Nhiều doanh nghiệp đã và đang có xu hướng mở rộng đầu tư sang lĩnh vực tài chính, bất động sản...

Nhiều doanh nghiệp đã và đang có xu hướng mở rộng đầu tư sang lĩnh vực tài chính, bất động sản...

Đầu tư tài chính tại doanh nghiệp: Những điều chưa nói

Ngày 27/2/2006, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 13/2006/TT-BTC hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp áp dụng vào việc lập báo cáo tài chính với mức độ chính xác đến đâu, minh bạch như thế nào thì có lẽ ít nhà đầu tư để ý, trong khi đây là một trong những cơ sở quan trọng để nhà đầu tư phân tích, đánh giá doanh nghiệp, phục vụ cho hoạt động đầu tư.

Dự phòng giảm giá bị xem nhẹ

Đối với các doanh nghiệp niêm yết, yêu cầu sử dụng kiểm toán độc lập là bắt buộc. Tuy nhiên, không ít lần chúng ta đặt câu hỏi nghi ngờ về chất lượng, mức độ chính xác của các báo cáo tài chính kiểm toán, nhất là khi hầu hết báo cáo kiểm toán đều chung một khuôn mẫu. Thế giới đã từng chứng kiến không ít vụ sụp đổ của các định chế kinh tế lớn đi kèm với thiệt hại không nhỏ cho công chúng đầu tư vì quá tin tưởng vào chất lượng các báo cáo kiểm toán.

Trở lại với vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, một điều dễ thấy là các doanh nghiệp đã và đang có xu hướng mở rộng đầu tư sang lĩnh vực tài chính, bất động sản... Trong khuôn khổ bài viết, tôi chỉ đề cập đến ảnh hưởng của đầu tư tài chính tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Liệu các doanh nghiệp có cố tình phớt lờ mức thiệt hại từ các khoản đầu tư tài chính? Và có phải một trong những lý do mà nhiều doanh nghiệp duy trì được kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2007 là do họ đã thực hiện trích lập quỹ dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng với mức thiệt hại thực tế?

Từ đầu năm 2007, các chuyên gia kinh tế đã dự báo những yếu tố không mấy thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đa phần họ mở rộng đầu tư sang lĩnh vực như tài chính, bất động sản... Với mức giảm từ 50 - 70% giá chứng khoán cả niêm yết và chưa niêm yết như hiện nay, không thể không đặt câu hỏi, các doanh nghiệp đầu tư tài chính có kết quả kinh doanh thực như thế nào? Nhiều dự báo đưa ra không mấy khả quan, nhưng thực tế, với việc giảm giá này, nhiều doanh nghiệp đã cam tâm “nuôi” tiếp, chờ thị trường đi lên. Theo thông lệ kế toán, doanh nghiệp chỉ kết chuyển chi phí - lợi nhuận khi đã tất toán khoản đầu tư, điều này có thể khiến không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng... lãi giả. Chính việc “chưa bán ra thì chưa coi là lỗ” này khiến nhà đầu tư không thể nắm rõ “sức khỏe” thật của doanh nghiệp. Làm sao để nhận biết được hiệu quả từ các khoản đầu tư tài chính này?

Theo Thông tư 13 nêu trên, các khoản chênh lệch giảm giá này phải được doanh nghiệp trích dự phòng, tính vào chi phí của năm báo cáo. Khi đó, lợi nhuận năm báo cáo sẽ bị giảm, nhiều hay ít tùy thuộc vào mức độ giảm giá thực tế của các khoản đầu tư. Tuy nhiên, việc trích lập này chính xác đến đâu lại là một vấn đề, vì chúng ta khó có thể kiểm tra được mức độ chênh lệch giá thực tế. Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp không công khai các khoản đầu tư của mình trong bản thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán. Thứ hai, khó xác định mức thiệt hại của các khoản đầu tư cổ phiếu chưa niêm yết.

Giám đốc đầu tư của một CTCK lâu năm cho biết, trong bản thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán, mọi khoản đều được trình bày chi tiết, nhưng khi công bố thì nhiều doanh nghiệp lại cắt xén. Hơn nữa, với các khoản đầu tư trên thị trường OTC, doanh nghiệp muốn không trích quỹ dự phòng cũng rất đơn giản. Nếu có bị kiểm tra, doanh nghiệp chỉ cần phản ứng rằng, không có căn cứ chính xác cho việc so sánh giá thị trường hiện tại và giá gốc. Có trời mới “bắt vạ” được! Nhà đầu tư cứ việc chờ đợi, nếu giá chứng khoán không tăng lên thì mức thua lỗ của các khoản đầu tư tài chính kiểu gì cũng sẽ xuất hiện một cách bất ngờ khi doanh nghiệp tất toán khoản đầu tư.

Chúng ta hãy xem xét bản thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán năm 2007 của một doanh nghiệp có các khoản đầu tư tài chính, chẳng hạn như Vinamilk. Tính đến ngày 31/12/2007, doanh nghiệp này có khoản đầu tư chứng khoán ngắn hạn là 436,453 tỷ đồng (trong đó, số dư đầu năm là 191,959 tỷ đồng, bán trong năm là 75,566 tỷ đồng, mua đầu tư mới là 319,985 tỷ đồng, nhận cổ tức 1,075 tỷ đồng), nhưng khoản trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán ngắn hạn chỉ là 175 triệu đồng, tương đương 0,4% tổng giá trị đầu tư! Đối với các khoản đầu tư dài hạn (bao gồm cả các công ty liên doanh, liên kết, công ty con và đầu tư khác vào các công ty đã niêm yết và chưa niêm yết), tổng giá trị đầu tư là 445,554 tỷ đồng, trong đó đầu tư chứng khoán là 273,738 tỷ đồng và tổng trích lập dự phòng giảm giá là 43,618 tỷ đồng. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là trong 43,618 tỷ đồng này có 4,21 tỷ đồng dự phòng giảm giá đầu tư vào công ty con, 39,408 tỷ đồng dự phòng giảm giá đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết. Điều này có nghĩa là, dự phòng giảm giá cho đầu tư chứng khoán dài hạn khác là bằng 0 (những số liệu trên được lấy ra từ thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán của Vinamilk do PriceWaterHouseCoopers Việt Nam kiểm toán).

Dành thời gian đọc thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán của một số công ty niêm yết, sẽ thấy một công ty niêm yết có khoản đầu tư tài chính ngắn hạn lên tới hơn 1.100 tỷ đồng, đầu tư tài chính dài hạn gần 1.000 tỷ đồng, nhưng không thấy trích lập dự phòng giảm giá. Một công ty khác đã chuyển hoạt động sang lĩnh vực tài chính, có tổng giá trị đầu tư chứng khoán giao dịch cuối năm 2007 là 689,12 tỷ đồng, đầu tư chứng khoán dài hạn là 814,426 tỷ đồng, nhưng con số trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính chỉ tương ứng là 53,572 tỷ đồng (bằng 7,8%) và 32,125 tỷ đồng (bằng 3,9%). Trên thực tế, đơn vị này có kết quả kinh doanh quý I/2008 sụt giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2007, mà nguyên nhân chủ yếu là do khoản lãi từ đầu tư tài chính sụt giảm.

 

Và vấn đề minh bạch thông tin

Nếu nghiên cứu kỹ bản thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán của doanh nghiệp thì chắc hẳn nhiều người sẽ bực mình. Bởi không ít thuyết minh báo cáo tài chính bị cắt xén những khoản mà chúng ta tạm thời cho là... khó nói! Để ý một chút sẽ thấy, không hiếm doanh nghiệp có khoản đầu tư tài chính rất lớn, nhưng không thể hiện chi tiết là đầu tư vào cái gì. Những doanh nghiệp minh bạch cao như STB, KLS, MPC... dù không phải là hiện tượng hiếm, nhưng lại không đại diện cho số đông về sự minh bạch trong các báo cáo tài chính. Cá biệt, nhiều khoản “đầu tư khác” lên tới vài trăm tỷ đồng nhưng không hề diễn giải. Về điểm này, một số ý kiến cho rằng, kiểm toán thì tất nhiên là có diễn giải chi tiết, nhưng lúc công bố thì doanh nghiệp lại... cắt xén. Nguyên nhân là gì thì chắc phải chờ doanh nghiệp tự ý thức công bố hoặc UBCK vào cuộc. Điều đáng băn khoăn là cả Sở/Trung tâm GDCK và UBCK đến tận thời điểm này vẫn không thấy có ý kiến gì với những doanh nghiệp có bản báo cáo như trên?

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp có khoản đầu tư tài chính rất lớn. Khoản đầu tư này có thể chưa ảnh hưởng đến con số lợi nhuận hiện thời, nhưng trong bối cảnh thị trường chứng khoán hiện nay, nó có thể làm giảm khá nhiều lợi nhuận của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp tất toán các khoản đầu tư. Thói quen nghiên cứu các báo cáo tài chính của nhà đầu tư chưa cao có lẽ là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp không minh bạch tình hình tài chính. Trước khi có sự tự giác của doanh nghiệp cũng như sự lên tiếng của cơ quan quản lý, nhà đầu tư hãy tự bảo vệ mình bằng cách dành thời gian nghiên cứu kỹ hơn “sức khỏe” của doanh nghiệp.

 

Thông tư 13/2006/TT-BTC hướng dẫn cách trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính như sau:

- Các loại chứng khoán đầu tư (áp dụng cho chứng khoán giao dịch tự do):

 

Mức dự phòng giảm giá ĐTCK

 

=

Số lượng CK bị giảm giá tại thời điểm lập báo cáo tài chính

 

x

Giá CK hạch toán trên sổ kế toán

 

-

 

Giá CK trên thị trường

 

- Các khoản đầu tư dài hạn:

 

Mức dự phòng tổn thất các khoản ĐTTC

 

 

=

 

Vốn góp thực tế của các bên tại tổ chức

 

 

-

 

Vốn góp chủ sở hữu

 

 

x

Vốn đầu tư của doanh nghiệp

Tổng vốn góp thực tế của các bên

Giám đốc tư vấn một CTCK

Tôi nghĩ rằng, việc các doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện nghiêm túc việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính là do Chuẩn mực kế toán Việt Nam không bắt buộc. Việc này khiến nhiều doanh nghiệp đưa ra con số lợi nhuận "đẹp" hơn mức thực tế. Ngay cả với một vài CTCK, những đơn vị bắt buộc phải trích lập quỹ dự phòng giảm giá đầu tư tài chính vẫn có thể "lách luật" với các khoản đầu tư trên thị trường OTC, do không có giá tham chiếu chuẩn. Tất nhiên, việc không trích lập này có thể dẫn đến tình trạng nhà đầu tư nhận thức không đầy đủ và chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp, dẫn đến các quyết định đầu tư sai lầm. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận là, nếu ép buộc phải lập quỹ dự phòng đầy đủ, tác động của nó đến thị trường sẽ như thế nào? Hiện tại, nhiều doanh nghiệp thực hiện kết chuyển từ đầu tư ngắn hạn sang đầu tư dài hạn để "chống lỗ" và họ không bán ra vì nó chưa thể hiện trên báo cáo tài chính và bảng cân đối tài sản. Nếu bắt buộc phải thực hiện trích lập đầy đủ, đằng nào doanh nghiệp cũng bị lỗ, như vậy chắc chắn họ sẽ đồng loạt bán ra, gây ảnh hưởng không tốt tới thị trường, nhất là trong bối cảnh hiện nay.