Giá vàng liên tục giảm mạnh

Giá vàng liên tục giảm mạnh

Đầu tư, không tính đến vàng

(ĐTCK) VN-Index leo đến ngưỡng 500 điểm thì quay đầu trong những ngày gần đây không phải do nhà đầu tư tìm đến vàng.

Chắc chắn vậy, do ai cũng sẽ đắn đo, nếu không muốn nói là không dám tính đến chuyện bỏ tiền vào kim loại quý giai đoạn này.

Trong vòng 3 tuần trở lại đây, giá vàng thế giới và trong nước liên tục trong chiều hướng giảm khi ngày càng có nhiều dữ kiện cho thấy, khả năng Mỹ sẽ sớm cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng đang cao hơn bao giờ hết.

Ở đây, xin nhắc lại rằng, sở dĩ vàng đã “làm loạn” thị trường thế giới trong những năm vừa qua chính là do chương trình kích thích kinh tế sau khủng hoảng tài chính 2008 vô tiền khoáng hậu của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed).

Nếu quan sát biểu đồ giá vàng từ năm 2008 cho đến khi đạt đỉnh vào tháng 9/2011, có thể thấy, trước mỗi đoạn dốc đứng đi lên đều là thời điểm Fed tuyên bố các gói QE1, QE2 rồi QE3.

Giá chỉ chịu khựng lại và giảm khi kinh tế Mỹ có dấu hiệu hồi phục, ý là Fed có thể sẽ không còn vung tiền ra nữa, đặc biệt từ tháng 6 vừa qua, khi Chủ tịch Fed đánh tiếng về khả năng này.

Điều đáng nói là, căn cứ cốt lõi để Fed quyết định có sớm thu lại gói QE3 hay không - thông tin việc làm - lại có cải thiện bất ngờ trong tháng 10, tháng mà Chính phủ Mỹ đóng cửa mất nửa già.

Với thông tin này, cùng nhiều dữ liệu kinh tế tích cực khác, Fed đang được thị trường dự đoán sẽ tiến gần hơn đến quyết định cắt “nguồn sữa” cho nền kinh tế. Và cách mà các nhà giao dịch và nhà đầu tư phản ánh suy nghĩ đó là hạn chế mua vào và tăng cường bán ra, khiến giá vàng giảm về gần với mức thấp nhất trong vòng 4 tháng.

Trong khi đó, Ấn Độ, một trong những thị trường tiêu thụ vàng vật chất lớn nhất thế giới lại giảm đáng kể lượng nhập khẩu, do Chính phủ nước này đánh thuế và hạn chế nhập khẩu kim loại này. Bối cảnh này càng làm cho khả năng phục hồi của giá vàng thêm yếu ớt.

Tất nhiên là mọi thứ đều có thể đảo ngược, đặc biệt là thể trạng các nền kinh tế vừa chớm ra khỏi khủng hoảng như kinh tế Mỹ. Chính Fed cũng không chắc kinh tế Mỹ đã thực sự đủ sức khỏe để “xuất viện”, nên mới níu kéo gói QE3. Nhưng giờ đây, các dữ liệu mà Fed cần đều củng cố sự lạc quan đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Giá vàng thế giới giảm, vàng trong nước giảm theo từng giờ một, dù khoảng cách hiện vẫn còn dao động từ 2 đến 3 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, khoảng cách này sẽ còn thu hẹp khi mà nhu cầu vàng của các ngân hàng - nguồn cầu chính trên thị trường vàng sơ cấp (tạm gọi như vậy) đang giảm trông thấy. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã giảm mạnh lượng cung, nhưng số vàng SJC ế mỗi phiên vẫn có xu hướng tăng.

Càng ngày, càng có nhiều người nhận ra rằng, cơ quan quản lý đang muốn và đang từng bước hạn chế các yếu tố của một thị trường vàng trong nước, để không khuyến khích người dân nắm giữ vàng. Đó thực sự là một rủi ro đối với những người nắm giữ và cả các nhà đầu tư vàng.

Bớt đi những đối thủ cạnh tranh như vàng, ngoại tệ, ít nhất cho đến lúc này và trong ngắn hạn, chứng khoán chỉ còn thách thức lớn nhất là vượt lên chính mình với những nhân tố cơ bản là doanh nghiệp và cơ chế thị trường (chứng khoán).