty Chứng khoán Smart Invest tư vấn; ngày 25/11/2024, phải trả trái phiếu trị giá 250 tỷ đồng do Công ty Chứng khoán Bảo Việt tư vấn… Như vậy, chỉ riêng số nợ trái phiếu cần thanh toán trong năm 2024 của Đầu tư Hải Phát đã lên tới gần 1.000 tỷ đồng, tập trung vào quý cuối năm.

Có thể thấy, trong bối cảnh quỹ tiền mặt hạn chế, “hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn còn nhiều thách thức, Công ty khó tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, khó phát hành được trái phiếu” như thừa nhận của lãnh đạo Đầu tư Hải Phát, bài toán dòng tiền để trả nợ và đầu tư dự án đang được Đầu tư Hải Phát “đặt cược” vào kế hoạch phát hành cổ phiếu.

Thực tế, do gặp khó dòng tiền, ngày 21/12/2023, doanh nghiệp đã bán phần vốn góp tại Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang để giảm sở hữu từ 78% về còn 4,5% vốn điều lệ. HP Hospitality Nha Trang là chủ đầu tư dự án TM1, thuộc dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập, nằm ngay cửa sông Cái, giáp với cầu Trần Phú, vị trí rất đắc địa ở thành phố biển Nha Trang. Dự án này được xây dựng trên khu đất có diện tích 8.111 m2, gồm hai khối tháp cao 40 tầng (thương mại, condotel, khách sạn) với tổng vốn đầu tư 3.945 tỷ đồng.

Bài toán đầy thách thức

Chỉ riêng số nợ trái phiếu cần thanh toán trong năm 2024 của Đầu tư Hải Phát đã lên tới gần 1.000 tỷ đồng, tập trung vào quý cuối năm.

Đầu tư Hải Phát được thành lập từ năm 2003 và chính thức niêm yết trên sàn HOSE vào ngày 24/7/2018. Sau khi lên sàn, giá cổ phiếu HPX có giai đoạn tăng nóng, đạt đỉnh 40.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 26/11/2021 và duy trì ở vùng giá cao trước khi bị bán tháo từ cuối năm 2022. Kể từ giai đoạn bán tháo cuối năm 2022 đến thời điểm hiện tại, ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị và người thân liên tục bị bán giải chấp, cũng như bán ra cổ phiếu. Trong đó, ông Đỗ Quý Hải giảm tỷ lệ sở hữu từ 40,04% về 13,43% vốn điều lệ; bà Chu Thị Lương - vợ ông Hải đã giảm sở hữu từ 3,75% về 1,65%. Hai người em ruột ông Hải là ông Đỗ Quý Đường và Đỗ Quý Thành lần lượt giảm tỷ lệ sở hữu tại Đầu tư Hải Phát từ 1% về 0,22% và từ 2,93% về 0%…

Tính tới ngày 31/12/2023, theo Báo cáo thường niên 2023 của Đầu tư Hải Phát, Công ty chỉ có một cổ đông lớn là Chủ tịch Đỗ Quý Hải, với tỷ lệ sở hữu 13,43% vốn điều lệ.

Đáng chú ý, ngày 14/9/2023, Đầu tư Hải Phát công bố thông tin về việc ông Hoàng Văn Toàn và các bên liên quan (hai chị gái, anh rể và Công ty Đầu tư Toàn Tín Phát) đã sở hữu 16,54% vốn điều lệ của Đầu tư Hải Phát. Tuy nhiên, tới ngày 1/4/2024, nhóm cổ đông này công bố đã bán ra 35.121.100 cổ phiếu HPX, giảm tỷ lệ sở hữu từ 16,54% về 4,997% vốn điều lệ và chính thức không còn là cổ đông lớn. Thêm vào đó, dù cử người tham gia Hội đồng quản trị (ông Vũ Hồng Sơn), song trước khi thoái vốn xuống dưới 5%, nhóm cổ đông Toàn Tín Phát không có động thái trực tiếp rót vốn để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn thanh khoản.

Trở lại với kế hoạch gọi vốn mới của Đầu tư Hải Phát, với việc chỉ còn duy nhất một cổ đông lớn là ông Đỗ Quý Hải, với tỷ lệ sở hữu 13,43% và tổng sở hữu của nhóm cổ đông liên quan tới ông Hải cũng chỉ đạt trên 15% - tỷ lệ biểu quyết khá thấp để đảm bảo cho sự đồng thuận của đại hội đồng cổ đông với tờ trình tăng vốn. Ngay cả khi tờ trình này được đại hội cổ đông thông qua, thì khả năng huy động vốn thành công là một ẩn số. Nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện nắm giữ tới gần 85% cổ phần của Công ty, trong khi mức giá phát hành lại không hấp dẫn, cao hơn nhiều so với giá cổ phiếu đang giao dịch trên sàn (6.750 đồng/cổ phiếu vào cuối tuần qua). Chưa kể, việc mua cổ phiếu phát hành thêm còn phải chờ thời gian để cổ phiếu phát hành mới được niêm yết bổ sung. Việc cổ đông nội bộ giảm mạnh tỷ lệ sở hữu, nhóm cổ đông mới “quay xe” cũng là yếu tố cổ đông, nhà đầu tư bên ngoài e ngại với tiềm năng, triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp.

Kế hoạch tăng vốn “khủng” của Đầu tư Hải Phát có được thông qua và triển khai thành công hay không sẽ phụ thuộc vào khả năng thuyết phục của Ban lãnh đạo Công ty với cổ đông, nhà đầu tư tại đại hội cổ đông tới đây.

Tin bài liên quan